Câu chuyện nhà thơ Tố Hữu kể với nhà thơ Bế Kiến Quốc vào tháng 5-1995 (1) cho chúng ta thấy phong cách giản dị nhưng cũng hết sức sâu sắc của Bác. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhà thơ Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế. Sau đó ông giữ chức Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Ông ra Hà Nội gặp Bác Hồ và được Bác tiếp thân mật tại Phủ Chủ tịch.
Nhà thơ Tố Hữu kể: “Mình từ Huế ra Hà Nội. Lúc đó mình là Phó Bí thư Xứ ủy nhưng còn nhỏ con lắm, hăm lăm tuổi thôi mà. Vào gặp Bác cũng như đụng phải núi, cũng ngại ngại chứ. Cảm giác đầu tiên thấy Bác nghiêm nghiêm, mình nghĩ cũng phải: lãnh tụ phải nghiêm thế. Bác lúc đó đúng như trong tranh Tô Ngọc Vân vẽ đấy. Rồi, Bác bỗng hỏi như người nhà: “Chú ra bằng gì?”. “Thưa Bác, cháu ra bằng xe ô tô”. Lại hỏi: “Xe của ai?”. “Thưa, xe mình”. Thì cũng chỉ ý nói xe của đằng mình thôi. Ai dè Bác gặng hỏi: “Xe chú đấy à?”. Mình hoảng quá: “Dạ không, thưa Bác, xe của Việt Minh”. Bác không nói gì. Đó, Bác cụ thể lắm. Bác luôn nhắc nhở, đề phòng cán bộ trở thành những ông “quan cách mạng”. Hồi đó, Bác đi cái xe rất tàng. Rồi Bác hỏi: “Bây giờ chú làm gì?”. “Dạ, thưa Bác, dân đói, chúng cháu lo cái ăn cho dân, lo tuyển quân phục vụ Nam tiến…”. Bác hỏi lo cái ăn cho dân thế nào, mình nói chuyện trồng sắn cứu đói, kể lúc trồng sắn trong Hoàng thành, Bác nghe hơi sững lại. Mình phải nói rõ là chỉ dám trồng ở mấy bãi cỏ thôi. Bác nhắc đừng trồng ẩu những vườn hoa, di tích… Nhân đó mình mới hỏi Bác: “Bọn cháu ở bí mật ra, không hiểu chính quyền, xin Bác cho kinh nghiệm để về làm”. Bác nói: “Bác cũng mới làm. Bác có làm chủ tịch bao giờ!”. “Dạ, nhưng xin Bác chỉ vẽ cho. Bác cho ý kiến như ở Huế thì nên làm thế nào?”. “Ờ, cứ hỏi dân, dân ưng cái gì, không ưng cái gì. Người ta ưng cái gì thì làm, không ưng cái gì thì đừng có làm. Làm thế nào cũng hỏi dân. Cử ai làm, cũng phải hỏi dân”. Tóm lại, chính quyền theo Bác chỉ có ba câu. Sau này ta nói: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - theo tôi có lẽ không rõ bằng ba câu của Bác. Bác là vậy”.
Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta giành được chính quyền, hầu hết cán bộ chưa được đào tạo về quản lý nhà nước, ắt không tránh được lúng túng. Lời Bác dạy về chính quyền đối với đồng chí Tố Hữu rất súc tích, giản dị, nêu rất gọn chủ trương của Đảng thực hiện một nhà nước dân chủ nhân dân - nhà nước cách mạng hoàn toàn mới mẻ không chỉ ở Đông Nam Á mà cả châu Á nữa. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chính quyền các địa phương được xây dựng phát triển ngày càng vững vàng, làm tốt vai trò quản lý xã hội, phục vụ nhân dân, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày nay, sau 70 năm xây dựng, hệ thống chính trị nói chung chính quyền các cấp nói riêng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, cán bộ các cấp làm nhiệm vụ quản lý nhà nước nói riêng, cán bộ cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương được đào tạo bài bản nhằm đáp ứng công cuộc xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Những điều đó bây giờ phát triển về mọi mặt, khác xa năm 1945.
Sự phát triển đi lên là quy luật xã hội và cuộc sống của người dân đòi hỏi nhưng lời dạy của Bác Hồ cho cán bộ các cấp từ thời cách mạng mới thành công - như câu chuyện ở trên - vẫn còn nguyên giá trị. Chính điều đó đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên, công chức trong guồng máy chính trị của đất nước, nhất là ở cơ sở, phải quán triệt, thực hiện cho tốt!
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chu-tich-ho-chi-minh-noi-ve-chinh-quyen-dan-chu-nhan-dan-a25488.html