Lưu giữ nét độc đáo kiến trúc và hiện vật lịch sử của Đình làng Kĩa

Đình làng Kĩa được xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ 17 - 18 tại Làng Kĩa (nay thuộc thôn Mỹ Trung, xã Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định). Nơi đây thờ chính là Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (1184 - 1228) và phối thời hai vị Tây Hải đại vương, Bắc Nhạc đại vương (con Lạc Long Quân và Âu Cơ). Đây là những người đã có nhiều công lao khai hoang mở đất làng Kĩa từ một vùng ven biển hoang vu, đầm lầy thành một cộng đồng làng xã đông vui, no ấm như ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay di tích vẫn giữ được quy mô và phong cách kiến trúc truyền thống độc đáo.

a123534-1683010952.jpg
Đình nằm sát trục đường chính liên thôn, bên phải Đình có cây duối cổ hàng trăm năm tuổi.

Giá trị kiến trúc độc đáo

Đình làng Kĩa hiện tọa lạc trên khu đất có diện tích 500m2 thuộc xóm Đồng Giang của thôn Mỹ Trung. Đình nằm sát trục chính đường liên thôn, mặt quay về hướng Tây Nam. Phía trước Đình có hồ nước rộng, bên phải có cây duối cổ rất to, thân cây cỡ phải hơn 2 người ôm, có tuổi đời hàng trăm năm.

Trên mặt bằng tổng thể, Đình gồm các hạng mục: nghi môn và công trình kiến trúc chính được xây dựng và bài trí một cách hợp lý tạo cảnh quan vừa thoáng đãng, vừa cổ kính. Nghi môn được thiết kế theo kiểu “tứ trụ”, tạo thành bức bình phong ở giữa và hai cổng hai bên để tạo lối đi vào bên trong di tích. 

Khác với các công trình đình, đền có kiến trúc chữ “Công” (工) thường thấy, công trình chính của Đình làng Kĩa có kiến trúc kiểu chữ “Tam” (三) bao gồm: Tiền đường, Trung đường và Hậu cung. 

Nhìn từ góc nghiêng thấy rõ kiến trúc kiểu chữ “Tam” (三) với 3 tòa Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung của Đình làng Kĩa.

a2-4577-1683011001.jpg
Nghi môn Đình làng Kĩa được xây dựng năm 2010 và vừa được trùng tu lại.

Tòa Tiền Đường rộng nhất với hơn 85m2, chia thành 5 gian, trong đó 3 gian giữa có nền lát gạch đỏ, hai gian giáp đốc xây bệ cao 30cm. Bộ cửa tiền đường được gia công theo kiểu bức bàn, khung khách chạy suốt ba gian giữa. Toàn bộ hệ thống cửa làm bằng chất liệu gỗ lim, bộ cửa gian giữa có 6 cánh, cửa gian hai bên, mỗi gian có 1 cánh. Riêng hai gian chái, xây tường bao bằng gạch, thiết kế mỗi bên một ô cửa thông gió hình tròn đường kính khoảng 1m, trang trí hoa văn chữ “Thọ” (壽), tạo sự thông thoáng cho nơi thờ tự.

Ngoài việc hành lễ, Tòa Tiền Đường từng là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của người dân Mỹ Trung, mà thường xuyên nhất là của hai xóm Đồng Sơn và Đồng Giang trước đây.

a3-477-1683011038.jpg
Nhìn từ góc nghiêng thấy rõ kiến trúc kiểu chữ “Tam” (三) với 3 tòa Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung của Đình làng Kĩa

Bộ khung của Tòa Tiền Đường được gia công hoàn toàn bằng gỗ lim. Toàn bộ công trình có 24 cột bao gồm các cột cái và hai cột quân, tạo dáng búp đòng. Phần chân cột kê trên chân tảng đá, tạo thế vững chắc cho công trình. Vì nóc gia công theo kiểu “câu đầu, chồng rường, giá chiêng”. Ngoài việc tạo dáng soi chỉ mềm mại, các cấu kiện của nóc còn được chạm khắc họa tiết hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19. Theo dòng chữ Hán khắc trên thượng lương của Tòa Tiền Đường cho thấy công trình được trùng tu năm Nhâm Dần (1902).

