Tiến sĩ Hoàng Ngọc Loan
Nguyên xưa, đền Chỉ Thiện (tên cũ là điện Đức Quan Nghè) được lập nên để thờ ông Nghè Hoàng Ngọc Loan. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như sự tàn phá của 2 cuộc chiến tranh và biến cố lịch sử... những công trình văn hóa có giá trị của các thế hệ trước để lại đã bị hư hỏng, mất mát. Nhờ may mắn và ý thức của người dân, đền Chỉ Thiện vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhân dân trong vùng đã rước đồ tế khí cũng như tượng ở các đền, chùa bị hư hỏng ở nơi khác về đây để phối thờ như: Linh Từ Quốc Mẫu, Đức Thánh Trần, Thánh Độc Lôi, Tam Tòa Thánh Mẫu, Thần Bản Cảnh, thờ Phật... theo xu hướng Tam giáo Đồng nguyên ở nước ta.
Theo tài liệu của Phòng Di tích thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, ông Hoàng Ngọc Loan (còn gọi là Hoàng Xuân Thì, Hoàng Xuân Thời) sinh năm 1626, mất ngày 10/3 (âm lịch) chưa rõ năm nào. Ông là người Tràng Cát (xã Nam Cát, huyện Nam Đàn), đậu Tiến sĩ năm 1680, lúc đã 55 tuổi.
Theo gia phả dòng họ Hoàng Ngọc tại xã Nam Cát, thì ông Hoàng Ngọc Loan thuộc tam thế tổ (thế hệ thứ 3 dòng họ Hoàng Ngọc). Song thân của Ngài là ông Hoàng Đăng Kế và bà Đoàn Thị Lữ. Ông bà sinh được hai người con là Hoàng Ngọc Phơng (còn gọi là Hoàng Ngọc Tạo), và Hoàng Ngọc Chơn (Hoàng Ngọc Loan).
Ông Hoàng Ngọc Loan từ nhỏ đã thể hiện tư chất thông minh, sáng dạ, hoạt bát, khỏe mạnh. Lớn lên, ông theo thầy học tiến bộ rất nhanh qua việc thông kinh sử và có tài thao lược.
Vào khoa thi Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (1680) đời vua Lê Hy Tông, ông thi đậu tiến sĩ, trong khoa thi này lấy Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân là 17 người, tên của ông Hoàng Ngọc Loan được xếp hàng thứ 2.
Sau khi đậu đạt, ông được bổ nhiệm làm quan xứ Sơn Tây rồi thăng đến chức Tham Chánh, Xung Sơn Tây Đốc Đồng - Một chức quan ở hàng Chánh Tứ phẩm dưới triều Lê Trung Hưng. Ông làm quan trong bối cảnh Vua Lê, Chúa Trịnh một xã hội đang trên đà suy vong. Giặc giã nổi lên khắp nơi, quan lại lộng hành nhũng nhiễu nhân dân. Vốn là người cương trực thẳng thắn, ông nghiêm trị bọn tham quan ức hiếp nhân dân, dẹp loạn để an dân, ngoài ra ông còn xin tiền triều đình miễn thuế cho nhân dân trong những năm mất mùa, hạn hán, lụt...
Trong quá trình làm quan của mình, ông đã lập nhiều chiến công cho triều đình nhà Lê và đem lại cho nhân dân cuộc sống ổn định, ấm no như: nhiều lần đem quân đi dẹp các bè đảng trộm cướp nổi lên khắp nơi ở xứ Sơn Tây... và ông còn bênh vực kẻ yếu, nghiêm trị bọn quan lại, địa chủ hoành hành bóc lột nhân dân, đề ra nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp để nâng cao đời sống cho nhân dân... Do có nhiều công lao nên ông được nhà Vua phong tặng “Hoài Viễn tướng quân kiêu kỵ úy trung trật” và ban cho lộc điền ở vùng đất Kẻ Bàu (tức vùng đất xã Nam Cát, huyện Nam Đàn ngày nay).
Theo tài liệu lưu lại tại đền cũng như lời kể của các cụ già ở địa phương, xưa kia cả vùng đất rộng lớn trù phú ở Kẻ Bàu đều là đất lộc điền của ông Nghè Hoàng Ngọc Loan. Ông cũng là người có công lớn trong việc khai hoang lập làng, dạy nhân dân làm ăn tạo nên trang Tràng Cát trù phú. Nên sau khi mất, con cháu và nhân dân đưa thi hài ông về chôn cất tại cánh đồng Và (nay thuộc xã Nam Cát, huyện Nam Đàn).
Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương về chí hiếu học, lòng thương dân, tận tụy với sự nghiệp trung hưng đất nước. Các triều đại phong kiến ghi nhận tài đức, công lao của ông và ban sắc, phong thần.
Trong số những đạo sắc còn lưu giữ tại đền, có 4 đạo sắc cho ông Hoàng Ngọc Loan: sắc Khải Định nhị niên, tam nguyệt thập bát nhật (18/3/1917) viết:
“Sắc Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Tràng Cát xã phụng sự Lê triều Canh Thân khoa đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân diệu sâm chính xung Sơn Tây xứ Đốc đồng Hoàng Tướng công chi thần niệm trước linh ứng tử kim phi thừa.
Cảnh mệnh diến niệm thần phủ trước phong vi Dực Bảo trung hưng linh phù chi thần chuẩn kỳ phụng sự chứ cơ thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!"
Còn tiếp...
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-chi-thien-tien-si-hoang-ngoc-loan-ky-i-a25001.html