Lễ hội Làng Vạc lần thứ XXIV năm 2023 được diễn ra từ ngày 26 - 28/2 (tức ngày 7 - 9/2 Âm lịch). Phần lễ gồm các nghi thức như rước vạc, rước trống đồng, đại tế. Phần hội là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian sôi nổi.
Lễ hội nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống hiếu nghĩa của các thế hệ con cháu với tổ tiên, tăng cường mối đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đồng thời giữ gìn, bảo vệ Khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc ngày càng tốt hơn; phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh của thị xã Thái Hòa.
Làng Vạc - tên của một địa danh được gắn liền với đời sống văn hóa dân gian của cư dân nơi đây từ bao đời nay, không ai biết có tự bao giờ.
Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian cho biết: Làng Vạc gắn liền với sự tích “Cái Vạc tám quai” có thể luộc được cả một con trâu hay nấu cơm đủ cho hàng trăm người ăn.
Chuyện kể rằng thời xa xưa, vào một năm, mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt người dân được mùa lớn, dân làng xóm Đình nghĩ rằng nên tổ chức Lễ Hội để bái tạ trời đất, tổ tiên. Vị già làng đêm, ngày trăn trở, ngày mai tổ chức Lễ hội không biết lấy vật dụng gì để có thể nấu đủ cho cả dân làng ăn. Vào một đêm trước ngày diễn ra Lễ hội, có một cụ già đến báo mộng với già làng rằng: Sáng ngày mai, hãy ra ngoài đầm phía trước làng thắp hương khấn nguyện sẽ có đồ cho dân làng sử dụng, nhưng sử dụng xong thì phải đem giả lại đầm...
Sáng hôm sau già làng ra đầm và thắp hướng khấn vái, bỗng nhiên có cái Vạc tám quai nổi lên mặt nước, người dân cùng nhau khiêng Vạc về Làng và tổ chức lễ hội. Lễ hội xong dân làng lại khiêng Vạc tám quai ra đầm giả, Vạc từ từ chìm xuống đầm. Cứ như vậy, năm này qua năm khác cứ trước ngày diển ra Lễ Hội, Vạc tám quai lại nổi lên để dân làng rước về sử dụng… từ đó có tên là đầm Vạc, Làng Vạc. Ngày nay theo truyền thuyết trên, người dân trong vùng vẫn tin và lưu truyền cho nhau rằng: Cái Vạc tám quai vẫn còn nằm sâu dười lòng hồ đập Đại Vạn, cách khu xóm Đình, xóm Làng - khu di chỉ làng Vạc khoảng chừng 300m.
Về với Lễ hội Làng Vạc, bà con nhân dân và du khách còn được thưởng thức các chương trình văn hóa – văn nghệ, cồng chiêng đặc sắc, thi người đẹp Làng Vạc; các hoạt động thi đấu thể thao sôi động, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co (nam - nữ phối hợp); ném còn (nam - nữ); cờ thẻ nam; các trò chơi đậm chất dân gian được tái hiện như: Nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo… Du khách cũng được tham quan các nhà trại, các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã Thái Hòa.
Du khách Lễ hội Làng Vạc còn được tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, lâm viên Bàu Sen và một số điểm đến khác như: Siêu thị Vincom, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồi hoa xuân Thái Hòa… Tất cả đã được các cấp, ngành, địa phương ở TX. Thái Hòa chuẩn bị, kết nối để du khách đến với Lễ hội Làng Vạc sẽ được tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái ở trung tâm vùng Tây Bắc Nghệ An.
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-khai-hoi-lang-vac-lan-thu-xxiv-nam-2023-a24779.html