Thanh Hoá: Độc đáo suối cá thần Văn Nho

Tại thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hoá) từ lâu đã có một suối cá thần có vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo.

anh-1-1680252022.jpg
Người dân địa phương phải xây đập ngăn nước để tránh cá thần ra khỏi suối khi mùa lũ về. 

Từ thị trấn Đồng Tâm, huyện Bá Thước men theo con đường liên xã, qua trung tâm xã Văn Nho khoảng chừng 6km sẽ đến được hang cá thần Văn Nho. Hang cá thần nằm dưới chân một ngọn núi đá vôi, cây cối um tùm hoang sơ. Bên dưới, một con suối ngầm chảy từ trong lòng núi ra, được người dân xây đập ngăn lại lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng và đây cũng chính là suối cá thần.

Suối cá thần Văn Nho nằm trong một cái hang sâu tự nhiên có dòng nước chảy từ trong lòng núi chảy ra. Theo nhiều người dân sinh sống ở quanh khu vực suối cá thần thì suối cá này đã có từ thời Pháp thuộc khi quân đội Pháp đóng quân ở vùng đất này để cai trị địa phương. Không hiểu sao mà quân Pháp lại không đánh bắt cá mà ngược lại họ còn chăm sóc cho cá và lập bàn thờ nằm phía trên suối cá khoảng 10m để thờ chúng.

anh-2-1680252077.jpg
Toàn cảnh suối cá thần Văn Nho (Bá Thước, Thanh Hóa)

Người trông coi, bảo vệ suối cá cho biết: thời kháng chiến chống Pháp, hai thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương ở miền núi Thanh Hóa là Hà Công Bộ và Hà Văn Nho đã bị giặc Pháp bắt, tra tấn và bị chém đầu tại động thờ cá thần. Chính vì thế, suối cá thần và động thờ cá thần này có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của người dân địa phương. Hang cá này có chiều sâu khoảng 30m, còn nước trong hang vẫn chưa khám phá được nó bắt nguồn từ đâu. Phía sâu trong núi có một cái hang rộng khoảng 50m với trần hang khá cao và là nơi trú ngụ của đàn cá. 

Cá ở đây trung bình mỗi con nặng từ 3 - 7 kg, có những con to nặng lên đến 10kg. Suối cá thần này là nơi duy nhất cung cấp nguồn nước để người dân thôn Chiềng Ban sản xuất nông nghiệp do đó người dân đã xây đập để dự trữ nguồn nước nên nó có độ sâu khoảng 5m. 

Người dân bản Chiềng Ban kể: Ngày xưa ở địa phương có một thanh niên vì đói quá không có gì ăn nên đã ra suối bắt cá về nướng ăn. Sau một thời gian, anh thanh niên này phát điên, đi chữa trị khắp nơi không khỏi. Người dân trong bản cho rằng, người thanh niên này bị cá thần trả thù. Ngay sau đó gia đình anh ta đã mang lễ vật đến thắp hương tạ lỗi với cá thần. Vậy là vài ngày sau, anh thanh niên này đã khỏi bệnh điên... Từ đó, người dân ở đây họ xem cá thần như những người bạn nên không ai đánh bắt cá để ăn. Hằng ngày họ vẫn thay phiên nhau mang thức ăn ra suối cho cá thần. Mỗi năm cứ sau tết Nguyên đán, dân trong bản thường tổ chức lễ hội cá thần rất lớn. Mỗi khi có việc phải đi xa người dân đều làm một cái lễ nhỏ mang đến động thờ cá thần để cầu an. Đến nay, suối cá thần Văn Nho đã được ngành văn hóa huyện Bá Thước và tỉnh Thanh Hóa khảo sát, nghiên cứu và đã có kế hoạch phát triển nơi đây trở thành một điểm du lịch, điểm thăm quan cho du khách gần xa trong hành trình chuyến du lịch đến vùng cao xứ Thanh. 

P.V

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thanh-hoa-doc-dao-suoi-ca-than-van-nho-a25106.html