Di sản văn hóa, trong đó có văn hóa phi vật thể, là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa. Nó tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của con người, là các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản, rồi từ đó làm nên sức mạnh, sức đề kháng của cộng đồng.
Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại, thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác.
Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Bảo tồn và phát huy di sản vì sự phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực của mỗi địa phương và của cả nước.
Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thể, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".
Di sản văn hóa phi vật thể là những thứ “phi vật thể” mà ta đang đắm chìm trong nó từng ngày từng giờ, là những thứ đã đắp bồi nên con người ta, tâm hồn ta. Nó là di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay, và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…
Từ đứa trẻ Kỳ đồng đến thần Bạch Mã
Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) thờ thần Phan Đà, một vị tướng trẻ có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. Ngài mất khi mới 24 tuổi. Bạch Mã là gọi theo tên con ngựa trắng mà tướng Phan Đà thường cưỡi khi ra trận. Thần Bạch Mã sinh tại xã Võ Liệt, họ Phan, 15-16 tuổi đã phò tá Bình Định vương (Lê Lợi) đánh giặc Minh. Ngài lập được nhiều chiến công, vua thường khen là “Kỳ Đồng” (đứa trẻ kỳ lạ), và thường xuyên được ở cạnh Vua.
Trong trận giao chiến với quân nhà Minh ở bờ bắc sông Lam Giang, Ngài cưỡi ngựa bạch xung trận, bị thương nặng, được ngựa chở mang trở về đến gần địa phận xã Võ Liệt thì chết. Tích xưa chép rằng, khi ngựa chở thi thể Ngài đến xóm Lai Thành, xã Quảng Xá (Thanh Hà) thì một dòng máu của Ngài chảy xuống nhưng được mối vùi lấp. Sau khi ngựa về tới xóm Công Trung (xã Võ Liệt) thì thi thể Ngài ngả từ lưng ngựa rơi xuống, cũng được mối vùi lấp. Sau trở thành linh ứng nên nhân dân lập đền thờ.
Cũng theo tích xưa, mồ mả của Ngài ở hai nơi. Một ngôi tại xóm Công Trung gọi là mồ Ông, một ngôi ở xóm Lai Thành gọi là mồ Cả, người đời thường gọi rằng: “Mồ ông mả giả, mồ cả mả thật” (Công Trung, Lai Thành bây giờ thôn Trung Thành thuộc xã Thanh Long – Thanh Chương). Điều đặc biệt, cả 2 mộ cây cối xanh tốt, rậm rạp, những người “tiều phu” không dám tới gần.
Truyền thuyết kể rằng, Tướng Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV, trong một gia đình ngư dân nghèo ven sông Lam, ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du, nay là thôn Minh Tân (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương). Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh, Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu. Tài mưu lược, can trường của vị tướng trẻ làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Khi ra trận Ngài thường mặc áo giáp trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “thần Bạch Mã”.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao của Phan Đà đã cấp tiền của, giao cho quân dân sở tại xây ngôi đền bề thế và tổ chức các nghi lễ quốc tế hàng năm, đồng thời sắc phong “đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần”. Về sau, các triều đại phong kiến gia phong “Thượng - thượng - thượng đẳng tối linh tôn thần”.
Từ xa xưa, Đền Bạch Mã nổi tiếng linh thiêng, người xe qua đây, bất kể dân hay quan đều dừng chân ngả mũ nón vái lạy. Không chỉ giúp người dân trong vùng vượt qua nhiều trận thiên tai, giặc giã, thần Bạch Mã còn phù trợ cho các vị vương, tướng xuất quân đi đánh giặc trăm trận trăm thắng. Sự linh nghiệm của ngôi Đền còn thể hiện ở câu chuyện vào dịp giỗ thần Đền (13/6 âm lịch) bao giờ trời cũng đổ mưa dù có thể trước và sau đó trời vẫn nắng nóng.
Đền Bạch Mã là nơi ghi lại nhiều dấu ấn, sự kiện lịch sử quan trọng trong hành trình chống giặc ngoại xâm và mở mang bờ cõi của dân tộc ta: Năm Quang Thuận thứ 6 (1465) đích thân vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền và làm lễ tế tại đây. Năm Cảnh Hưng thứ 3 (1770), Quận công Bùi Thế Đạt đã vào làm lễ tế đền lúc ông đang trên đường đi đánh giặc.
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Bạch Mã đã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương. Với bề dày lịch sử như vậy, ngày 24/3/1994, Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Lễ hội đền Bạch Mã
Theo Cục Di sản văn hóa, lễ hội đền Bạch Mã gắn liền với sự hình thành của đền, khoảng 500 năm, được Nhà nước Phong kiến liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế, quốc tạo” - nghĩa là quy định lễ tế theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Theo thông lệ ngày xưa, lễ hội đền Bạch Mã thường tổ chức vào ngày 13 tháng Sáu Âm lịch, được coi là ngày húy của tướng Phan Đà, cũng trùng vào dịp lễ Kỳ phúc Lục Ngoạt. Khoảng những năm 1945 - 1994, do điều kiện lịch sử, lễ hội được dân làng tổ chức tế lễ đơn giản, không rước kiệu, nhưng riêng trò vật cù diễn lại tích của tướng Phan Đà vẫn được tổ chức quy mô và duy trì đến nay.
