Còn nhiều kho báu di sản đang ẩn chứa dưới lòng biển

Ngày 16.10, Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa biển đảo, bảo vệ và phát huy giá trị dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên. Là một quốc gia biển nhưng đến nay nhiều giá trị, di sản... văn hóa biển đảo vẫn chưa được nhìn nhận, nghiên cứu, quan tâm bảo vệ và phát huy với một tầm vóc lớn hơn.

Đồ sộ kho tàng di sản văn hóa biển

Với chiều dài bờ biển lên tới 3.260 km và khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau... VN là một quốc gia biển. Nhìn lại cả một quá trình lịch sử, đất nước ta đã trải qua nhiều biến thiên, chịu nhiều ảnh hưởng tác động của biển mà theo dự báo của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng, VN sẽ là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thực tế, trong suốt quá trình tồn tại, tương tác với biển đảo, người Việt đã sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa. Nhìn nhận văn hóa biển đảo là một khái niệm rộng, bao gồm cả văn hóa các vùng duyên hải, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: “Với ý nghĩa văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra, văn hóa biển đảo cũng có thể phân thành hai hợp phần: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể”.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển ở nước ta đã có hơn 1.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hàng trăm di tích và cụm di tích trực tiếp hiện diện trên các vùng biển đảo và bờ biển. Trong số 69 di sản được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng có bốn di sản liên quan đến văn hóa biển đảo là: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Lễ hội Cầu Ngư (tỉnh Khánh Hòa), Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ, TP.HCM) và Lễ hội cúng biển Mỹ Long (tỉnh Trà Vinh). Ngoài ra, nhiều hiện vật, nhiều bộ sưu tập giá trị hiện đang được lưu giữ trong các bảo tàng, trong các cá nhân... thực sự là một kho báu đồ sộ, vừa đa dạng, phong phú và chứa đựng nhiều giá trị ý nghĩa. Đơn cử như thời gian gần đây, nhiều hiện vật, nhiều di sản văn hóa đã đem đến những giá trị đầy hiệu lực, thuyết phục, phản ánh quyền chủ quyền của VN trên biển đảo như các loại bản đồ, hải đồ, các bộ sách sử, châu bản, mộc bản triều Nguyễn...

Soi rọi văn hóa biển từ góc độ khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: “Dấu ấn Đại Việt đã được tìm thấy ở quần đảo Trường Sa qua các di vật gốm có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX - XX, chứng tỏ hoạt động lâu đời và liên tục của người Việt ở đây hàng nghìn năm qua... Dấu tích của Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã được khảo cổ học tìm thấy qua các mảnh gốm Việt và tiền đồng Việt thời Lê - Nguyễn ở đảo Hoàng Sa. Tóm lại, qua một số văn hóa khảo cổ học biển ta có thể thấy rõ VN là một quốc gia biển đảo, một nền văn hóa biển đảo”.

Văn hóa biển đảo chưa được chú trọng đúng mức

Không thể phủ nhận, công tác xếp hạng cũng như nguồn vốn đầu tư cho tu bổ, tôn tạo di tích gắn với biển đảo đã có những thành quả nhất định. Trong bài tham luận Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo của TS Nguyễn Thế Hùng và ThS Nguyễn Hữu Toàn, Cục Di sản văn hóa đã khẳng định những con số biết nói: “Từ năm 1996 đến nay, 36 lượt di tích trực tiếp phản ánh về văn hóa biển đảo tại 07 tỉnh, thành phố đã được đầu tư hơn 49 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa để thực hiện các nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích”. Đặc biệt, trong thời gian gần đây nhiều bảo tàng, nhiều khu di tích cũng đã có những cuộc triển lãm, trưng bày mang tính chuyên đề về biển đảo Tổ quốc thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng...

Dù vậy, nhìn chung việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo vẫn chưa thực sự được chú trọng đúng mức. Đơn cử như hệ thống cảng và tiểu cảng ven biển nước ta với nhiều tên tuổi như Lạch Trường, Bãi Cọi, Gò Quê, Vân Đồn, Hội Thống... cho đến nay vẫn chỉ mới dừng lại ở mức nghiên cứu và chưa có hệ thống. TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhìn nhận: “Những làng chài biển và đảo, với những tín ngưỡng và lễ hội liên quan tới địa danh học lịch sử, địa lý học lịch sử, văn hóa dân gian, tri thức bản địa... chưa được biết đến nhiều”. Ngoài ra, kho tàng di sản chìm dưới nước biển được đánh giá là rất đồ sộ nhưng hiện nay vẫn chưa được tiến hành nghiên cứu, khai quật một cách bài bản.

Còn nhiều việc phải làm

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia kiến nghị: “Trong chiến lược chung về bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển đảo, cần có những kế hoạch, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo mang tính chuyên biệt để phục vụ mục tiêu lớn”. Lẽ dĩ nhiên, với một quốc gia biển như VN thì dù trong lịch sử, chính sách trọng nông của các triều đại phong kiến đã ăn sâu vào tiềm thức, nhưng ngày nay cần phải có nhận thức đúng đắn về văn hóa biển đảo cũng như những ảnh hưởng của nó với cuộc sống thường nhật, với vận mệnh của đất nước... Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho mỗi người dân thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các cơ quan nghiên cứu, quản lý... cũng cần được nhìn nhận đúng mực để đánh giá đúng và huy động nhiều nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển đảo.

Theo kiến giải của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, thực tế hiện nay VN rất cần có một bảo tàng chuyên sâu về biển đảo. Trước mắt, Nhà trưng bày về chủ quyền VN ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cần được quan tâm đầu tư, chỉnh lý, nâng cấp. Công tác sưu tầm hiện vật, khai quật khảo cổ học dưới nước cũng cần có sự hoạch định mang tính chỉnh thể... để từ đó tiến tới thành lập một bảo tàng chuyên ngành, có nội dung trưng bày toàn diện về biển đảo, về văn hóa biển đảo cũng như chủ quyền biển đảo của VN. Việc pháp lý hóa, quốc tế hóa những di sản có giá trị cũng cần sự quan tâm, chung sức của nhiều ban ngành, nhiều nguồn lực trong xã hội.

Ngoài ra, một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về di sản biển mang tính tập trung, chuyên nghiệp cũng là một vấn đề bức thiết. Theo TS Phạm Quốc Quân, cơ quan nghiên cứu này cần một trung tâm khảo cổ học dưới nước thay vì một phòng khảo cổ học dưới nước hiện đang thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN như hiện nay. Nhìn rộng ra, trong khu vực châu Á, mô hình Trung tâm Khảo cổ học dưới nước hay Viện Di sản biển... đã có ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc... và thực sự đang phát huy giá trị, hiệu quả... GS.TSKH Vũ Minh Giang khẳng định: “Đã đến lúc công việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở nước ta phải được nhận thức trên một tầm cao mới và triển khai mạnh mẽ các giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa biển đảo”.

Theo Báo Văn Hóa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/con-nhieu-kho-bau-di-san-dang-an-chua-duoi-long-bien-a253.html