Vài nét về Đông Hồ
Nhắc đến hai chữ Đông Hồ, ký ức của mỗi người dân Việt Nam ta đều hiện lên hình ảnh loại tranh khắc gỗ với bề dày lịch sử phát triển lên đến hàng trăm năm. Tranh Đông Hồ được “sinh ra” tại làng Đông Hồ, có tên gọi cổ xưa là “Làng Mái” ngôi làng cổ nằm ở ven bờ Nam của dòng sông Đuống hiền hoà, cách Hà Nội khoảng 45km về phía Bắc, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Nếu nói về sự thu hút hay sức ảnh hưởng, tranh Dân gian Đông Hồ có sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài, bởi tính chân thật, thôn quê, ấm áp tình người và trong sáng tinh thần Việt. Toàn bộ nguyên liệu và quy trình làm tranh đều được lấy từ thiên nhiên và được các nghệ nhân thực hiện bằng phương pháp thủ công truyền thống: Giấy dó làm từ cây gió giã nhỏ; màu đỏ làm từ gạch non; màu vàng làm từ hoa hoè; màu trắng được nghiền từ vỏ sò điệp hay màu đen từ lá tre đốt bằng than. Các bức tranh Dân gian Đông Hồ nổi tiếng mà ta có thể kể đến đó là: “Hứng dừa”, “Đánh ghen”, “Đám cưới chuột”, “Vinh quy bái tổ”,… Chuỗi các bức tranh được nêu trên cũng là nguồn cảm hứng để tác giả xây dựng và cho ra mắt công chúng vở vũ kịch “Đông Hồ”.
Vũ kịch “Đông Hồ”
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã cho ra mắt bức tranh Dân gian Đông Hồ hết sức mới mẻ, độc đáo thông qua các vũ điệu Ballet cổ điển nhưng vẫn tôn vinh, gìn giữ được nét đẹp trong truyền thống hội hoạ, lịch sử, văn hoá dân tộc. Nối tiếp sự thành công của vở Ballet “Hàm lệ minh châu”, cốt truyện “Mỵ Châu - Trọng Thuỷ”, tác phẩm “Đông Hồ” dẫn dắt người xem đến với sự tinh tế, giản dị bằng cách truyền tải vừa thực tế, vừa trừu tượng. Thông điệp “Cho và nhận” (Give and receive) xuyên suốt vở múa chính là sự kết nối chặt chẽ dựa trên giá trị nhân văn của người Việt Nam.
Nổi bật nhất trong các màn múa của chương trình là sự “hoạ” lại những bức tranh Dân gian Đông Hồ nổi tiếng, ca ngợi hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa như: “Tố Nữ” - thể hiện sự tài hoa của người phụ nữ Việt, trình bày bởi NSƯT Phan Lương, Phương Thảo, Linh Ngân, Phạm Diên, Phương Anh; “Thiếu phụ bồng con” - ca ngợi tình mẫu tử ấm áp thiêng liêng, trình bày bởi Thu Hằng, Lệ Thanh, Đức Hiếu, Hồng Phi; “Suối tóc” - nét đẹp đặc trưng của mỗi người phụ nữ Việt, trình bày bởi tập thể nữ.
Cùng với đó là những bức “kịch hoạ” tái hiện lịch sử thời đại như “Hứng dưà” - mô tả cảnh sinh hoạt đời sống hàng ngày, trình bày bởi Thu Hằng và Đức Hiếu; hay “Đám cưới chuột” - phản ánh, châm biếm sự bất công trình xã hội phong kiến, trình bày bởi NSƯT Việt An, NSƯT Như Quỳnh, NSƯT Phan Lương và tập thể; “Đánh ghen” - phản ánh chế độ đa thê, tiếng nói về sự bất công của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, trình bày bởi NSƯT Việt An, NSƯT Như Quỳnh, NSƯT Phan Lương và tập thể nữ.
Chương trình cũng rất thành công khi thể hiện và ca ngợi được những nét đẹp trong văn hoá cũng như con người Việt Nam thông qua bức tranh “Vinh quy bái tổ” - lòng biết ơn, tôn kính đối với tổ tiên, trình bày bởi tập thể nam; hay “Chăn trâu thả diều” - khung cảnh bình dị, yên ả chốn làng quê và sự mong cầu về cuộc đời thành đạt, trình bày bởi NSƯT Phan Lương, Đức Hiếu, Hồng Phi, Dương Đức.
Bên cạnh đó, vũ kịch “Đông Hồ” đã rất khéo léo lồng ghép, giới thiệu những bức hoạ đồ của Việt Nam đến các khán thính giả với “Xuân về” - cảnh đẹp và văn hoá du xuân Việt Nam, trình bày bởi tập thể nữ; “Lễ hội” - hình ảnh rồng thiêng, những trò chơi dân gian rất đỗi giản dị, thân thuộc hiện lên, được trình bày bởi Thu Hằng, Đức Hiếu và tập thể.
Kết thúc chương trình là vũ khúc “Cho và nhận” - thông điệp xuyên suốt buổi trình diễn mà các nghệ sĩ cũng như ekip muốn truyền tải tới khán thính giả, trình bày bởi Thu Hằng, Đức Hiếu và tập thể nữ.
