Đền Bản Cảnh: Về Cát Ngạn đoái nhìn danh sĩ Đinh Bộ Cương (Kì I)

Nắng trải vàng rộm đồng quê, đường về tổng Cát Ngạn (Thanh Chương, Nghệ An) rải đầy nắng để tỏ tường đền Bản Cảnh (xã Thanh Liên) mà dân chúng hết lòng ngưỡng vọng, thờ phụng.

Hình bộ Thượng thư Đinh Bộ Cương

“Ta cứ đi tìm những cái hay, cái lạ ở quê người, điều đó không có gì đáng trách, nhưng ta vô tình hay hữu ý bỏ quên cái hay, cái đẹp của quê hương, dù ta có viện ra nhiều lý do nào đó để bảo vệ cho sự thờ ơ của mình, cũng là có lỗi với người xưa…”.

Đinh Bộ Cương - còn được đọc là Đinh Bô Cương, quê ở làng Cao Môn, tổng Cát Ngạn (nay xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, Nghệ An), là một danh sĩ và đại thần Đại Việt thời Hậu Lê. Ông làm quan trải hai đời Vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, thăng tới chức Hình bộ Thượng thư. Ông là vị quan thanh liêm, cương trực, có vai trò quan trọng trong việc chiêu dân lập ấp, khai khẩn nên các xã vùng hữu ngạn sông Lam tổng Cát Ngạn, nay là các xã Thanh Liên, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Đức, huyện Thanh Chương.

z4345075965638-5759b8149404fd6c7766d7573a1adeba-1684077419.jpg
Văn chỉ bia Tổng Cát Ngạn - chứng tích lịch sử quan trọng được ví như Văn miếu thu nhỏ của vùng Cát Ngạn xưa. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong “Thanh Chương huyện chí”, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch viết về Đinh Bộ Cương: "Xem trong các vị thờ tại Văn Miếu bản huyện không có ông. Phải chăng tiền bối không thấy tên ông trong đăng khoa lục. Nói về văn chương đức nghiệp, Đinh tướng công lọt vào thịnh tuyển bút phê Quang Thuận thứ 8, phải chăng là đại đình văn chương sao? Trải Hình bộ Thượng thư hai triều của thời thịnh Lê, phải chăng là đức nghiệp sao? Huống hồ hai chữ Thượng thư đâu dễ mạo xưng.

Vào thời Trung Hưng, không quan tâm tới ngụy thiết, đến thế đại xa xưa, sự tích bị bụi thời gian che phủ, danh hiệu Thượng thư trở thành mộ cổ. Chuông vàng di tích Môn Trang và gia thế của Người trở thành tàn biên cựu độc (“sách tàn giấy cũ”). Chỉ còn bia miệng của bản xã là không mai một…

Khoa mục của Đinh tướng công, có hay không chưa dám chắc, nhưng chức danh thượng thư và từng được nhà vua ngự bút tuyển chính trực, để trở thành người phá thiên hoang cổ trại - khai khoa của một vùng, từng là quan minh chính thịnh triều. Đó là những phù di thánh huấn. Như các ông Thẩm hình Phan Thái, Văn Giám e cũng phải nhún nhiều, bản huyện cũng lấy đăng danh đại bảng và Võ thần hiển hoạn có công văn giáo mà thờ.

Sẽ là thiếu sót khi chưa nghiên cứu để tròn bổn phận đàm ân".

z4345075968024-f06fae28bc906fc4444375895624f898-1684077713.jpg
Ba tấm bia ghi rõ danh tính các vị đỗ Đại khoa (Thám hoa, Tiến sĩ), các vị Cử nhân, Tú tài trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam của tổng Cát Ngạn cũng như công tích đóng góp, tôn tạo của các bậc thức giả. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo cụ Bùi Văn Chất, “Văn chỉ tổng Cát Ngạn”,... bia giữa ghi 4 vị đỗ đại khoa: 1 - Thượng thư Đinh Bộ Cương, Quang Thuận Đinh Hợi chính trực thịnh truyền đệ nhị danh sĩ chí, Hình bộ Thượng Thư phong tặng Thành hoàng Đức Nhuận”,... ( 2 - Thám hoa Nguyễn Ngọc Dật, 3 - Tiến sĩ Nguyễn Thế Bình, 4 - Tiến sĩ Đinh Nhật Thận).

Đinh Bộ Cương lúc đầu làm chức Tri huyện (làm đến chức Tri huyện dưới triều vua Lê Thánh Tông). Năm 1467, vua Lê Thánh Tông hạ lệnh cho các quan trong triều xét những viên huyện lệnh nào là người cương trực, dám đấu chọi với kẻ gian tà, thì mỗi viên quan trong triều đều được đề cử một người. 

Bấy giờ có quan Thượng thư bộ Lại là Nguyễn Như Đổ đề cử nhóm Nguyễn Thế Mỹ gồm tám người để ứng tuyển. Tuy nhiên, vua Lê Thánh Tông xét thấy những người ấy đều mới ra làm quan, tài năng chưa được thể hiện rõ, nên lại hạ lệnh cho cử lấy mười người đang làm quan trong kinh thành từ hàng ngũ phẩm trở xuống. 

Lúc ấy Thái bảo Lê Niệm cử quan Công khoa cấp sự trung là Lương Thế Vinh; Đô đốc Trịnh Văn Sái cử Hội khoa cấp sự trung là Đặng Thục Giáo; Thượng thư Trần Phong cử Thượng bảo tự khanh Dương Tông Hải. Nhà vua xem tờ tâu của họ, thấy những người được đề cử nhiều người làm quan không xứng với chức vụ, bèn lựa bỏ họ tên Lương Thế Vinh, chỉ để lại tên hai người ở trong hàng tuyển cử, là giáo thụ Nguyễn Nhân Tùy và Tri huyện Đinh Bộ Cương. (*)

z4345075967464-6519019b1d067218da75431437d1960a-1684077354.jpg
Đền Bản Cảnh (xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương). Ảnh: Nguyễn Diệu

Sau khi được Vua cất nhắc, Đinh Bộ Cương được bổ nhiệm cùng với Quốc tử giám thụ Nguyễn Nhân Tùy, Giám bạ Đào Nhân Tùy, Tri huyện Lê Bá Tu, Minh hình tri viên ngoại lang Đào Lang Chủng làm làm Giám sát ngự sử ở các xứ khác nhau.

Năm 1497, Vua Lê Thánh Tông mất, Lê Hiến Tông lên ngôi. Năm 1499, Đinh Bộ Cương giữ chức Thượng thư bộ Hình, được cử làm Giám thí cho cuộc thi Đình, đầu bài hỏi về nhân tài và vương chính.

Trong sách "Nghệ An ký", do Bùi Dương Lịch biên soạn, phần "Thanh Chương huyện chí", mục "Nhân vật chí", tiết "Văn nhân", chép ông ở vị trí thứ 15 theo thứ tự niên đại đăng khoa hoạn.

Còn tiếp...

Chú thích:  (*): Theo Bách khoa toàn thư mở wikipedia

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-ban-canh-ve-cat-ngan-doai-nhin-danh-si-dinh-bo-cuong-ki-i-a25471.html