Triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) tại Hà Nội từ cuối năm 2013, cho đến thời điểm này, đã có 16 quận huyện của thành phố hoàn thành công việc. Và có khoảng 100 trên tổng số hơn 1.000 di sản được đưa vào danh sách thống kê. Nhưng một nghịch lý đang tồn tại: Có những di sản mà cộng đồng chấp nhận sự biến đổi của nó trong dòng chảy thời cuộc, thì các cơ quan quản lý lại “gồng mình” để bảo tồn những DSVHPVT khi nó không còn không gian diễn xướng.
Kéo co ngồi của Hà Nội mới chỉ được ghi vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.
TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, người phụ trách công tác kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội cho biết, trong đợt kiểm kê này, có những di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; danh mục di sản cần được ưu tiên bảo vệ khẩn cấp; danh mục di sản đã được thống kê…
Việc lập danh mục di sản nhằm hướng tới mục đích giúp cho chính quyền địa phương nhận diện tầm quan trọng của di sản, để cộng đồng chung tay ưu tiên bảo vệ di sản. Chỉ đơn giản vậy, chứ không phải là việc công nhận một danh hiệu. Và cũng chưa có cơ quan, tổ chức nào đứng ra công nhận danh hiệu cho những di sản qua đợt kiểm kê của Hà Nội vừa rồi.
Ấy vậy mà vào quãng 4/2015 người ta đã tổ chức rình rang Lễ đón nhận Bằng DSVHPVT quốc gia nghi lễ Kéo co ngồi (phường Thạch Bàn- Long Biên - Hà Nội) chỉ tại di sản này nằm trong danh mục DSVHPVT quốc gia. Tại sao lại có chuyện như vậy?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy lý giải: Nhà nước dùng từ “đưa vào danh mục”, nhưng thực tế các địa phương lại cho rằng đó cũng chính là một cách xếp hạng di sản. Ông Huy chia sẻ, khi nghe các vị cán bộ tại địa phương phát biểu trong buổi lễ rằng đây là di sản đã được xếp hạng cấp quốc gia, ông thấy giật mình.
Khi nhìn kỹ lại tấm bằng của Bộ VHTT&DL, thì thấy trên đó có ghi: đưa di sản Kéo co ngồi vào danh mục DSVHPVT quốc gia, không phải là xếp hạng cấp quốc gia cho di sản này. Thế nên, việc tổ chức lễ đón nhận danh hiệu long trọng như đã nói ở trên, thực chất là xuất phát từ thói quen và tư duy “xếp hạng” của những người làm văn hóa địa phương.
Chung quan điểm ấy, TS Lê Thị Minh Lý cho biết, thực ra trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia di sản không bao giờ dùng từ “công nhận” với di sản A, B… mà chỉ nói là ghi danh - ghi vào danh mục đối với di sản A,B… Chính vì thế, một lễ đón bằng được tổ chức hoành tráng như vừa nói tới ở trên là sai về cách làm.
Song cũng từ lễ đón bằng danh hiệu Kéo co ngồi, dư luận thấy băn khoăn lạ. Rằng công cuộc kiểm kê của Hà Nội còn chưa kết thúc, Kéo co ngồi mới chỉ được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, vậy thì tại sao Bộ VHTT&DL đã in tấm bằng long trọng để làm gì? Hơn thế, Bộ VHTT&DL cũng đang đề nghị xây dựng hồ sơ nghi lễ Kéo co ngồi trở thành DSVHPVT đa quốc gia của nhân loại vào cuối năm 2015. Hay còn một kênh kiểm kê, ghi danh di sản khác, độc lập với cách mà Hà Nội đang làm?
Vậy nhìn tổng thể về DSVHPVT của cả nước, có bao nhiêu kênh kiểm kê di sản từ trước tới nay? Trao đổi với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, ông cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Rằng Hội đã hoàn thành tổng kiểm kê DSVHPVT của 48/54 dân tộc và văn bản hóa những di sản này bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh để gửi tới UNESCO. Số tiền Nhà nước đã cấp cho Hội để thực hiện công việc này không nhỏ: gần 300 tỉ đồng. Vì thế việc kiểm kê lần này rõ ràng là chồng chéo, lãng phí về thời gian và tiền bạc.