Bộ khung của Tòa Tiền Đường được gia công hoàn toàn bằng gỗ lim, được trùng tu vào năm Nhâm Dần (1902), năm 2005 và mới đây tiếp tục được dân làng trùng tu phần mái do bị xuống cấp.

Nối tiếp sau là Tòa Trung Đường rộng khoảng bằng nửa Toà Tiền Đường (gần 40m2), chia làm 3 gian. Trung Đường xây nối với Tiền Đường thông qua hệ thống cửa. Bộ cửa Trung Đường được gia công theo kiểu bức bàn, toàn bộ hệ thống cửa làm bằng chất liệu gỗ lim với 4 cánh ở gian giữa nhỏ và 2 cánh ở gian hai bên có kích thước lớn hơn. Bộ khung Tòa Trung Đường cũng được lắp dựng bằng gỗ lim gồm 4 bộ vì theo kiểu ba hàng chân cột với 6 cột cái và 6 cột quân, đặt trên chân tảng đá. 

a4-45677-1683011076.jpg
Ngoài việc hành lễ, Tòa Tiền Đường từng là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của người dân Mỹ Trung, mà thường xuyên nhất là của hai xóm Đồng Sơn và Đồng Giang trước đây.

Tương tự Tòa Tiền Đường, các cấu kiện gỗ tại Trung Đường được gia công đơn giản, theo lối bào trơn, đánh bóng. Phần mỹ thuật trang trí được nghệ nhân tập trung thể hiện tại các cây bẩy tiền, mê với họa tiết hình rồng, lá lật, triện tàu,… Hệ mái Tòa Trung Đường được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống với các cấu kiện như: hoành, rui làm bằng gỗ, lợp ngói nam. Theo dòng chữ Hán khắc trên thượng lương thì Tòa Trung Đường được trùng tu năm Bính Tý (1886), niên hiệu Đồng Khánh.

Trong cùng là Tòa Hậu Cung có diện tích hơn 30m2, nơi đặt ngai và tượng thờ 3 vị: Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, Tây Hải đại vương và Bắc Nhạc đại vương. Tòa Hậu Cung được thiết kế thành 3 gian. Nền Hậu Cung xây cao hơn nền Tòa Trung Đường khoảng 30cm, mái lợp ngói nam. Bộ khung Tòa Hậu Cung được tạo dựng bởi hai bộ vì kèo kiểu bốn hàng chân cột. Nổi bật trong kiến trúc của Tòa Hậu Cung là các cánh ở khoang cửa hai bên, với nghệ thuật chạm nổi, chạm bong cho thấy các nghệ nhân đã tạo hình theo đề tài rồng chầu. Con rồng từ trên lao xuống như uốn lượn xung quanh, thân rồng ẩn hiện trong đao lửa nhẹ nhàng, uyển chuyển, đuôi rồng vươn lên tạo thành hình lá đề. Toàn bộ họa tiết trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17 - 18. Lần tôn tạo gần đây nhất đối với Tòa Hậu Cung là vào năm 2005.

a5-5758-1683011118.jpg
Bộ khung của Tòa Tiền Đường được gia công hoàn toàn bằng gỗ lim, được trùng tu vào năm Nhâm Dần (1902), năm 2005 và mới đây tiếp tục được dân làng trùng tu phần mái do bị xuống cấp.

