Ở bài viết này, một phần nào đó giúp độc giả hiểu hơn về sự “gian nan”, truân chuyên, “cõng nắng, gánh mưa” của bà Nguyễn Thị Thanh đưa hài cốt của mẹ mình về với mảnh đất Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).
"Ngày.... mệ... mất!"
Trong “Búp Sen xanh” của cố nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021, Diễn Châu, Nghệ An), ông viết về sự ra đi của bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tỉ mỉ, chi tiết. Cái đau thương bao trùm đất “thần kinh” (kinh đô Huế), mẹ mất, Côn (tên lúc nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) lúc ấy chỉ 10 tuổi...
Chị Sắc (cố nhà văn Sơn Tùng gọi trong Búp Sen Xanh) sống thui thủi một mình trong thành nội. Tuy chồng, con ở cách xa không đáng kể nhưng nỗi nhớ cứ trập trùng trong lòng chị. Hình ảnh bé Côn cứ cuộn tròn trong nỗi nhớ của chị suốt ngày. Nhất là về đêm, nằm một mình trong căn nhà ba gian trống vắng, chị Sắc càng thấy cái nỗi nhớ quẫy mạnh...
Chị cử Sắc - Hoàng Thị Loan chẳng những không khỏa lấp được nỗi nhớ người thân mà ngày càng thấy nỗi nhớ rộng thêm, sâu thăm thẳm. Chị đành phải bàn với chồng đưa bé Côn trở về thành nội sống với chị.
Cậu bé Nguyễn Sinh Côn lại sống bên cạnh mẹ trong những ngày tháng mẹ đau yếu và sắp sinh em. Hàng ngày, Côn đi theo đám trẻ thành nội hái cành củi khô trên các cành cây cao để mẹ có củi đun bếp...
Mùa hè năm cuối cùng của thế kỷ mười chín. Chị Sắc đã sinh con trai, Anh (cách gọi của cố nhà văn Sơn Tùng) - cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh) đặt ngay tên cho đứa con út là Nguyễn Sinh Nhuận. Anh giải thích với vợ: “Đã gần mười năm, nay nhà (mình) mới sinh thêm một lần nữa. Vì vậy tôi đặt tên cho con là Nhuận. Nhuận nghĩa là thêm. Ví như năm “nhuận” là năm có dôi ra một tháng.
- Mình không đặt tên chữ cho con à? - chị Sắc hỏi chồng.
- Tự của nó là Tất Danh, nhà nhớ cho con nhá.
Chị Sắc muốn được trò chuyện với chồng nhiều, nhưng trong người mệt luỗi như muốn đứt hơi! Anh cử Sắc quạt muỗi, đắp chăn vải mỏng cho hai anh em bé Khiêm, Côn ngủ. Anh khơi to ngọn đèn, giở bộ sách thuốc ra đọc. Anh kê từng vị thuốc ra giấy và nỗi lo lắng về tình trạng sức khỏe của vợ dấy lên trong lòng anh. Anh trăn trở mãi và đành phải cho vợ biết ngay việc anh sắp phải đi xa.
- Nhà vừa ở cữ, lại không được khỏe. Tôi thấy khó xử với lệnh trên truyền xuống giữa lúc cảnh nhà quẫn bức này.
- Có chuyện chi mà hệ trọng lắm vậy nhà?
- Quan tế tửu mới vừa truyền lệnh của quan thượng thư Bộ Học chọn cử tôi đi Thanh Hóa coi thi Hương.
Chị cử Sắc thở dài não ruột:
- Cổ nhân đã dạy: “Sứ trời sớm giục đường mây, phép công là trọng niềm tây xá nào (Chinh Phụ ngâm). Nhà cứ yên tâm đi làm việc lớn mà triều đình đã sắp đặt. Việc nhà, xin nhà đừng bận tâm lo nghĩ mà hao tổn tâm thần, nhãng sao phần đèn sách.
- Thì cứ là công việc tuyển chọn người học vấn chân tài. Tôi không thể từ chối được. Hiểm một nỗi... nhà... nhà đang bệnh... Bệnh sản sau ngày sinh nở là độc lắm. Tôi vắng nhà, việc lo liệu thuốc thang chẳng có ai. Bé Khiêm nó cũng sẽ đi với tôi. Bé Côn còn trẻ nít, nó xoay xở sao nổi cái công việc mà người lớn cũng còn thấy bất lực kia mà!
Hai vợ chồng anh cử Sắc bàn bạc việc nhà trong mấy hôm liền. Hơn một tháng sau, cha con anh cử Sắc lên đường đi chấm thi Hương ở Thanh Hóa.
Bệnh hậu sản của chị cử Sắc ngày càng nặng. Sức khỏe của chị suy sụp rất nhanh từ sau ngày anh vắng nhà.
Với cái tuổi lên mười, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình của mẹ. Hằng ngày, Côn còn phải bế em sang hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ. Các bạn nhỏ trong thành nội cũng thường bế em giúp Côn đi xin sữa và gọi bằng cái tên thân mật: em Xin. Từ đó mọi người quên hẳn cái tên Nguyễn Sinh Nhuận.
...
Đêm tháng chạp gió hú dài trên đường thành. Côn đặt tay lên ngực mẹ hỏi:
- Mệ ơi! Mệ có làm sao không?
- Mệ không sao đâu. Con ngủ đi, trằn trọc mãi vậy. Chị Sắc thở dài: - Con săn sóc mệ ốm, lại chăm nom em nữa... e con sụp mất!
....
Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901), kinh thành Huế nhuộm màu ảm đạm. Nền trời chì. Gió hiu hiu thổi. Người đi chợ Tết đông như hội. Dưới sông, thuyền hàng, đò dọc, đò ngang đi về như mắc cửi. Nhiều người đã sắm hoa Tết, vác những cành mai, bưng chậu thủy tiên vẻ hớn hở.
