Với diện tích 8.065,3km2, dân số 936.600 người, mật độ đạt 110 người/km2, tỉnh Quảng Bình nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều Đông - Tây của Việt Nam (khoảng 50 km), trải dài từ 16°55’ đến 18°05’ vĩ Bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ kinh Đông, cách thủ đô Hà Nội 500 km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 267km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1 với vị trí địa lý phía bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh bằng ranh giới tự nhiên là dãy Hoành Sơn, phía nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Khammuane, tỉnh Savannakhet của Lào với đường biên giới là dãy Trường Sơn 201,87km.
Quảng Bình có bờ biển dài 116,04km, dài thứ 3 cả nước ở phía Đông với 5 cửa sông, trong đó có hai cửa sông lớn, có cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, cảng Hòn La, Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4km², độ sâu trên 15 mét, xung quanh có các đảo Hòn La, Hòn Cọ, Hòn Chùa che chắn có thể nên tàu thuyền tải trọng 30.000 - 50.000 tấn dễ dàng ra vào cảng mà không cần nạo vét. Ngoài ra, diện tích mặt đất khá rộng (trên 400 ha) thuận lợi cho việc xây dựng khu công nghiệp gắn với cảng biển nước sâu.
Nói đến Quảng Bình, không thể không nhắc đến Phong Nha Kẻ Bàng, địa danh từng gắn liền với những chiến tích anh hùng lịch sử. Nơi đây có những hang động nổi bật trên thế giới như Hang Sơn Đoòng, Động Thiên Đường, Động Phong Nha, cùng các địa danh du lịch khác như Hang tối, Suối Nước Moọc, hang chà Lòi tạo nên sự đa dạng về du lịch. Du lịch Phong Nha Kẻ Bàng được xem như "trái tim" của ngành Du lịch Quảng Bình.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm ở phía Bắc dãy núi Trường Sơn, thuộc địa phận các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vườn quốc gia này ghép từ tên động Phong Nha và tên khu vực rừng núi đá vôi Kẻ Bàng. Theo Lê Quý Đôn thì Phong Nha là tên một làng miền núi ngày xưa (nay là thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch). Động Phong Nha còn có tên khác như Động Thầy Tiên, Núi Thầy, Động Troóc, Hang Trùa.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng tiền thân là khu rừng đặc dụng Phong Nha được thành lập theo Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Quyết định thành lập Khu Văn hóa Lịch sử với tổng diện tích 5.000 ha. Đây là khu rừng đặc dụng đầu tiên của tỉnh Quảng Bình nhằm mục đích bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi đá vôi gắn liền với các di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015 bởi đây là nơi hội tụ những Hang nước dài nhất; Cửa hang cao và rộng nhất; Bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; Hồ ngầm đẹp nhất; Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; Hang khô rộng và đẹp nhất; Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam.
Phong Nha Kẻ Bàng thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Vào mùa khô, nhiệt độ ở bên ngoài là 36 - 37 độ C, thậm chí có lúc 40 độ C, tuy nhiên nhiệt độ trong hang động luôn ở 18 - 22 độ C, rất mát mẻ dễ chịu. Vào mùa nước lớn, nước sông Son dâng cao sẽ làm che khuất một số cửa hang. Tuy nhiên, các động khô như Động Tiên Sơn, Động Thiên Đường vẫn hoạt động bình thường.
Phong Nha Kẻ Bàng còn có hàng chục đỉnh núi cao trên 1.000 mét, điển hình là các đỉnh Co Rilata cao 1.128 mét, đỉnh Co Preu cao 1.213 mét, rất hiểm trở và hoang sơ, là các điểm hấp dẫn cho thể thao leo núi và thám hiểm. Xen kẽ giữa các đỉnh núi trên 1.000 mét là những thung lũng phù hợp cho du lịch sinh thái.
Động Phong Nha có chiều dài 7.729m, cửa động rộng từ 20 đến 25m, cao 10m. Nơi sâu nhất trong hang là 83m, bao gồm 12 hang chính và rất nhiều nhánh hang phụ với vẻ đẹp kỳ bí của những khối thạch nhũ trong hang. Hang Tối là một nhánh thuộc hệ thống hang động Phong Nha, cửa hang rộng 20 mét, cao 40 mét. Hang Tối vừa là hang nước, vừa là hang khô với chiều dài 5.258m, cao 80m. Vào sâu trong hang, chỉ nhìn thấy một “màu đen như mực”, đúng như tên gọi của nó.
Động Tiên Sơn có chiều dài là 980m, tọa lạc ở độ cao khoảng 200m trên trần động Phong Nha và không ăn chung với động Phong Nha. Tuy độc lập với nhau, nhưng Phong Nha – Tiên Sơn là một cặp song sinh của tạo hóa. Bởi khi du khách bước chân đến động nước Phong Nha, sẽ không thể nào bỏ qua động khô là động Tiên Sơn. Đặt chân vào động Tiên Sơn, cảm giác như bước vào cõi thiên thai, một kỳ công thiên tạo. Nếu Phong Nha là Thủy cung của vua Thủy Tề và nàng Tiên cá, thì Tiên Sơn là nơi ngự trị của Ngọc Hoàng và của các bậc Tiên đế.
Cách Động Phong Nha khoảng 20km, nằm trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191m là Động Thiên Đường, một hang động khô được đánh giá dài nhất châu Á và được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất”. Động Thiên Đường có chiều dài 31,4 km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m. Nơi rộng nhất 150m và có chiều cao từ đáy lên trần động khoảng 60m.
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động bởi con người.
Phong Nha - Kẻ Bàng ghi nhận sự có mặt của 2.951 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành, nhiều loài thực vật đặc hữu của rừng núi đá vôi như Chò đãi, Chò nước, Trầm hương, Nghiến, Sắng, Ba kích và Sao… Trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 39 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN.
Nhằm mục đích bảo tồn, phát huy tối ưu những lợi thế điều kiện tự nhiên về cảnh quan và đa dạng sinh học, ngày 29/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2128/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, với diện tích khu vực tập trung phát triển Khu du lịch là 2.500 ha. Theo quy hoạch tổng thể, Sở Du lịch Tỉnh Quảng Bình tận dụng những cơ hội mới của xu hướng phát triển kinh tế khu vực, khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh một cách có hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn để phát triển các loại hình sản phẩm du lịch theo tiêu chí phát triển toàn diện và bền vững, đáp ứng xu hướng và nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Bao quanh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là vùng đệm có diện tích 219.855,34 ha. Trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia, ngoài dân tộc Kinh chiếm 85%, còn có 2 dân tộc thiểu số sinh sống: dân tộc Bru – Vân Kiều với các nhóm tộc: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong và dân tộc Chứt với các nhóm tộc: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Đời sống của người Chứt và Bru, Vân Kiều có nhiều sắc thái văn hoá đặc sắc, cho đến nay họ còn lưu giữ nhiều đặc điểm sinh hoạt của thời nguyên thuỷ. Mỗi tộc người trong vùng đều có những tập quán sinh sống và bản sắc văn hoá như: Lễ Đập trống của người Ma Coong, hát Tuồng bội của người Kinh ở Khương Hà… Văn hoá vật thể và phi vật thể của họ là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học và đồng thời là địa chỉ hấp dẫn của loại hình du lịch văn hoá dân tộc ít người ở vùng Phong Nha Kẻ Bàng.
Trí Thiện