Đền Chỉ Thiện: Phối thờ nhiều nhân vật (Kỳ II)

Nam Đàn - nơi nhiều đình, đền gắn với tên làng, tên xóm từ khi khai cơ, lập quốc. Nếu Khánh Sơn nổi tiếng với đình Hoành Sơn, thị trấn Nam Đàn với đền Vua Mai, Xuân Hòa với đền Tán Sơn... thì Nam Cát có đền Chỉ Thiện, nơi đây ẩn giấu nhiều tích sử, những giá trị còn đó với thời gian.

 
20230319-1053091-1680794440.jpg
Đền Chỉ Thiện được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 2007. Ảnh: Nguyễn Diệu

Về Nam Cát, chúng ta dễ dàng bắt gặp sự hoài niệm về làng quê, nơi cất giữ bao ký ức và kỷ niệm. Tất cả gợi lên một sự cổ kính và linh thiêng của một vùng quê giàu văn hiến và trù phú, bình yên, một nét đẹp của làng mạc xưa nhưng vẫn đẫm hơi thở của cuộc sống hôm nay. 

Đền Chỉ Thiện, trong nét vẽ của thời gian đã nhuốm bụi trần. Ngôi đền thật sự là nơi chốn cho những ai đem lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa dòng di tích. 

Đức Thánh Trần - vị tướng “Hộ quốc tý dân”

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (quê ở làng Tức Mặc, Nam Định) là vị anh hùng dân tộc được nhân dân tôn sùng; nhà văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam; đại danh tướng thời Trần, được phong Quốc công tiết chế, Đại Vương.

20230319-104812-1680793927.jpg
Đền còn phối thờ Đức Thánh Trần. Ảnh: Nguyễn Diệu

Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông xâm lược để giữ vững nền độc lập dân tộc. Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho nền nghệ thuật quân sự nước nhà với những áng thiên cổ hùng văn “Vạn Kiếp bí tông truyền thư”, “Hịch tướng sỹ"... còn lưu truyền đến ngày nay.

Với những công lao to lớn, sau khi qua đời, ông được Triều đình nhà Trần phong thụy hiệu là Thái sư thượng phụ Quốc công Đức Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Trần, lập đền thờ khắp mọi miền đất nước.

Linh Từ Quốc Mẫu

Linh Từ Quốc mẫu hay còn gọi là Kiến Gia Hoàng hậu, Thuận Trinh Hoàng hậu hay Huệ hậu, là Hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý với tư cách là vợ của Hoàng đế Lý Huệ Tông Lý Hạo Sảm. Bà là mẹ ruột của Lý Chiêu Hoàng và Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu, cả hai đều là hoàng hậu của người cháu gọi bà bằng cô, Trần Thái Tông Trần Cảnh.

z4243872837470-caebd2ef1fe97bc950543d11cb102abd-1680794838.jpg
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tên thật của Linh Từ Quốc mẫu không rõ ràng, tuy nhiên dã sử cận - hiện đại lại thường dùng tên gọi "Trần Thị Dung" để nói về bà. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong lịch sử Việt Nam, bà được biết đến chủ yếu là mẹ của Lý Chiêu Hoàng - vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử. Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Toàn thư có đánh giá rất trung lập về Linh Từ, nhìn nhận cái công lao của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị, thế nhưng phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng, dù bà từng là vợ và là con dâu của họ Lý, đồng thời ca thán: "Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần!"

Cũng theo Toàn thư ghi nhận, Trần Thái Tông không nỡ gọi bà là công chúa do bà từng là hoàng hậu của triều Lý, nên ban danh xưng mới cho bà là "Quốc mẫu" - một biệt danh khác của hoàng hậu, lại còn cho chế nghi trượng, kiệu xe đều đúng nghi thức của hoàng hậu. Nói cách khác, cho dù đã không còn là hoàng hậu hay thái hậu triều Lý, thế nhưng Trần thị vẫn giữ những gì mình vốn đã hưởng, không hề thay đổi. 

Năm Kỷ Mùi, Thiệu Long năm thứ 2 (1259), mùa xuân, tháng giêng, Thiên Cực Công chúa qua đời dưới năm đầu trị vì của cháu ngoại - Trần Thánh Tông Trần Hoảng. Không rõ bà thọ bao nhiêu tuổi, thụy hiệu là "Linh Từ Quốc mẫu", được an táng tại Đền Ngừ (Hưng Hà, Thái Bình) rất gần lăng của Trung Vũ Đại Vương Trần Thủ Độ là chồng của bà.