Ông Tô Ngọc Thanh cho biết việc kiểm kê DSVHPVT, Hội đã làm trong hơn 30 năm qua. Vì thế, việc tổng kiểm kê DSVHPVT năm 2015 theo chủ trương của Bộ VHTT&DL (theo cách mà Hà Nội đang thực hiện) là một kênh. Còn Hội Văn nghệ dân gian đã đi một con đường khác…
Từ năm 1990, UNESCO đã phát động “Thập niên gìn giữ bảo vệ có hiệu quả và dưới sự hiểu biết đầy đủ về di sản văn hóa phi vật thể”. Do vậy, UNESCO đề ra tiêu chí: Phải kiểm kê đến nay để biết di sản còn cái gì, diễn ra làm sao? Trước đó vẫn còn thì nó ra sao, bây giờ hiện trạng của nó thế nào? Và những cái đã mất liệu có thể phục dựng được nó không? Nhưng muốn nghiên cứu những thứ này thì hỏi ai? Phải hỏi các nghệ nhân chứ! Nghệ nhân chính là những người thầy rất vĩ đại của dân gian.
Trong 30 năm qua, Hội có 1.313 hội viên trên khắp cả nước, đã cho ra đời gần 5.000 công trình nghiên cứu về DSVHPVT. Ông Tô Ngọc Thanh cũng cho rằng mục đích của UNESCO là kiểm kê và vinh danh để gìn giữ, bảo tồn, chứ không phải để “bóp méo” cái vinh dự của di sản- vốn là những thứ do cộng đồng sáng tạo.
TS Lê Thị Minh Lý cho hay, thực tế kiểm kê DSVHPVT của Hà Nội trong gần 2 năm qua cho thấy, hiện trong số hơn 1.000 di sản đã đưa vào danh mục, nhiều nhất vẫn là lễ hội. Những hình thức khác như văn hóa dân gian truyền khẩu, nghề truyền thống… của Hà Nội giờ cũng ít, mai một nhiều. Có những di sản không còn không gian trình diễn. Và sự biến đổi của văn hóa dân gian là hiện hữu.
Thậm chí, luật quốc tế nói chung và bản chất của DSVHPVT ghi nhận sự biến đổi giá trị di sản- nếu như đó là sự biến đổi do cộng đồng sáng tạo, phù hợp với sự phát triển của xã hội, được xã hội ghi nhận. Điều ấy góp phần tạo ra sự đa dạng của văn hóa, tạo ra nét mới, sắc thái mới. Bởi không có biến đổi thì di sản chết, không biến đổi thì di sản sẽ chết.
Đơn cử như hội Gióng ngày xưa, thanh niên trai tráng phải tự nguyện khiêng kiệu. Nhưng bây giờ thanh niên rời làng ra phố làm ăn nhiều, thì đòi hỏi sự tự nguyện rất khó mà phải cắt cử thanh niên khiêng kiệu. Hoặc ngày xưa, người khiêng kiệu phải là giai tân, thì bây giờ những người có gia đình cũng có thể (phải) tham gia khiêng kiệu.
Hay đó còn là sự biến đổi của các làng nghề truyền thống ở Hà Nội như làng nghề thuốc Đại Nam, làng hoa Ngọc Hà… giờ việc thực hành nghề đã không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Nhưng cộng đồng chấp nhận, và họ cũng chẳng đòi hỏi những giá trị họ đang lưu giữ phải được vinh danh…
Cuộc kiểm kê DSVHPVT tại Hà Nội cho thấy, cộng đồng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc nắm giữ các tri thức về DSVHPVT. Và nếu không có việc tham gia của cộng đồng vào việc kiểm kê, rõ ràng không thể hoàn thành được công việc.
Cho dù có hàng loạt những con số báo cáo về kết quả của quá trình kiểm kê ấy (12 quận huyện của Hà Nội đã lập xong bản đồ di sản VHPVT; 2 di sản vào danh mục DSVHPVT quốc gia; 6 di sản đã được lập hồ sơ…) thì mục tiêu cao nhất hướng tới vẫn là đẩy mạnh những cam kết của cộng đồng với UNESCO trong việc gìn giữ những di sản có giá trị.
Lưu giữ trong cộng đồng hay là vinh danh di sản? Sau vinh danh di sản có được bảo tồn tốt hơn…? Đó vẫn là những đề tài tranh cãi còn dang dở. Chỉ biết rằng phải có chủ thể gìn giữ di sản, phải có người chịu trách nhiệm về sự sống còn của di sản đó. Thế giằng co di sản nhìn ở một góc độ hẹp - đôi khi chính là sự giằng co giữa cộng đồng và nhà quản lý văn hóa, chứ chưa hẳn là những nguyên nhân lớn lao hơn.
Theo Triết Giang (Đại Đoàn Kết)