Ông Lương Phấn Cang đang giải nghĩa tấm bia tháp 7 tầng trên núi Phù Dung.
Hà Tiên, vùng cực Nam của Tổ quốc, không chỉ đẹp mê lòng người bởi địa hình có núi, đồng bằng, biển đảo xen kẽ, mà còn có những câu chuyện truyền thuyết về Mạc Mi Cô, về kho báu của dòng họ Mạc, về ngọn núi Đề Liêm với tháp cổ 7 tầng huyền bí…
Ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) có khá nhiều núi, dù không cao nhưng vẫn phủ một màu xanh ngắt của cây. Trên mỗi ngọn núi ấy, đều có một những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, huyền bí, được người dân địa phương rất tin và lưu truyền. Như ngọn núi Phù Dung ở phường Bình San với câu chuyện về ngọn tháp 7 tầng từng che chở 11 con người thoát họng súng của quân diệt chủng Pôn Pốt là một ví dụ.
Tháp cứu người
Đến Hà Tiên, hỏi tháp 7 tầng, bất kỳ người dân nào, dù già hay trẻ, đều biết. Bởi xứ Hà Tiên này rất nhỏ, còn ngôi tháp thì đã tồn tại 300 năm nay, và rất linh thiêng, từng cứu nhiều mạng người. Theo chỉ dẫn, chúng tôi rẽ vào con đường bê tông nhỏ dẫn vào núi Phù Dung.
Dọc hai bên đường, chỉ có một căn nhà tôn và không một bóng người. Qua một nghĩa địa rêu phong phủ đầy, có một con đường bê tông nhỏ xíu rẽ lên núi, đó là đường lên tháp 7 tầng, nằm ở lưng chừng núi Phù Dung. Nhìn từ xa, chỉ thấy đó là một cây bồ đề cổ thụ với bộ rễ trùm từ đỉnh tháp xuống, chỉ còn phần cửa tháp và tấm bia dựng phía trước.
Ông Lương Phấn Cang, 76 tuổi, người sinh ra ở vùng đất này, và là 1 trong số 11 người đã được ngôi tháp che chở, thoát khỏi họng súng của quân Pôn Pốt năm 1978. Sau vụ thoát chết kỳ diệu ấy, ông đã lên đây lập vườn, làm ngôi nhà nhỏ sát bên, hằng ngày âm thầm coi sóc ngôi tháp. Ông Cang cho hay, tháng 3/1978, người dân Hà Tiên được lệnh sơ tán bởi quân Pôn Pốt đang tràn qua.
Người dân ở biên giới Xà Xía và chợ Hà Tiên hay tin quân Pôn Pốt bắt đầu tràn vào lãnh thổ nước ta, đã lục đục dọn đồ đạc chạy lánh nạn. Những người chạy không kịp đều bị chúng tàn sát dã man. Thời điểm đó, khu vực chân núi Phù Dung còn thưa người, tách biệt với cụm dân cư bên ngoài. Vì vậy, 3 gia đình của ông Trần Kim Sáu, Bà Thìn và ông Niêng sống dưới chân núi Phù Dung hoàn toàn không hay biết gì cả. Khi nghe tiếng súng AK và tiếng kêu cứu thất thanh của những người dân ở xóm ngoài bị giết thì đã muộn.
Mọi lối thoát đều có bóng dáng Pôn Pốt. Không còn cách nào khác, 3 gia đình gồm 11 người, trong đó có 5 trẻ em chui đại vào lòng tháp ẩn nấp. Mọi người vừa chui vào tháp xong thì một toán quân Pôn Pốt ôm súng tiến vào khu vực chân núi Phù Dung, chúng lùng sục vào từng căn nhà tàn phá.
Không tìm thấy ai, chúng thấy một con đường mòn nhỏ dẫn lên núi nên lên sục sạo. Lúc này, một đứa trẻ bên trong tháp khóc ré lên, dù mẹ nó đã kịp bịt miệng lại nhưng tụi nó vẫn nghe thấy nên tập trung sự chú ý vào ngôi tháp cổ, chĩa súng vào miệng tháp dòm ngó.
Những người trốn bên trong ai cũng kinh hồn, nhắm mắt chờ tên lính nã đạn. Bất ngờ, một con chó ở đâu lao tới, sủa vang, làm tên lính giật mình, lia một loạt đạn vào con chó, một viên trúng góc bia phía trước tháp và bay vào vách cửa, nhưng may mắn văng trở ra. Đám lính sau đó bỏ đi. Hốt hoảng lo chạy trốn nên không ai mang theo gì, toán lính xuống chân núi ở luôn dưới đó nên không thể ra ngoài lấy gì ăn được.
Ông Cang chỉ vết đạn của Pôn Pốt làm mẻ góc bia và trúng vách tháp, văng trở ra
Mãi đến trưa hôm sau, bộ đội ta phản công, đánh bật giặc Pôn Pốt ra khỏi bờ cõi, toán lính kia bị tiêu diệt. Khi nghe tiếng những người lính Việt Nam, một người chạy ra thăm dò và cầu cứu, nhưng chạy được mấy bước thì ngã nhào, phần vì sợ, phần vì đói khát. "Lúc này, mọi người mới được cứu sống, đưa về bệnh viện chăm sóc.
Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích nổi, tại sao tên lính nhìn vào tháp mà không thấy chúng tôi, bởi nếu đứng ở vị trí cửa tháp nhìn vào bên trong thì thấy rõ ràng. Rồi con chó xuất hiện đúng lúc để đánh lạc hướng toán lính như một sự sắp đặt. Tôi vẫn không tin mình còn may mắn sống sót cho đến ngày nay", ông Cang kể.
Những câu chuyện linh thiêng
Dẫn chúng tôi ra ngôi tháp cổ, ông Cang bảo, ngôi tháp này thực ra là phần mộ của vị sư trụ trì chùa Phù Dung. Chuyện kể rằng, núi Phù Dung ở thế long chầu, dưới chân núi cây cối bốn bề xanh tốt, một ngày nọ có vị sư, cùng những phật tử đến đây dựng chùa để tu hành. Khi vị hòa thượng viên tịch, phật tử xây cho ngài một ngôi tháp, làm một cái am che chở ngọc vị ngay trước phía Đông Bắc, sát cạnh chùa để ngày ngày phật tử hương khói.
Nhưng do chùa nằm ở phía sát biên giới, giặc nhiều lần đến nhũng nhiễu, trong một lần xứ Hà Tiên thất thủ, ngôi chùa Phù Dung cũng bị giặc sang cướp bóc rồi phá đi, chỉ còn tháp 7 tầng và nền chùa cũ trơ trọi. Núi này bây giờ người ta gọi là núi Đề Liêm chứ ít ai gọi Phù Dung.
Nền cũ của chùa Phù Dung
Bỗng một ngày, chiếc hồ lô trên đỉnh tháp bị vỡ, rồi từ đó có một hạt bồ đề đâm chồi, lớn dần, cành lá xanh tốt, rễ tua tủa và bắt đầu xòa xuống tháp. Trải qua mấy trăm năm, tháp đã được rễ bồ đề che gần kín, mỗi tầng tháp, rễ cây đan thành một bậc trông rất đẹp mắt, giống như biểu tượng cánh hoa sen xếp bao quanh Phật A Di Đà mà ta thường thấy.
Bên trong tháp trống rỗng, dưới nền là ngọc vị của Lão Hòa Thượng, tấm bia đá cổ chắn ngang cửa ra vào tháp, được khắc hàng chữ nho. Bên cạnh gốc, người ta còn ghi một bảng hiệu bằng chữ quốc ngữ, với nội dung "Lâm Tế, 1662, tháp 7 tầng, Ấn Đàm, Lão Hòa Thượng". “Nghe nói tháp có nhiều chuyện linh thiêng lắm phải không chú?”.
Nghe chúng tôi hỏi, ông Cang không trả lời ngay mà chỉ chiếc đinh đã rỉ sét trên thân rễ cây bồ đề nói: “Đó là người ta đóng bùa đấy”. Ông Cang giải thích rằng cách đây mấy năm, có người muốn đến cắt một đoạn rễ cây về làm gì đó, nhưng không thể cắt nổi, kẹt lưỡi cưa, sau đó phải nhờ một vị sư đến đóng lá bùa lên thân, cầu xin rất lâu mới cắt được đoạn rễ đó mang về.
Cây đinh đóng lá bùa trên thân rễ cây bồ đề
Vài năm trước, có một phụ nữ trạc 30 tuổi, đến tháp ngồi khóc, rồi trầm tư suốt một ngày, nhưng sau đó bỏ đi. Qua lá thư bị vo tròn vứt trước cửa tháp, người ta mới hiểu, đó là lá thư tuyệt mệnh. Trong thư ghi rõ tên tuổi, địa chỉ để những người phát hiện ra xác giúp báo cho người thân.
Trước đó mấy ngày, trên đường lên Hà Tiên lấy khô cá về bỏ mối, nghe lời bạn bè xúi, cô qua sòng bài thử vận may. Sau 2 ngày thì trắng tay. Không còn vốn liếng làm ăn, cô định kết liễu cuộc đời. Nhưng không hiểu sao, đến đây rồi cô lại bỏ ý định.
Mới đây, một thanh niên tên Hà ở Tô Châu, thua bài ở casino Campuchia đã tìm đến đây, leo lên đỉnh tháp dùng áo làm thòng lọng toan treo cổ. Nhưng chưa chưa kịp treo cổ thì cành cây anh ta đứng bị gãy lìa, anh ta ngã xuống bất tỉnh mà không chết. Từ đó, anh ta bỏ ý định tự tử. Chiếc áo "thòng lọng" của anh ta vẫn dính phất phơ trên cành cây.
Theo KHƯƠNG HỒNG THỦY (nongnghiep.vn)