Tín ngưỡng Thờ Mẫu, đó chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh những và thờ phụng những vị thần Nữ, là những vị thánh, những nhân vật huyền thoại, có công với đất nước, với nhân dân và có quyền năng trong các điện thờ. Sức mạnh của tín ngưỡng thờ Mẫu là đáp ứng nhu cầu về tâm linh của những con người Việt Nam, để tạo được niềm tin mãnh liệt cho mong ước chính đáng từ hàng ngàn đời nay: cầu sức khỏe, cầu tài, cầu lộc, cầu mưa thuận gió hòa, cầu những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống hàng ngày. Tín ngưỡng Thờ Mẫu thuần Việt đã được chính Ủy ban liên chính phủ Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016.
Hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ bên ngoài vào chỉ riêng tục Thờ Mẫu, được coi là một trục chính của tín ngưỡng dân gian đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm và góp phần bảo vệ một bản sắc văn hóa dân tộc muôn đời. Vượt qua giai đoạn nguyên thủy lúc người Việt còn thờ các lực lượng tự nhiên cho đến giai đoạn thờ thần linh nhân dạng thì ngay từ đầu đã ra đời một đối tượng thờ đáng quan tâm nhất là bà mẹ quyền năng. Khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên thì các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu, Nữ Thánh. Theo thời gian khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Phải khẳng định rằng, tín ngưỡng Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian rất riêng của người Việt, có lịch sử hình thành không bị ảnh hưởng của bất kì nền văn hóa ngoài và mang một nét rất riêng biệt. Từ sinh hoạt văn hóa tâm linh này, đức tin trong từng con người tạo ra, lan tỏa sự tin tưởng trong cuộc sống, tạo được sự “an dân” và rộng hơn tao được sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em, để rồi trải qua hàng nghìn năm, đến nay tín ngưỡng tiếp tục phát huy được vai trò của mình, tạo ra một nét văn hóa rất đáng trân trọng trong sự đa dạng văn hóa tín ngưỡng người Việt.
Trong thời đại 4.0, Việt Nam đang bị cuốn rất nhanh vào cuộc cách mạng kĩ thuật số của thế giới, những bản sắc của văn hóa đang nguy cơ bị mai một, giới trẻ đang hình thành một xu hướng hòa tan và tập trung phần nhiều vào sự “tiến tiến” và rằng có thể văn hóa tâm linh, những tín ngưỡng của cha ông để lại có thể sẽ thất truyền, và nguy cơ sẽ dần ít đi những người tiếp nối dòng chảy của văn hóa tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Việt Nam.
Có duyên được tiếp xúc với Nghệ nhân ưu ú Nguyễn Đức Bình, một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thủ đô và hiện đang sinh sống tại TP Vinh (Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 7 đời làm nghề “con nhang, hầu cửa tam phủ” Nghệ nhân Đức Bình là đời thứ 7 để tiếp nối “nghề” của cha ông để lại. Cũng là cơ duyên, với một chất giọng trong trẻo và sâu lắng, sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Hà Nội, về Nghệ An, Nghệ nhân Đức Bình là một giọng ca chính của Đoàn cải lương Bông Sen Trắng, thành thạo 8 nhạc cụ dân tộc, tham dự các liên hoan tiếng hát khắp cả nước, đã truyền cảm ứng tình yêu quê hương, dân tộc đến những người dân trên khắp cả nước cũng như kiều bào, những người con xa Tổ quốc như một “mệnh lệnh”của cha ông và cái “nghiệp vận vào thân”, lại tiếp nối truyền thống dòng họ và kể từ năm 2000 đã dùng tâm sáng để thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu và thờ cúng dân gian.
Trải qua gần 20 năm trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu và thờ cúng, Nghệ nhân Đức Bình đã đóng góp thực sự hiệu quả cho việc gìn giữ và tiếp nối văn hóa tín ngưỡng này, và đã mở Điện Kim Quang tại xóm 15 xã Nghi Kim, TP Vinh, công đức xây dựng tôn tạo Chùa Manh tại xóm 9 xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Với ước muốn là chốn thanh tịnh bảo tồn gìn giữ và giao lưu các tín ngưỡng dân gian. Với tâm huyết của một người tiếp nối dòng chảy tín ngưỡng từ thế hệ này đến thế hệ khác, hàng vạn người đã được Nghệ nhân Đức Bình truyền tải để hiểu về tín ngưỡng Thờ Mẫu, có được đức tin, hướng từng con người, từng gia đình vào tâm, thiện để cuối cùng có được sự an trong cuộc sống hàng ngày, đoàn kết giữa các dòng họ, xây dựng các gia đình văn hóa chuẩn mực, nuôi dạy con cháu hướng về tổ tiên giống nòi “Uống nước nhớ nguồn”. Với tâm sáng của một người trong nghề, không những người Việt trong nước được truyền tải đức tin Thờ Mẫu mà những người con xa quê tận trời Âu cũng được sang để kết nối và gìn giữ nét riêng Thờ Mẫu, kết nối những đức tin để cảm nhân được văn hóa tâm linh đang hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Phải thấy rằng, những con người như Nghệ nhân Đức Bình đang gìn giữ và truyền tải Nghi lễ Thờ Mẫu cũng là một căn duyên, với “sứ mệnh” căn duyên đó, trong suốt 20 năm qua, cũng đã nghiên cứu hàng trăm cuốn sách như Tử vi khảo luận, Cam chi Thông luận, Nghi thức Hầu đồng… để có được sự công nhận của nghề và sự tin tưởng của người dân đòi hỏi ngoài kinh nghiệm chưa đủ còn hội tụ mọi kiến thức về tập tục văn hóa xưa, cái tâm đức của nghề, còn phải có sức khỏe thể chất, tinh thần và niềm tin chân - thiện - mỹ của bản thân mới tạo nên một Pháp sư - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Bình có uy tín với nghề và với cái tâm gìn giữ, bảo tồn và phát triển Đạo Mẫu và đặc biệt đã truyền lửa nghề lại cho các đệ tử như: Trần Đình Đắc, Phó Giám đốc Đoàn dân ca Nghệ An, Trần Văn Ninh và chính người vợ của mình.