Lưu giữ những hiện vật lịch sử

Ngoài giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đình làng Kĩa còn lưu giữ được một số hiện vật lịch sử có giá trị. Trước hết phải kể đến câu đối gỗ treo ở gian giữa Tòa Trung Đường có nội dung nói về lòng trung quân ái quốc và sự linh thiêng của các vị thần thờ tại di tích, được làm vào triều vua Thành Thái, năm Ất Mùi (1895). Ngoài ra, tại Đình còn lưu giữ hai cỗ ngai bằng gỗ và mũ thờ bằng đồng được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều họa tiết rồng, hổ phù, vân mây rất tinh tế, có niên đại thời Nguyễn, thế kỷ 19.

a8-575869-1683011247.png
Họa tiết Rồng chầu trên các cánh ở khoang cửa hai bên của Tòa Hậu Cung, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17 - 18.

Đặc biệt nhất, tại Hậu Cung Đình làng Kĩa còn bài trí 3 pho tượng thờ chất liệu bằng gỗ, trong đó Tượng Đông Hải đại vương Đoàn Thượng, được đặt ở vị trí chính giữa, cao 1,5m, rộng vai 40cm; Tượng Tây Hải đại vương và Bắc Nhạc đại vương đặt hai bên, cao 1,25m, rộng vai 25cm. Cả ba pho tượng đều được tạc trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm lệnh bài, tay trái úp trên gối, khuôn mặt trang nghiêm, mình mặc áo choàng chạm họa tiết rồng, vân ám, bối cỏ chạm họa tiết hổ phù, chân đi hài. Các họa tiết hoa văn trên các pho tượng thờ tại đình tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19.

a6-54778-1683011158.jpg
Không gian bên trong Tòa Trung Đường của Đình làng Kĩa.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đình đã bị xuống cấp và nhiều lần được chính quyền và nhân dân trong làng nhiều thế hệ chung tay đầu tư công sức, tiền của để trùng tu tôn tạo từng phần. Đặc biệt, mới đây nhất, hưởng ứng lời kêu gọi của các cụ cao niên trong Ban Kiến thiết Đình làng, con em trong làng và những người con ở xa quê hương đã phát tâm công đức đóng góp được hơn 200 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo Tòa Tiền Đường. Nhờ đó, đến nay Đình làng Kĩa về cơ bản giữ được quy mô và phong cách kiến trúc truyền thống. 

a7-578868969-1683011205.jpg
Cỗ ngai bằng gỗ, mũ thờ bằng đồng được chạm khắc tỉ mỉ, niên đại thời Nguyễn, thế kỷ 19.

Không chỉ là nơi thờ tự và tri ân công đức các vị thần, Đình làng Kĩa còn là nơi sinh hoạt cộng đồng từ bao đời của người dân làng Kĩa và chứng tích nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, Đình làng Kĩa được chọn là địa điểm để cử tri trong xã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây cũng là nơi tổ chức các lớp “bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ cho người dân trong làng.

Đình cũng từng là cơ sở hoạt động cách mạng của dân quân du kích địa phương, bí mật bàn kế hoạch chống địch càn quét khủng bố và là nơi đưa tiễn bao thế hệ con em trong làng lên đường tòng quân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. 

a99-2562346346-1683011295.jpg
Đại diện chính quyền và người dân thôn Mỹ Trung họp bàn về công tác trùng tu, tôn tạo Đình làng Kĩa.

Trong thời bình, Đình làng Kĩa là nơi tổ chức họp xóm, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Đình cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng vào các ngày lễ, ngày Tết.

a10-3456346346363-1683011351.jpg
Đình làng Kĩa yên bình, nương nép vào cây cỏ thiên nhiên và vẫn giữ được nét truyền thống sau khi trùng tu, tôn tạo.
Căn cứ vào những giá trị lịch sử và văn hóa rõ nét đó, vừa qua Đình làng Kĩa đã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Sự ghi nhận chính thức của Nhà nước với Đình làng Kĩa là niềm vinh dự, tự hào đối với người dân Mỹ Trung trong suốt quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa mà cha ông để lại. 

Huy Đoàn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/luu-giu-net-doc-dao-kien-truc-va-hien-vat-lich-su-cua-dinh-lang-kia-a25357.html