TIỄN SỨ BẮC TRƯƠNG HIỂN KHANH
Nghĩ không có ngọc quỳnh đáp lại, lòng tự thẹn,
Trên bờ sông nhìn xa mãi xiết bao ngậm ngùi.
Gió thu trước đầu ngựa thổi vào thanh gươm,
Ánh trăng lọt qua rường nhà dọi vào phòng sách.
Màn trống khó ngăn chim én về phương Bắc,
Đất ẩm buồn nghe chim nhạn biệt phương Nam.
Lần đi này chưa biết ngày nào mới có dịp nghiêng lọng,
Xin vì có cuộc chuyện trò tao nhã mà có một bài thơ.
Đây là bài thơ vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) viết tặng Trương Hiển Khanh (Tức Trương Lập Đạo) khi ông sứ thần này được vua nhà Nguyên phái sang nước Đại Việt ta để “truyền chỉ dụ” của “Thiên triều”, vào năm 1265.
Ông Trương Lập Đạo còn được phái sang nước ta lần thứ hai, vào năm 1291, dưới triều vua Trần Nhân Tông. Lần này nhà Nguyên ngạo mạn hơn, hạ chiếu đòi vua Trần Nhân Tông phải đích thân sang chầu, nhưng vua quan nhà Trần khôn khéo tìm cách từ chối.
Như vậy, bài thơ “Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh” được vua Trần Thái Tông viết nhân dịp ông sứ thần nhà Nguyên Trương Hiển Khanh đã hoàn thành nhiệm vụ bang giao mà trở về phương Bắc.
Cuộc tiễn đưa có vẻ lưu luyến, diễn ra trên bờ sông, chắc chắn là sông Nhĩ Hà, đời Trần còn gọi là Lô Giang (sông Lô). Bến Đông Bộ đầu, (nay là khoảng phố Hòe Nhai, Hà Khẩu, Hàng Than, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường là nơi tiễn đưa các sứ đoàn nước ta đi phương Bắc, hoặc sứ thần Bắc Quốc về xứ Bắc. Từ bến sông lịch sử này, các sứ đoàn sẽ qua sông Lô bằng thuyền buồm, rồi lên bờ Bắc, ở quãng Ái Mộ, quận Long Biên ngày nay để tiếp tục đi sang Kinh Bắc, rồi lên biên giới Lạng Giang.
Vị chủ nhà khiêm nhường nói khéo:
Nghĩ rằng không có ngọc quỳnh đáp lại, lòng cảm thấy tự thẹn,
Trên bờ sông, nhìn xa mãi xiết bao ngậm ngùi.
(Cố vô quỳnh bảo tự hoài tàm / Cực mục giang cao ý bất kham)
Đây là hai câu thơ mở đầu của bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường. “Quỳnh bảo”, tức thứ ngọc quỳnh rất quý, người xưa thường dùng vật quý này để tặng nhau.
Sách Kinh Thi (thiên Vệ Phong) có câu: “Đào ngã dĩ mộc đào / Báo chi dĩ quỳnh dao” (Tặng ta quả mộc đào / Ta đáp lại bằng ngọc quỳnh dao). Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng tả vẻ đẹp phong nhã trong mỗi bước đi của chàng thư sinh Kim Trọng:
“Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”…
Sứ thần nhà Nguyên sang nước ta, lúc đầu thường vẫn vênh vang tự đắc, cao ngạo như một kẻ bề trên, thượng quốc. Vua của họ tự xưng là Thiên tử (con Trời). Ta là nước nhỏ, chỉ được xem là nước chư hầu, vua cũng chỉ ở ngôi Vương (An Nam Quốc Vương), nên việc tiếp đón sứ thần thượng quốc là một việc rất hệ trọng, có vai trò vô cùng cần thiết trong mối quan hệ bang giao, nhằm giữ cho được hòa bình, lại phải giữ cho được thể diện và quyền tự chủ của một quốc gia độc lập. Cho nên, các vua Đại Việt phải rất khéo léo trong ứng xử. Sách lược “Nội cương, ngoại nhu” (Trong cứng, ngoài mềm), “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, luôn được thực thi một cách triệt để, như một nghệ thuật ngoại giao tài tình.
Ở lâu, đàm đạo văn chương thù tạc cũng nhiều, cho nên sứ thần phương Bắc mới dần hiểu và càng nể phục ý chí và tài năng thơ phú của vua quan nước ta, đặc biệt là ở đời nhà Trần. Hiểu nhau, nể trọng nhau rồi thì thành ra quan hệ trở nên gần gũi hơn. Thế nên cuộc tiễn đưa mới có vẻ bịn rịn và chân thành.
Vua Trần Thái Tông nói rằng “Nghĩ rằng không có ngọc quỳnh đáp lại, lòng cảm thấy tự thẹn” là có cái ý khiêm cung đấy thôi. Hình như nhà thơ muốn nói rằng mình không có tài thi phú để làm được bài thơ hay tặng khách quý đấy chăng?
Mượn điển bên Tàu, dùng văn hóa Tàu để giao đãi với sứ thần nước ấy, cũng là một sự khéo léo, khiêm nhường. Nhìn chiếc thuyền chở sứ thần nước Nguyên, giờ đây đã như một người bạn quý, nên cuộc tiễn biệt mới có cảm xúc chân thành như vậy. Hôm ấy, chắc sông Hồng mênh mang sương khói, chiếc thuyền khách cứ xa dần, xa dần, trôi dần sang bờ Bắc, đem theo một người bạn quý chả biết có khi nào gặp lại.