20230319-105223a-1680798526.jpg
Đền Chỉ Thiện, trong nét vẽ của thời gian đã nhuốm bụi trần. Ảnh: Nguyễn Diệu

Thần Độc Lôi sơn

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về thần Độc Lôi: Tương truyền, đời Lý có tướng quân họ Phạm đi dẹp giặc Man đóng quân ở đây (núi Độc Lôi, xã Hữu Biệt, huyện Nam Đường), bỗng nghe trên không nổ một tiếng sét, tướng quân vụt bay lên không trung đi mất. Vua Lý nghe tin, hạ lệnh dân lập đền thờ thường có hiển linh.

Theo Lê Ngọc Thịnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, một số Sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho thần Độc Lôi Sơn đã được phiên âm, tạm dịch nghĩa. 

Sắc thứ nhất:  

Phiên âm: 

Sắc. Độc Lôi Sơn chi thần, hộ quốc tí dân, nhẫm trứ công đức, kinh hữu lịch triều phong tặng. Phụng ngã Thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bí thần nhân. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, cái long ân điển. Khả gia tặng Sùng tuấn chi thần. Chuẩn hứa Nam Đường huyện, Hữu Biệt, Trường Cát nhị xã y cựu đồng phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân.  

Khâm tai!

Minh Mạng ngũ niên, thập nhị nguyệt, sơ nhất nhật.

1-minh-mang-ngu-nien-1680798820.jpg
Sắc phong thứ nhất của triều đình nhà Nguyễn ban cho thần Độc Lôi Sơn. Ảnh: Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Dịch nghĩa: 

Hoàng đế ban sắc rằng: Độc Lôi Sơn chi thần, giúp nước che dân, hiển rõ công đức, đã được nhiều đời vua phong tặng. Phụng đức Thế tổ Cao Hoàng đế ta (tức Nguyễn Ánh - Gia Long)  thống nhất bờ cõi, ân khắp thần người. Nay trẫm nối gánh cơ đồ, nhớ nghĩ ơn thần, nên sáng danh hiệu. Vậy đáng gia tặng Sùng tuấn chi thần, vẫn chuẩn cho hai xã Hữu Biệt và Trường Cát, huyện Nam Đường phụng thờ như trước. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta.

Kính thay!

Ngày mùng 01 tháng 12 năm Minh Mạng thứ năm (1824).

Sắc thứ hai:

Phiên âm: 

Sắc. Long tuấn Độc Lôi Sơn chi thần, hộ quốc tí dân, nhẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh tổ Nhân Hoàng đế ngũ tuần đại khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu. Khả gia tặng Long tuấn Nghiêm ngưng chi thần, nhưng chuẩn hứa Nam Đường huyện, Hữu Biệt, Trường Cát nhị xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân.  

Khâm tai!

Thiệu Trị tam niên, thập nhất nguyệt, sơ nhất nhật.

2-thieu-tri-tam-nien-1680798955.jpg
Sắc phong thứ 2

Dịch nghĩa:

Hoàng đế ban sắc rằng:

Long tuấn Độc Lôi Sơn chi thần, giúp nước che dân, rõ ràng linh ứng. Theo lễ đã được ban cấp sắc phong, cho phép thờ phụng. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840),  gặp dịp Thánh tổ Nhân Hoàng đế ta mừng đại lễ ngũ tuần, kính ban chiếu báu ơn sâu, lễ trọng thêm bậc. Nay trẫm gánh vác mệnh lớn, nhớ nghĩ ơn thần. Vậy đáng gia tặng Long tuấn Nghiêm ngưng chi thần, vẫn chuẩn cho hai xã Hữu Biệt và Trường Cát, huyện Nam Đường phụng thờ như cũ. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta.

Kính thay!

Ngày mùng 01 tháng 11 năm Thiệu Trị năm thứ ba (1843).
...
Ngoài những sắc phong trên, tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn lưu giữ 04 sắc phong cho thần Độc Lôi Sơn của các đời vua: Cảnh Hưng nguyên niên (1740), Cảnh Hưng tứ thập niên (1753), Chiêu Thống nguyên niên (1787) và Cảnh Thịnh tứ niên (1796).

Ngoài ra đền Chỉ Thiện còn phối thờ Tam cung Thánh Mẫu, Phật...

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-chi-thien-phoi-tho-nhieu-nhan-vat-ky-ii-a25154.html