Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: Ngôi nhà kỳ lạ của chị Năm Nghĩa (Kỳ 9)

Biết bao sóng gió đã ập đến với chị Năm Nghĩa sau khi một số tờ báo trung ương và địa phương phản ánh về những bất cập trong công tác đón nhận hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ của huyện, tỉnh Bình Dương và nỗi niềm của chị trước những nấm mồ vô danh mọc lên ngày càng nhiều trong nghĩa trang tình thương ở Truông Bồng Bông ấy.


Chị bị trục xuất khỏi địa bàn. Chị buộc phải sống ẩn nấp trong những cánh rừng đại ngàn. Nhiều lúc, tủi phận, chị ngồi bưng mặt khóc. Có lần, quá bi quan, sầu thảm khi nghĩ đến tương lai mờ mịt như đám mây mù trên đỉnh núi Chư - Pông vời vợi kia, chị định ăn lá ngón tự vẫn. Nhưng nhìn đống hài cốt chồng chất tầng tầng trong hang đá lạnh, nghe những lời van xin đến tội tình: “Xin đừng làm thế. Đồng chí mà chết thì ai đưa chúng tôi ra khỏi những cánh rừng này. Chúng tôi vĩnh viễn phải gửi thân xác ở nơi đây, vĩnh viễn không bao giờ được trở về”, chị lại dằn lòng ném nắm lá độc ấy xuống dòng suối chàn chạt những cánh bướm rừng, vuốt nước mắt, đi tìm trái cây rừng để ăn, để tiếp tục sống, tiếp tục đào bới hài cốt.

Cho đến một ngày, niềm hy vọng mỏng manh cứ tắt lịm dần trong cái giá buốt của mùa đông nơi mây mù núi xám thì một tin vui bất ngờ ào đến với chị: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vời chị về, cấp cho chị một khoảnh đất ở Ấp Bắc 2, xã Hoà Long, thị xã Bà Rịa. Rồi bốn công ty xây dựng Đông Nam, Đại Việt, Thái Dương và Anh Nam chung tay xây dựng cho chị một căn nhà cấp 4 trên khoảnh đất đó. Thật khó diễn tả cho hết niềm vui sướng tột độ của chị khi nhận được căn nhà. Lần đầu tiên, sau 8 năm ăn rừng ở rú, ăn nhờ ở trọ, chị và các liệt sĩ mới thực sự có một chốn đi về, có một nơi để thờ tự. Gần suốt một tháng trời, đêm nào chị cũng như kẻ mộng du, tay xách đèn dầu đi lần sờ, nhìn ngắm từng vuông cửa, từng nét hoa văn trên tường. Căn nhà đơn sơ mà sao chị thấy ngờm ngợp niềm sung sướng như đang ở trong toà lâu đài nguy ngã, lộng lẫy của một bà hoàng nào đó tít trời tây. Rồi chị lại bưng mặt khóc.
 
Căn nhà có hai phòng. Phòng nhỏ phía trong chị để ở. Phòng lớn bên ngoài chị làm nơi thờ tự, lưu giữ kỷ vật và hài cốt liệt sĩ trong khi chờ người thân đến đón nhận.Tôi đã nhiều lần đến thăm căn nhà ấy và lần nào cũng rưng rưng nước mắt, lần nào cũng bàng hoàng, gai người khi nhìn thấy 9 cái đinh rỉ ngoèn, to như ngón tay, cái dài cái ngắn nằm lạnh lùng gớm ghiếc trong tủ kính. 9 cái đinh ấy, chị Năm Nghĩa đã nhặt được trong bộ hài cốt của liệt sĩ Trần Ngọc Thành thuộc đơn vị Hậu cần 82 – Bộ tư lệnh miền Nam. Anh Thành bị địch bắt, bị tra tấn vô cùng tàn độc bằng cách lần lượt đóng 9 cái đinh vào ngực anh. Dã man hơn, khi anh đang còn quằn quại vì đau đớn, chúng cắt đầu anh ném cho đàn chó béc-giê cắn xé rồi vùi cái xác không đầu xuống cái hố nông choèn.
 