Chẳng phải cũng ngậm ngùi lắm sao?
Hai câu thơ tiếp theo, tả thực, nhưng là để mượn cảnh mà tả tình:
Mã thủ thu phong xuy kiếm giáp,
Ốc lương lạc nguyệt chiếu thư am.
(Gió thu trước đầu ngựa thổi vào thanh gươm,
Ánh trăng lọt qua rường nhà, lọt vào phòng sách)
Câu trước tả hình ảnh người ra đi, tức vị khách quý. Câu sau tả quang cảnh trống vắng của căn phòng đọc sách mà khách và chủ có thể đã từng nghiền ngẫm và đàm đạo văn chương ở cung điện của nhà vua trong suốt những ngày qua. Cảnh chỉ mang tính biểu tượng, có phần ước lệ, nhưng có phần sáng tạo, gần gũi và hợp tình. Đỗ Phủ khi làm thơ nhớ Lý Bạch có câu:
“Lạc nguyệt mãn ốc lương,
Do nghi chiếu nhan sắc”
(Trăng sáng đầy rường nhà / Những tưởng dọi sáng dung nhan).
Vua Trần Thái Tông mượn điển bên Tàu, cốt để gửi gắm cái tình của người đương thời, của người trong cuộc, của mình với ngài Trương Lập Đạo đại nhân mà thôi.
Còn như:
Màn trướng khó ngăn chim én về phương Bắc,
Đất ẩm buồn nghe chim nhạn biệt phương Nam.
(Mạc không nan trụ yến quy Bắc,
Địa noãn sầu văn nhạn biệt Nam)
Thì lại là những cảm nghĩ, những suy tư lưu luyến của người ở lại. Cái việc ngài sứ thần trở về phương Bắc là không thể khác được, dầu cho cái tình lưu luyến đã là sâu đậm như thế nào chăng nữa. Đồng thời, cái tình của người phương Nam với sứ thần cũng tương tự như vậy.
Thế nên:
Lần đi này chưa biết ngày nào mới có dịp nghiêng lọng,
Xin vì có cuộc chuyện trò tao nhã mà có một bài thơ.
(Thử khứ vị tri khuynh cái nhật,
Thì thiên lưu vị dáng thanh đàm).
“Nghiêng lọng” vốn là một tích xưa. Sách GIA NGỮ chép câu chuyện Khổng Tử đi sang đất Đàm, gặp Trinh Tử ở dọc đường. Hai người dừng lại, nghiêng lọng nói chuyện với nhau cả ngày, tình rất tâm đầu ý hợp. Tác giả mượn điển này để tỏ cái tình lưu luyến của mình với bạn trong cuộc chia tay chưa biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại. Âu cũng là cái tình muôn thuở vậy!
Có thể hình dung tổng thể bài thơ của Trần Thái Tông là viết tặng sứ thần Trương Lập Đạo (Trương Hiền Khanh). Viết trong cuộc chia tay ở kinh thành Thăng Long, có thể là sau yến tiệc cung đình tiễn khách như thường lệ. Còn như cảnh tiễn đưa cũng chỉ là chuyện sắp tới, có thể là được diễn ra trong sớm mai, khi ngài sứ thần lên đường trở về phương Bắc.
Giao đãi với người, lại chỉ dùng vốn hiểu biết văn hóa xứ người, là không thể khác, nhưng đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh của một ông vua có văn hóa, mặc dù hồi ấy chữ Hán được dùng như một văn tự chính thống của nước ta. Tinh tế, khôn ngoan, nhưng cũng chân thành nồng ấm. Đó chính là cái tình lớn của những người bạn lớn, quan thiết đến công cuộc bang giao và vận mệnh của hòa bình.
Qua những lần tiếp xúc trực tiếp với vua quan nước Đại Việt, Trương Lập Đạo dần tỏ ra rất kính trọng vua quan nhà Trần và truyền thống văn hóa, văn chương đặc sắc của người Đại Việt. Chính ngài Trương Hiển Khanh từng viết:
“Nước Nam tuy nhỏ nhưng có văn chương,
Chưa thể nói một cách nông cạn rằng, họ như ếch ngồi đáy giếng”!
Trong bang giao rất tế nhị với sứ thần Bắc Quốc, nếu đó là người nước Tống làm quan cho nhà Nguyên, các vua Trần thường khéo léo có ý nhắc nhở về thân phận các vị sứ thần Bắc Quốc rằng, chính họ, chẳng qua lcũng chỉ là kẻ nô lệ cho ngoại bang, cho người Mông Cổ, chứ vẻ vang cái nỗi gì! Họ còn nhục nhã ngậm đắng nuốt cay mà phải cam lòng cúi ngửa trước kẻ thống trị. Còn như Đại Việt ta nhỏ bé, nhưng vẫn là một quốc gia chiến thắng, một quốc gia độc lập, có truyền thống văn hóa ngàn đời. Thử hỏi, ai hơn ai nào!
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tho-ngoai-giao-cua-dai-viet-thoi-tran-vua-tran-thai-tong-tien-su-bac-ve-nuoc-a25363.html