Không chỉ là nghệ thuật, đó còn là tinh hoa
Các tiết mục trong vở “Đông Hồ” được đạo diễn tài ba Nguyễn Ngọc Anh cũng như ekip Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam lựa chọn dựa trên một số tiêu chí khắt khe như: tính chuyên nghiệp trong tác phẩm, được thể hiện thông qua kỹ thuật múa điêu luyện; tính phù hợp nhằm tiếp cận dễ dàng với đa dạng lứa tuổi, đối tượng khán giả trong nước cũng như quốc tế; tính đa dạng khi kết hợp múa Ballet cổ điển phương Tây và những điệu múa mang đậm chất Việt Nam, kết hợp âm nhạc Baroque cổ điển đã qua cách phối mới với chất liệu dân gian Việt Nam; tính hấp dẫn người nghe cũng như hiệu quả về trang phục, sân khấu.
Về bố cục, chương trình được sắp xếp thành 2 phần rõ ràng: Biểu diễn và Talk show. Ở phần “Biểu diễn”, các bức tranh Dân gian Đông Hồ nổi tiếng lần lượt hiện ra thông qua những “chuyển động hoạ hình” của các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Sắp xếp không theo trình tự nhất định, có những bức hoạ đã xuất hiện, biến mất rồi lại quay trở lại đã tạo nên sự tò mò, thích thú cũng như mong chờ của khán giả: vì sao bức hoạ thêm một lần xuất hiện? Còn sự xuất hiện trở lại của bức hoạ nào nữa không? Điều này đã hé mở ra sự phóng khoáng trong nghệ thuật mà tác giả muốn truyền tải. Ở phần “Talk show”, biên đạo Ngọc Anh và các nghệ sĩ đã dành thời gian để chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn khi “chạm” đến “Đông Hồ”. Đã có rất nhiều chương trình để lại thành công và ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả nhưng hiếm có chương trình mà các nghệ sĩ giao lưu trực tiếp với công chúng trong khán phòng. Đây là điều đặc biệt cũng như điểm nhấn mà chương trình đem lại. Không chỉ nghệ sĩ được bày tỏ niềm hạnh phúc, xúc động với truyền thông, mà khán giả cũng thổ lộ được niềm hân hoan, trầm trồ khi xem tác phẩm, cũng như dành những lời chúc mừng kịp thời nhất, chân thành nhất đối với đội ngũ đã cố gắng, cống hiến hết mình vì nghệ thuật.
Về nội dung, chương trình vũ kịch khai thác triệt để cũng như giới thiệu đa dạng các bức tranh Dân gian Đông Hồ nổi tiếng của Việt Nam, thông qua đó bày tỏ tinh thần yêu mến, tự hào về những nét đẹp đáng quý của con người, văn hoá, lịch sử, lối sống Dân tộc Việt. Nghệ thuật Dân gian Việt Nam có vô vàn những chất liệu, nhưng nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã chọn Đông Hồ để khai thác và đưa lên sân khấu vũ kịch, chia sẻ về điều này, biên đạo cho biết: “Lúc còn bé tôi rất thích đi ra ngoài để khám phá thế giới, khát khao dành học bổng và đi du học cũng là động lực để tôi có thể tìm được những điều tinh tuý từ thế giới rộng lớn ngoài kia. Nhưng đến khi càng trưởng thành, càng có tuổi, tôi nhận ra những tinh hoa nghệ thuật không nằm ở đâu xa, mà ở chính những thói quen thường nhật, ở chính đất nước và con người Việt Nam. Tranh Đông Hồ tạo nên cảm giác thô sơ mộc mạc, là nét in, không phải nét vẽ, gam màu nóng nổi bật nhưng không hề bị loè loẹt cho thấy cảm giác thân thuộc về người Việt Nam mạnh mẽ phi thường nhưng hết đỗi giản dị, ý tứ”. Bên cạnh những tiết mục miêu tả được trực diện nội dung bức tranh thì cũng có những tiết mục mang tính chất trừu tượng, kích thích sự tò mò, suy ngẫm, liên tưởng của khán giả. Thậm chí, biên đạo còn xây dựng hình ảnh đối lập so với nội dung gốc thông qua âm nhạc, ánh sáng và phục trang. Ta có thể kể đến bức tranh “Hứng dừa”, với nội dung mô tả cảnh sinh hoạt đời sống thường nhật, với sự lạc quan, vui vẻ, nhưng với “Hứng dừa” của chương trình lại xây nên không gian huyền bí, ma mị với ánh sáng đỏ trầm, tối và sự xuất hiện của những làn khói. Âm nhạc được sử dụng trong “bức tranh” cũng đậm chất trầm buồn, da diết, với sự xuất hiện liên tục, dày đặc của dàn dây và chơi chủ yếu với kỹ thuật legato. Chia sẻ về cách xây dựng hình tượng đối lập này, biên đạo Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ: “Đây không phải bức tranh tả thực mà nó đã được hình tượng hoá. Việc hình tượng hoá các thủ pháp, các điệu nhảy không phải điều hiếm thấy trong sáng tạo nghệ thuật. Ẩn dụ hình tượng thay vì tả thực cũng giống như sự ý tứ, tế nhị tồn tại trong con người Việt Nam: tỏ tình bằng trái dừa, thông qua câu thơ, lời ca, tiếng hát”.
