Đến dự và chủ trì Tọa đàm có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ.
Đến dự Tọa đàm còn có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Dự Tọa đàm còn có các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình VHNT, lãnh đạo các Hội VHNT Trung ương.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức là cuộc Tọa đàm chuyên sâu về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).
Với định hướng đó, mục tiêu chủ yếu của Tọa đàm là căn cứ vào nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), xuất phát từ đời sống lý luận, phê bình và thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà để đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản sau: (1) Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943); (2) Làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng, sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập; (3) Đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết, Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được hơn 30 bài tham luận. Điều này cho thấy sự hưởng ứng và sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với chủ đề Tọa đàm và đối với Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Kết quả Tọa đàm là cơ sở xây dựng những luận cứ khoa học góp phần làm sáng tỏ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ trong 80 năm qua. Trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Sau Tọa đàm, Hội đồng lựa chọn các tham luận có chất lượng cao để biên tập, đăng thành chuyên đề trên tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật – cơ quan ngôn luận của Hội đồng và là một trong những tạp chí khoa học được Hội đồng Chức danh Nhà nước tính điểm khoa học cao nhất. Đây là tài liệu tham khảo giá trị, hữu ích cho những người làm công tác quản lý văn hóa, văn nghệ các cấp, các ngành liên quan đến văn học, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung như khẳng định giá trị mang tầm thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Các đại biểu cũng đánh giá những thành tựu, đồng thời chỉ ra hạn chế trong phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là bản luận cương đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, với những giá trị xuyên suốt được Đảng ta bồi đắp qua các thời kỳ.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần chuẩn bị kỹ càng hơn để có chương trình tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, văn hóa và con người luôn luôn hòa quyện với nhau, con người tạo ra văn hóa và văn hóa tạo nên cốt cách con người.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin, hiện nay, Chính phủ đã phân công Bộ VHTTDL xây dựng chương trình tổng thể về chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị, sau buổi tọa đàm, Ban tổ chức có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ. Các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong chấn hưng văn hóa, có những đóng góp thiết thực vào xây dựng chương trình nói trên.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đã có tác dụng to lớn định hướng phát triển văn hóa văn nghệ suốt 80 năm qua. Đặc biệt, ba nguyên tắc vận động văn hóa "dân tộc hóa", "khoa học hóa", "đại chúng hóa" có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến đổi, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần tiếp tục bổ sung để đổi mới tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu của người dân, cho sự phát triển của đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng tiếp tục tập trung tổ chức một số công tác trọng tâm đó là: Tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, tham gia Chương trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Từ thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật, Hội đồng cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại./.
Theo bvhttdl.gov.vn