Côn xách một vịm cơm trong cái gióng mây ba tao (đồ dùng đựng cơm bằng sành), vừa đi vừa theo dõi con chim sâu mới ra ràng đang nhảy nhót trên hàng cây hoa đại sau cửa Đông Ba. Bỗng tiếng Công tôn nữ Huệ Minh (bạn của Bác lúc ở Huế) gọi yếu ớt: “Côn... ơi! Mệ... Côn... ch...ết... Côn ơii...!”
Côn ném vịm cơm xuống. Cái vịm sành vỡ làm đôi, cơm tung tóe trên vạt cỏ úa vàng... Côn chạy một mạch về nhà, miệng la lớn: M...ệ ệ... Mệê... ô..ii!...
Một ông từ phía sau đại nội chạy tới níu lấy Côn và bịt miệng, không cho Côn khóc la:
- Náu lặng! Náu lặng ngay không thì mất đầu... Đây là nơi gần với cung vua, gần tòa sở các quan làm việc, không ai được la to, mi đã rõ chưa?
Côn mím chặt môi không cho bật ra tiếng khóc. Càng chạy nhanh càng dồn nén nỗi đau tắc nghẹn, nước mắt giàn giụa, đất trời quay tít trước mặt. Côn lại òa lên khóc khi thấy mẹ đã thõng một cánh tay xuống bên thành giường, một tay vẫn ôm vòng qua cổ bé Xin. Và bé Xin không biết mẹ chết cứ ngậm vú mẹ nhay nhay. Côn phủ phục xuống bên mẹ gọi: Mệ! Mệ! Mệ! M...ệê ô...iii! Mệ bỏ chúng con... sao... mệ... ôi! Cha... chưa... kịp... về... mà... mệ... ơi!
Huệ Minh chạy vào bế bé Xin ra khỏi vòng tay thi hài chị cử Sắc. Bé Xin giãy nảy, chuồi chuồi chân, khóc thét... Ngoài sân, hàng xóm đã đổ tới khá đông...
Vì luật của triều đình, những người chết trong thành nội không được phép làm đám ma ở đó, phải chuyển áo quan ra bên ngoài để hành lễ. Kinh thành Huế nghiêng nghiêng dưới gầm trời u ám cuối năm. Chiếc quan tài bà cử Sắc - Hoàng Thị Loan - phủ chiếc chiếu hoa “song thọ”. Trên nắp áo quan đặt đĩa đèn dầu cháy leo lét, vật vờ. Sáu người đàn ông dàn ra hai hàng khiêng tay chiếc áo quan đi từ từ ra phía cửa hậu, luồn qua Đông Thành Thủy Quan. Nguyễn Sinh Côn đầu đội khấu rơm, mặc áo đại tang, chống gậy, chân đất, đi sau quan tài mẹ. Huệ Minh bế bé Xin sóng bước với Côn...
Những người hàng xóm đi đưa ma bà cử Sắc phải đi phía cửa Đông Ba ra sông Hương đợi thuyền chở quan tài từ Đông Thành Thủy Quan tới. Chiếc quan tài đặt vào lòng con đò. Côn gục đầu xuống nắp áo quan mẹ. Ở đầu áo quan, sáp nến chảy dài và tụ lại thành cục, thành hòn dưới chân cây nến. Dòng khói hương cuồn cuộn. Bé Xin vừa mút tay vừa gào mẹ... Côn vừa khóc nấc dồn dồn, toàn thân rung lên...
Ngôi mộ bà cử Sắc đã được vun cao. Mọi người thành kính đặt một nắm đất cuối cùng lên mộ rồi lần lượt ra về. Người nào cũng ngoảnh lại, cám cảnh nhìn hai anh em bé Côn.
Bãi tha ma Nam Giao hoang vắng. Bóng chiều ôm tròn ngôi mộ màu đất mới nghi ngút khói hương. Côn phủ phục xuống lạy tạ trước tấm bia gỗ trên đầu ngôi mộ mang hàng chữ đen: Hoàng Thị Loan sinh năm Mậu Thìn (1868) tại làng Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, từ trần ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901) tại kinh đô Huế.
Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng trong thành nội. Bà con hàng xóm, các nhà có con học ông cử Sắc đều muốn đón anh em Côn về ở với gia đình họ. Nhưng Côn không đến ở nhà ai. Em còn nhỏ, đang lâm bệnh ỉa chảy, lại là ngày Tết, nhà nào cũng có cỗ bàn sang trọng, khách khứa đông vui, người ta sẽ khó chịu về sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi mẹ này! Những đêm đầu tiên vắng mẹ, Côn thấy rờn rợn trong đầu. Bé Xin nhớ hơi mẹ, thèm sữa gào khóc; không dỗ được em nín, khổ quá, Côn khóc luôn với em...
Chú thích:
- Anh Cử Sắc: Ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh).
- Chị cử Sắc: Bà Hoàng Thị Loan (Thân mẫu của Người).
- Bé Khiêm: Nguyễn Sinh Khiêm (Anh trai của Bác).
- Bé Côn: Nguyễn Sinh Côn (tên lúc nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
- Búp Sen xanh: Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1981. Sau tái bản nhiều lần, trong đó có bộ Búp sen xanh 2 tập khổ nhỏ, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1996 của cố nhà văn Sơn Tùng (Diễn Châu, Nghệ An).
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hanh-trinh-ba-nguyen-thi-thanh-dua-hai-cot-than-mau-hoang-thi-loan-ve-nam-dan-ky-i-a25491.html