Tại Nghệ An, Nghệ nhân Đức Bình đang là một trong những người kinh thông về các Nghi lễ, soi bóng chiếu dương, kinh thông kinh dịch và tập tục các văn hóa xưa của cha ông truyền lại, qua đó đã giúp đỡ nhân dân trong tỉnh cũng như trong cả nước về Lễ an táng, Hiếu hỷ, cầu an cầu tài. Các Nghi lễ như An Vị hô thần nhập tượng, lễ nhập trạch, khởi công, Trấn trạch... năm 2008 Nghệ nhân Đức Bình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời làm giảng viên cho khóa tập huấn về chủ đề "Việc lễ tang” trên địa bàn tỉnh Nghệ An để truyền tải - đồng nhất các phong tục cha ông cũng như tạo niềm tin cho những người tham dự.
Theo Nghệ nhân ưu tú Đức Bình, tín ngưỡng Thờ Mẫu là nét đẹp tâm linh có từ ngàn đời xưa, nét đẹp này là văn hóa của người Việt - hoàn toàn không phải là mê tín - vì thế việc bảo tồn là cấp thiết, không để một số người lợi dụng tín ngưỡng văn hóa tâm linh để trục lợi làm xói mòn niềm tin vào công đức cha ông, những vị anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua. Và quả thực, khi tiếp xúc, trò chuyện và chứng kiến hành lễ tín ngưỡng Thờ mẫu, chúng tôi mới thấy được cái tâm của người làm nghề và hơn hết rất cần có những người như Nghệ nhân Đức Bình để tiếp nối dòng chảy văn hóa tâm linh người Việt để văn hóa tâm linh cũng như văn hóa nhớ ơn những người sinh thành, đi trước của người Việt được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác, gián tiếp là bảo tồn và xây dựng một di sản khá riêng của người Việt Nam và của nhân loại.
Cùng với Đảng và nhà nước chung tay kiến thiết, xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi công dân đều có trách nhiệm chung tay thì bảo tồn và gìn giữ và phát triển các bản sắc văn hóa, tập tục của dân tộc nói chung, trong đó phát triển bảo tồn văn hóa phi vật thể Đạo Mẫu nói riêng để mỗi người dân Việt Nam trong nước cũng như kiều bào nước ngoài, các người con dân Việt đi xa Tổ quốc cũng luôn hướng về qua những dòng chảy nền văn hóa của tổ tiên dân tộc, qua đó để kết nối lòng yêu nước thương, đoàn kết một lòng xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng giàu đẹp và phát triển.
Với những đóng góp không mệt mỏi, bằng cả ngọn lửa đam mê văn hoá phi vật thể dân tộc. Với cái tâm của nghề, trải qua bao nhiêu năm tháng miệt mài nghiên cứu, điều chỉnh và đúc kết các loại hình văn hoá phi vật thể dân tộc đến nay Nghệ nhân Nguyễn Đức Bình đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân công nhận cống hiến của ông cho nền văn hoá dân gian phi vật thể dân tộc Việt Nam.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2022. Được Viện nghiên cứu Văn hoá Thăng Long tặng Giấy khen vì đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá tín ngưỡng tôn giáo.
Tác giả bài viết kính ngưỡng dâng đến Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Bình lòng tri ân sâu sắc nhất, kính mong ông sức khoẻ, trí mẫn nay càng thanh tuệ để tiếp tục cống hiến, đóng góp, gìn giữ và phát triển nhiều hơn nữa các loại hình văn hoá phi vật thể cũng như văn hoá dân gian Việt Nam, kho tàng văn hoá dân tộc ngày càng phong phú, đa dạng và để lại cho các thế hệ mai sau biết, trân trọng sự tôn tạo, sáng tạo, gìn giữ và phát triển của các lớp cha anh đã đổ máu, hy sinh dành lại cho đất nước khải hoàn và nền văn hoá Việt thuần khiết giàu bản sắc của 54 dân tộc anh em đã cùng nhau chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
An Hải
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-uu-tu-nguyen-duc-binh-nguoi-giu-lua-tin-nguong-tho-mau-a25109.html