Về hiệu hiệu ứng sân khấu, ekip chương trình đã rất thành công trong việc kết hợp hài hoà giữa diễn xuất, phục trang, âm nhạc và ánh sáng. Trang phục quần đen, áo yếm được các nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Anh, Lê Phương Thảo, Minh Phương, Hồng Vân lựa chọn sử dụng làm “đạo cụ” xuyên suốt chương trình. Đây là trang phục phổ biến của người dân Việt Nam xưa, được sử dụng hàng ngày trong đời sống sinh hoạt, lao động cũng như lễ hội. Hiệu ứng ánh sáng là yếu tố không thể thiếu trong việc làm nên sự thành công cho tác phẩm. Đội ngũ thiết kế ánh sáng Hà My, Lê Ánh, Phùng Việt, Nguyễn Quyền sử dụng chủ yếu các tone màu cơ bản, phổ biến như: vàng, đỏ, xanh để góp phần thể hiện tốt hơn việc miêu tả, chuyển cảnh. Tone màu cơ bản này được dùng rộng rãi trong Mỹ thuật Việt Nam xưa khi màu sắc chủ yếu được tạo từ nguyên liệu thiên nhiên, đồng thời cũng là gam màu được sử dụng chính trong các bức tranh Dân gian Đông Hồ và Poster của chương trình. Đối với các chương trình nghệ thuật không lời thoại, ngôn ngữ âm nhạc được coi là tiếng nói chính cho toàn bộ tác phẩm, giúp thể hiện rõ ràng nhất tâm trạng, khung cảnh của các phân đoạn. Âm nhạc được sử dụng trong chương trình là bản “The New Four Seasons” được phối mới dựa trên bản gốc nổi tiếng “Four Seasons” của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ vĩ cầm, giảng viên âm nhạc nổi tiếng người Ý - Vivaldi.
Dấu ấn “Đông Hồ”
Có thể nói đây là một trong những chương trình múa khai thác chất liệu âm nhạc Dân gian chuyên nghiệp hàng đầu cả nước. Chương trình đã khiến cho người xem không chỉ có những cảm giác thích thú, hứng khởi mà còn như được tiếp thêm những nguồn năng lượng mới, tươi trẻ, hưng phấn trước một tác phẩm sử dụng kết hợp âm nhạc, văn hoá phương Tây với những nét đẹp văn hoá, lịch sử dân tộc Việt Nam. Các màn biểu diễn đã kết thúc nhưng những cảm xúc và những tràng vỗ tay của khán giả không ngừng vang lên.
Sự đồng hành
Mang lại thành công cho buổi công diễn không thể không kể tới vai trò của biên đạo múa tài năng, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Bằng những kinh nghiệm thực tế nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài cũng như sự kiên trì , miệt mài, anh đã thực sự phô diễn tốt các tinh hoa nghệ thuật thông qua vũ kịch “Đông Hồ”. Để có được điều đó, biên đạo Nguyễn Ngọc Anh luôn dành thời gian, tâm huyết trong việc xây dựng tác phẩm cũng như giúp các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn hiểu sâu sắc nội dung tác phẩm, động tác kỹ thuật để đem lại cho khán thính giả tuyệt tác nghệ thuật ấn tượng nhất. “Tôi chưa từng làm việc với biên nào đạo có tâm, có tài và tình cảm như anh Ngọc Anh. Về mặt công việc, anh đòi hỏi những technic (kỹ thuật), những chi tiết rất nhỏ, rất tỉ mỉ, rất khắt khe từ các diễn viên. Điều này cũng giúp chúng tôi được trau dồi, hoàn thiện và phát triển bản thân nhiều hơn. Sau giờ luyện tập, anh Ngọc Anh cũng đồng thời chia sẻ cách để thả lỏng và thoải mái khi múa: Hãy luôn là chính mình. Hãy múa như chưa bao giờ được múa. Hãy múa như thể đây là lần cuối cùng bạn được múa. Tất cả những điều đó đã khiến tôi có những cảm xúc không thể quên trong sự nghiệp múa của mình” - NSƯT Như Quỳnh chia sẻ.
Đồng hành và góp phần tạo nên sự thành công to lớn của chương trình là sự ủng hộ hết mình vì nghệ thuật đến từ đơn vị Thanhproductions và CETECH.jsc.
Có thể nói, sự thành công của “Đông Hồ” là nguồn động lực tích cực để các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cũng như các nghệ sĩ ưu tú trên khắp đất nước tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề ra các mục tiêu mới và không ngừng phát triển, luyện tập để việc lưu giữ và phát triển văn hoá dân tộc ngày càng phổ cập hơn, chuyên nghiệp hơn, thực tế hơn và tiếp cận được nhiều hơn nữa với công chúng. Đây cũng là yếu tố then chốt trong việc quảng bá Di sản - Văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Mạc Anh Vân