Hai cây đa 2 cổ thụ trong khuôn viên đình Ngọc Liễn ở Vĩnh Phúc được công nhận cây di sản Việt Nam

Sáng 28/2, tại thôn Ngọc Liên, xã Liên Hoà, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chính thức công bố quyết định và trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 2 cây Đa trong khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Đình Ngọc Liễn.

dinh-ngoc-lien-1677560997-1677569063.jpg
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết: Nước ta đã công nhận gần 1000 cây di sản từ Bắc chí Nam. Hai cây đa tía (có tên khoa học Ficus bengalensis) gần 200 tuổi nằm trong khuôn viên đình Ngọc Liễn được công nhận là cây di sản bởi giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị lịch sử; đặc biệt là giá trị về nguồn gen thực vật trong hệ sinh thái mà cây mang lại.

Trở thành cây di sản Việt Nam, hai cây đa tía góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích và nhân dân địa phương cần tiếp tục bảo vệ cây, bảo vệ tài nguyên môi trường khu di tích cũng là bảo vệ cho cuộc sống cộng đồng.

Về di tích lịch sử văn hoá đình Ngọc Liễn nơi có hai cây đa gần 200 tuổi, cụ Thủ từ Tạ Văn Hùng cho biết: Hai cây đa trong khuôn viên đình đã gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây nhiều năm và cũng nơi sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng của người dân địa phương hàng trăm năm nay. Nhiều sự kiện văn hóa của địa phương đã diễn ra dưới hai gốc cây này.

dinh-ngoc-lien2-1677560997-1677569045.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm, hình ảnh hai cây đa và mặt tiền của đình Ngọc Liễn

Đình Ngọc Liễn thờ các vị Thành hoàng làng là An Bình Công chúa, Thượng đẳng Phúc Thần và 4 Sơn thần Khảo sơn, Miu sơn, Lái sơn và Vương sơn. 6 vị thần trên có công hộ quốc, an dân giúp nhân dân phát triển kinh tế. Đình được được xây dựng vào khoảng những năm 40 của thế kỷ 19, đến năm 1963 do ảnh hưởng của chiến tranh đình bị hư hại nhiều và chỉ còn lại một gian thờ nhỏ và 7 đạo sắc phong (vua Tự Đức 3 đạo, vua Khải Định 2 đạo, vua Duy Tân 2 đạo), các bài vị thờ các vị thần. Đến năm 2003 đình được tu bổ tôn tạo lại bằng nguồn đóng góp của nhân dân dựa trên nền tảng cũ theo kiến trúc thời Nguyễn có hình chuôi vồ 3 gian hai trái và hậu cung.

dinh-ngoc-lien1-1677560997-1677569146.jpg
Thủ từ Tạ Văn Hùng (bên phải) trao đổi với phóng viên

Tổng diện tích của đình khoảng hơn 200m2 trong khuôn viên hơn 2000m2 của di tích. Với giá trị về văn hoá, năm 2006 đình Ngọc Liễn đã được tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Tiệc chính của đình diễn ra trong 3 ngày từ 9 - 11/2 âm lịch hàng năm.

Anh Tú

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hai-cay-da-2-co-thu-trong-khuon-vien-dinh-ngoc-lien-o-vinh-phuc-duoc-cong-nhan-cay-di-san-viet-nam-a24785.html