Lần nào lòng tôi cũng rưng rưng khi đứng trước hàng ngàn di vật liệt sĩ mà chị Năm Nghĩa đã kỳ công nhặt nhạnh từ rất nhiều những cánh rừng hoang dại. Đây hàng chục cái bi-đông đựng nước cũ tróc sơn, cái méo mó, cái bị đạn xuyên thủng. Kia đống dây dù đã từng xiết chặt 16 người lính giải phóng rồi chôn chung một nấm mồ. Cái ngoáy trầu này, địch dùng đóng vào đầu anh Hai Tâm ở Đoàn 445 - Bà Rịa. Cái lược nhỏ nhắn gọt giũa từ mảnh cánh máy bay lẫn trong hài cốt của anh lính trẻ Mai Thế Anh quê Ba Đình, Hà Nội, đó có phải là món quà anh định dành tặng cho người bạn gái mà chưa kịp gửi ra Bắc? Rồi những quyển nhật ký chiến trường đã ố vàng nặng trĩu nỗi nhớ cha, thương mẹ. Những tấm bằng dũng sĩ diệt Mỹ. Những đôi dép cao su mòn vẹt. Những súng AK, những viên đạn hoen rỉ, xẻng quân dụng, bát men Trung Quốc dùng để ăn cơm. Rồi ống kính máy ảnh của một phóng viên chiến trường nào đó… Ngờm ngợp những hiện vật như có hồn như những minh chứng ghi lại những năm tháng đau thương mà hào hùng của dân tộc. Tất cả đều được chị Năm Nghĩa moi lên sau bao nhiêu năm chôn vùi âm thầm trong lòng đất lạnh cùng hài cốt liệt sĩ.
 
Tôi cũng đã nhiều lần ở lại qua đêm tại căn nhà của chị. Và lần nào tôi cũng bị ám ảnh bởi những điều kỳ lạ xảy ra tại ngôi nhà ấy. Có lẽ, không một ngôi nhà nào ở Bà Rịa (và cả ở Việt Nam) lại có nhiều chim se sẻ về hợp đàn nhiều như nhà chị Năm Nghĩa. Ngày nào cũng thế, cứ đúng 5h sáng, cả khu vườn nhà chị ríu ran tiếng chim. Thoạt đầu, chỉ là những thanh âm ríu rít cất lên trong từng lùm cây, góc vườn. Sau, cả khu vườn rộn rã, náo nức, tưng bừng tiếng chim như một dàn hợp xướng khổng lồ với hàng ngàn hàng vạn con chim sẻ. Thanh âm rộn rã đến độ muốn nói chuyện với nhau, chúng tôi phải ghé sát tai nhau mà gào gọi. Dàn hợp xướng ấy cất lên đến đúng 7h thì ngừng bặt. Từng đàn cất cánh bay toả bốn phương, để rồi cả khu vườn nhà chị bật lên màu trắng toát bởi phân chim tưới trắng từ gốc cây đến ngọn. Và đúng 6h chiều, từng đàn chim sẻ khổng lồ lại rào rào từ khắp bốn phương bay về vườn nhà chị tụ họp rồi lại đồng thanh cất lên những tiếng hát át tiếng người. Những lúc ấy, khuôn mặt chị Năm trông rạng rỡ hẳn lên. Chị cười bảo: “Các bác liệt sĩ về động viên chị đấy”. Điều kỳ lạ là cả Ấp Bắc, xã Hoà Long, nhà nào cũng rợp cây ăn trái. Sao đàn chim sẻ khổng lồ ấy chỉ tụ họp ở mỗi nhà chị? Chợt thấy sởn da gà và thảng thốt nhận ra rằng: lời tếu táo trên của chị Năm đâu chỉ là câu nói đùa.
 
Điều kỳ lạ nữa ám ảnh mãi tôi cho đến tận bây giờ. Nhiều đêm ở nhà chị, chưa đêm nào thấy chị Năm Nghĩa được ngủ trọn giấc. Cứ chừng 1-2 giờ sáng, nghe tiếng kẹt cửa phòng chị, mở mắt nhìn, lại thấy chị ra quỳ ở gian thờ các liệt sĩ rồi rì rầm trò chuyện. Ngại ngùng hỏi chị, chị bảo: “Các bác liệt sĩ mời gọi chị đấy”. Khi thì tâm sự, chuyện trò, lúc thì chỉ dẫn cho chị những cánh rừng, ngọn núi có hài cốt liệt sĩ. Thậm chí, ngay cả khi ngủ, chị bao giờ cũng chỉ nằm dạt một góc giường. Vì đêm nào các chị em nữ thanh niên xung phong cũng về ngủ cùng chị.
 
