Linh thiêng đền Yên Đại

Đền Yên Đại (còn có tên gọi là đền cây Dới, đền Cả), thuộc xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là ngôi đền linh thiêng, có lịch sử lâu đời.

den-yen-dai-1683174418.jpg
Đền Yên Đại. Ảnh: P.V 

Theo sách Đồng Khánh địa dư chí lược cho biết: Làng Yên Đại thuộc xã Đức Lân, tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Xã Đức Lân gồm có 4 thôn là Ngô Trường, Ngô Xá, Yên Đại và giáp Văn Chấn. 

Yên Đại xưa là một làng lớn, nơi sinh sống của các dòng họ như Nguyễn Đình, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Lê… Làng có 5 ngôi đền, trong đó lớn nhất là đền Yên Đại, nên nhân dân còn gọi là đền Cả. Đền thờ các vị thành hoàng của làng Yên Đại xưa.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhung - Ông từ của đền cho biết: Đền Yên Đại thờ các vị thành hoàng của làng đó là Phò mã, Thái bảo, Quận công Nguyễn Bá Sương (Đức ông), Công chúa Lê Thị Ngọc Huyền (Bà Chúa) và thần Cao Sơn Cao Các.

Nguyễn Bá Sương là con trai thứ 2 của Cương quốc công Nguyễn Xí, là một vị quan văn võ song toàn, từng lập được nhiều công lao đối với triều Lê sơ. Được vua Lê Thái Tổ gả con gái thứ 5 của mình là công chúa Lê Thị Ngọc Huyền. Trong sự nghiệp Nguyễn Bá Sương từng nhiều lần cầm quân bảo vệ biên giới phía Tây Nam của nước Đại Việt trước các cuộc tấn công xâm lấn bờ cõi của các thế lực thù địch. Từng giữ các chức tước khác nhau như Phò mã, Đô úy, Nghiêm võ vệ đồng tri, tổng chủ tướng sự hành Thuận Hóa đạo, Đô tổng binh sứ ty, Thái bảo, Quận công.

cu-nhung-1683173380.jpg
Cụ Nguyễn Hữu Nhung - Ông từ của đền Yên Đại. Ảnh: P.V 

Về cuối đời, hai vợ chồng từ kinh thành Thăng Long chuyển về sinh sống tại làng Yên Đại, vùng đất mà ông bà được triều đình nhà Lê phân phong làm lộc điền. Tại đây hai ông bà đã cho chiêu dân, lập làng, mở rộng đất đai canh tác, hình thành nên các làng xóm mới. Do có công với nước, với dân nên khi hai ông bà mất được người dân lập đền thờ và tôn làm thành hoàng của làng.

Công chúa Lê Thị Ngọc Huyền là con gái thứ 5 của vua Lê Thái Tổ. Bà được gả cho ông Nguyễn Bá Sương, là vị tướng văn võ song toàn, con thứ của Cương quốc công Nguyễn Xí. Bà công chúa có công cùng chồng giúp dân mở rộng đất đai, canh tác, lập nên các làng mạc trù phú nên khi mất được nhân dân tôn làm thành hoàng của làng Yên Đại. Hiện mộ của bà vẫn còn ở xã Nghi Phú.

Thần Cao Sơn Cao Các, là một vị nhiên thần, được nhiều làng ở Nghệ An thờ phụng. Theo sách Đồng Khánh địa dư chí lược cho biết: Đền thờ Cao Sơn Cao Các thưởng đẳng thần ở địa phận xã Đức Thịnh. Dân các xã Ân Hậu, Lộc Đa, Đức Lân cùng phụng thờ.

dau-rong-1683173380.jpg
Dấu tích còn sót lại của đền Yên Đại xưa. Ảnh: P.V 

Đền thờ Yên Đại trước đây có quy mô lớn với ba tòa thượng điện, trung điện và hạ điện. Ngoài ra còn có hai cột thiên trụ, có tam quan, có tắc môn, có nhiều voi ngựa, tượng người xếp thành hai hàng. Xung quanh đền có rất nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là có hai hàng cây Dới lớn, nên nhân dân còn gọi là đền cây Dới. Là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, nên nhân dân trong vùng thường xuyên đến thắp hương cầu khấn. Ngày lễ chính của đền là ngày 27/12 (âm lịch) hàng năm.

bac-chi-va-bac-toan-1683173380.jpg
Ông Trần Ngọc Chí và ông Nguyễn Văn Toàn, nguyên cán bộ xã Nghi Phú trao đổi với phóng viên. Ảnh: P.V
Ông Trần Ngọc Chí, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghi Phú cho biết: Trước năm 1960, đền Yên Đại còn khá nguyên vẹn. Trong chiến tranh chống Mỹ, đền được sử dụng làm nơi chứa kho đạn, vì vậy ở đây nhiều lần bị máy bay địch đánh phá, làm hư hỏng mất tòa trung điện và hạ điện. Sau hòa bình, đền được dùng làm trường cấp 1 xã Nghi Phú. Sau đó, lớp học chuyển về địa điểm mới, đền lại được xã trưng dụng làm trụ sở ủy ban xã Nghi Phú. Năm 2006 - 2007, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đền được sửa chữa lại, làm nhà truyền thống. Năm 2019 đền lại được trùng tu, xây dựng để làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân trong vùng.

Hoàng Kiểm

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/linh-thieng-den-yen-dai-a25367.html