Sau khi di tích được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994, nhân dân trong xã khôi phục lại lễ hội với đầy đủ các nghi lễ như trước đây. Tuy nhiên, do ngày hội vào đúng dịp nắng nóng cao điểm của miền Trung nên nhân dân trong xã đã chọn ngày 8 – 12 tháng Hai Âm lịch để tổ chức lễ hội, cũng là dịp nhân dân rảnh rỗi, là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở.
Rạng sáng ngày 8 là lễ Khai quang tẩy uế với nước làm lễ mộc dục được lấy ở hợp lưu sông Rộ, sông Giăng và sông Lam cùng các loại lá thơm. Sau đó, Ban nghi lễ đến phần mộ của Phan Đà tại xóm 4, xã Thanh Long để khai quang, làm lễ. Theo tục xưa truyền lại, sau khi ngài Phan Đà qua đời, mộ ngài được an táng tại một bãi đất cao ráo ở Thanh Long và giao cho làng chăm lo hương khói. Việc tổ chức nghi lễ thỉnh mời ngài Phan Đà là một nghi lễ quan trọng trong diễn trình của lễ hội, mặc dù không được tổ chức quy mô, song các thủ tục tế lễ, lễ vật thì không được thiếu. Chủ tế thỉnh mời ngài về dự hội, phù hộ cho thời tiết hanh thông để nhân dân trong vùng và du khách thập phương về dự lễ hội được thuận tiện và gặp nhiều may mắn. Tiếp đó, Ban lễ nghi đến Phủ Ngoại ở thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt làm lễ tạ ơn thân sinh của tướng Phan Đà.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, hội đền Bạch Mã có trò chơi đặc sắc là vật cù nhằm tái hiện hành trạng, công tích của tướng Phan Đà trong tuyển mộ binh lính chống quân Minh. Theo truyền thuyết dân gian, vào thế kỷ XV, Phan Đà gia nhập nghĩa quân Lê Lợi, được giao cai quản vùng đất Thổ Du và tuyển mộ dân đinh, trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn của địa phương để sung quân đánh giặc. Ông đã nghĩ ra hình thức tuyển binh tương đối đơn giản song lại khá hiệu quả là tổ chức thi vật cù để lựa chọn những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có tố chất tham gia chiến đấu. Đây cũng là hình thức rèn luyện sức khỏe cho tân binh của Phan Đà. Quả cù được làm từ củ chuối hột loại lớn, được đẽo thành hình tròn cỡ 30cm và trọng lượng khoảng 5 - 7kg. Quả cù đẽo xong, luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng kỹ cho dẻo, không bị nứt vỡ khi chơi. Tham gia hội vật cù là những người nhanh nhẹn, khoẻ mạnh được tuyển chọn từ các làng xã.
Trước đây, hội đền Bạch Mã tổ chức cả 3 hình thức cù gôn, cù đẩy và cù nước. Nay hội thường tổ chức vật cù gôn, nghĩa là ở hai đầu sân, mỗi bên đào một hố sâu rộng 50cm x 50cm, phía trên cắm 1 lá cờ hội. Mỗi trận diễn ra khoảng 15 phút, mỗi đội có 7 người tham gia tranh cù, vật cù để làm sao đưa được quả cù vào hố của phe đối phương mà không được ôm, vật đối phương. Mỗi trận cù thực sự là một cuộc đấu trí, đấu sức mạnh và phô diễn sự khéo léo, đoàn kết của hai đội. Theo quan niệm dân gian, đội cù của làng xã nào giành giải - giải chỉ mang tính tượng trưng - thì làng xã năm đó sẽ được mùa lúa, ngô, chăn nuôi phát triển, trẻ già đều khoẻ mạnh.
Lễ hội đền Bạch Mã là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức hàng năm là dịp để cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống đánh giặc ngoại xâm của cha ông, tưởng nhớ và tôn vinh vị tướng Phan Đà đã hy sinh vì đất nước; đồng thời thể hiện cách ứng xử, nếp sống, phong tục tập quán của địa phương.
Lễ hội đền Bạch Mã thể hiện tính cố kết của cộng đồng trong việc tham gia lễ hội, tinh thần đoàn kết, đồng đội trong các trò hội. Và trò chơi vật cù trong lễ hội ngoài việc tái hiện việc tướng Phan Đà tuyển quân, còn mang tính biểu tượng sâu xa về phong tục thờ Mặt trời của dân cư nông nghiệp trồng lúa nước.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Bạch Mã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2969/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-den-bach-ma-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a24793.html