Nhưng có lẽ, điều ám ảnh lớn nhất trong tôi là bài hát mà suốt quãng thời gian tôi ở nhà chị, ngày nào tôi cũng thấy chị bật mở từ sáng đến tối. Duy nhất một bài ấy:
 
“Đêm khuya âm u
Ai khóc than trong sương mù?
Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù
Hồn ai kia đau xót chơi vơi?
Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi.
Uất khí ngất đất,
Bao lớp mây che kín trời
Sóng thét qua bãi lau như nhắc người xưa anh dũng
Đã hy sinh giữ gìn nước non
Lòng Bà Trưng vững bền sắt son
Làn gió đưa sóng trào, nước pha máu hồng rừng gươm đao
Cờ Bà Trưng lướt gió
Nước sông Hát cuốn mau.
Rền rĩ như có người, thoáng nghe gió gọi từ xa xôi
Có tiếng loa rộn rã núi đồi
Nào ai yêu nước nhà, yêu giống nòi thề một lòng
Vùng lên trong mưa gió trong gươm súng
Đoàn quân anh dũng tiến lên gìn giữ lấy non sông
Tường đồng là nhân dân
Là ngàn người chung sức như một đứng lên,
Ta cùng tiến!
Quyết giết hết quân thù,
Đón ánh sáng chiếu rạng nước nhà thắm tươi
Đến muôn đời
Nhân dân đau thương
Ghi nhớ ơn của bao người
Chiến đấu dâng tấm thân cho nước nhà, cho giống nòi
Nhìn gương xưa liệt sỹ nêu cao
Lòng sôi lên cương quyết noi theo
Nước mắt rớt xuống,
Bao xót thương bên nấm mồ
Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ
Chưa nguôi máu những con yêu thác vì nước non
Ngàn muôn năm Tổ Quốc ghi ơn”.
 
Bài hát “Hồn tử sĩ” với giai điệu trầm buồn, với lời ca nức nở vốn để tưởng nhớ và chiêu hồn các anh hùng liệt sĩ thời chống Pháp, nay vẫn cất lên xót xa, thương cảm từng ngày trong căn nhà nhỏ của chị khiến ai đó mới đến, có cảm giác chợn rợn như đang ở nhà tang lễ Bộ quốc phòng. Lại thắc mắc hỏi chị, chị bảo, mắt ầng ậng nước: “Em thấy đấy, nhà chị lúc nào chẳng có vài chục bộ hài cốt liệt sĩ. Vì sau mỗi chuyến đi rừng, toàn bộ hài cốt tìm được, chị đều tập kết về đây rồi mới viết thư thông báo cho các gia đình thân nhân liệt sĩ đến nhận. Có năm, đến 25 Tết, bàn giao hết hài cốt, nhìn căn nhà trống trơn, chị buồn quá, bưng mặt ngồi khóc. Thế là vội khoác ba lô vào rừng. Chiều 30 Tết trở về, trên ba lô nặng trĩu… 18 bộ hài cốt. Chị trùm cờ đỏ sao vàng rồi nao nức làm cỗ, mời các anh ăn Tết. Nhiều linh hồn liệt sĩ còn cha mẹ, anh em, cho họ tên, địa chỉ, quê quán, chị viết thư gửi đi. Chỉ một thời gian là gia đình mang thư, giấy báo tử, bằng tổ quốc ghi công đến nhận hài cốt về. Nhưng có liệt sĩ chẳng còn ai thân thiết để đến đón nên nhiều lúc các anh cũng chạnh lòng. Chị mở bài “Hồn tử sĩ” như một cách để an ủi những linh hồn bơ vơ ấy”.
 
Kỳ 10: Nghe rõ, nhìn rõ hình ảnh vong liệt sĩ như trên ti vi đen trắng
 
Hoàng Anh Sướng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khoi-dang-thien-phong-su-dac-biet-ngoi-nha-ky-la-cua-chi-nam-nghia-ky-9-a2550.html