Mục đích tôn chỉ của Tạp chí là tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyên sâu thông tin chuyên ngành về Văn hóa và Phát triển; Giới thiệu, đăng tải công trình, kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và phát triển xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Hai năm hoạt động, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã kịp thời thông tin chính xác, khách quan, độc lập, tin cậy, hiệu quả về các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội,… dưới góc nhìn Văn hóa và Phát triển đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị, nét đẹp truyền thống của văn hoá dân tộc.
Trong bối cảnh môi trường báo chí đa phương tiện nhiều cạnh tranh, thách thức, nhưng cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí luôn nỗ lực không ngừng trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, xông xáo bám sát địa bàn để kịp thời đưa đến độc giả những thông tin nóng hổi, hấp dẫn, phản ánh đúng và trúng những thông tin mà độc giả quan tâm.
Ngoài lực lượng phóng viên tại toà soạn, cơ quan đại diện, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển rất chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là lực lượng không nhỏ là cánh tay nối dài của Tạp chí trong việc cung cấp thông tin, viết bài,… nhằm đưa đến độc giả những thông tin chất lượng, đa chiều.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện đang tác động nhiều mặt đến hoạt động báo chí nói chung, những năm tiếp theo, Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển sẽ tăng cường xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nghiệp vụ chuyên môn cao để sáng tạo những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.
Phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu của báo chí; đổi mới phương thức tuyên truyền, đi sâu tìm hiểu, phản ánh các chủ đề “nóng”, viết đúng, trúng vấn đề đông đảo bạn đọc quan tâm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về văn hoá; không ngừng cải tiến chuyên trang, chuyên mục phù hợp để thu hút bạn đọc; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu phát triển của tạp chí trong tình hình mới.
Ngày 07/05/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động cho Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển trên cơ sở tiếp nhận Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam từ Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc để thực hiện quy hoạch báo chí theo tinh thần chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu tại văn bản số 128-CV/BTGTW ngày 12/3/2021.
Theo đó, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển có tôn chỉ mục đích hoạt động là thông tin chuyên sâu, chuyên ngành về Văn hóa và Phát triển; Giới thiệu, đăng tải những kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và phát triển xã hội, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Ngoài ra, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển còn phải thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan báo chí theo Luật Báo chí năm 2016 và phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển. Cụ thể là:
- Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;
- Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
P.V
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hom-nay-0705-tap-chi-dien-tu-van-hoa-va-phat-trien-tron-2-tuoi-a25388.html