Trần Đăng Khoa – gã phù thuỷ chữ đùa rỡn với thượng đế và thánh thần

Dông dài về văn xuôi Trần Đăng Khoa cho thực kĩ càng và thấu đáo, có khi phải viết hàng chục vạn chữ, bởi toàn bộ văn xuôi Trần Đăng Khoa là một mảng không nhỏ, không thể thiếu trong đời văn của lão. Đó là một vệt khá đậm đà không hề giống bất cứ ai trên văn đàn suốt cả trăm năm qua.



Trần Đăng Khoa (Ảnh Internet)

Bấy lâu nay, nói tới Trần Đăng Khoa, người ta hay nhắc tới sự vinh quang mà thuở nào cậu bé thần đồng này đã gặt hái được. Điều đó cũng có lý khi những bài thơ thuở ấy của Khoa như nhiều hồi chuông dóng dả ngân nga giữa cánh đồng Bắc Bộ. Những tiếng chuông pha nhiều vàng ròng thường có độ vang rất xa và rất lâu. Thơ Khoa thuở ấy, bây giờ vẫn được nhiều thế hệ nhớ và tìm lại đọc. Lại nhớ thuở ấy, thơ Khoa cất lên kịp thời đúng vào lúc khi mà đất nước đang chiến tranh, dân tộc cần những người con ra trận bảo vệ tổ quốc. Thơ của một cậu bé nom vẻ ngoài sền sệt quê mùa, lại hồn hậu mà tinh anh, chất chứa bao hình ảnh, âm thanh, sắc màu, mùi vị đồng quê, xưa nay vốn đã quá thân thương quen thuộc với người Việt. Từ những bài thơ trong veo ấy, vô tình đã nuôi nấng, làm giàu thêm tình yêu quê hương và tăng thêm sức mạnh, lòng dũng cảm cho mỗi người ra trận. Thơ Khoa tác động rất mạnh đến nhiều tầng lớp, lứa tuổi, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, sinh viên, cả đội ngũ những người lính từ thời chống Pháp cũng ngơ ngẩn trước thơ cậu. Và, chính từ những áng thơ dân dã đồng mùa của cậu Khoa ngày ấy, người ta thêm yêu làng quê. Bởi tình yêu đất nước, quê hương của con người, sắc tộc nào chẳng vậy, vốn xuất phát từ những điều bình dị thân quen nhất. Nó là đất đai, là cây cỏ, là làn sương, tia nắng, cơn mưa, cua cáy, hay con sông, bóng cau, con đò gắn bó với tuổi thơ của mỗi người... Tình yêu, là cái gốc bền vững nhất, vươn nhành toả bóng tạo ra sức mạnh mỗi dân tộc. Chính sức mạnh ấy tiềm ẩn ở vùng thẳm sâu nhất trong tâm hồn con người, trong từng cá thể, khi được vun bén khơi dậy, đã tạo ra sức mạnh và tầm vóc lớn lao của cả dân tộc, làm nên nhiều điều kì diệu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khó và tiến tới cuộc đại thắng 1975, gom non sông về một mối, đất nước hòa bình và độc lập.

Nhìn lại giai đoạn này, nhà văn Sương Nguyệt Minh có nhận xét  rằng, nhiều bài thơ của cậu Khoa, đâu còn là của thiếu nhi, dù cậu viết lúc lên 8, 9  tuổi. Có nhiều tư duy, ý tưởng, hệt một người lớn đã có những suy nghĩ thấu đáo về đất nước và con người. Điều nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận ra ấy, tựu chung ở tầm tư tưởng trĩu nặng trong nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa. Ở Khoa, cái tài và cái tâm đã cho thơ anh giầu tính tư tưởng mà không khô cứng, vẫn giữ được cái trong trẻo hồn hậu của tâm hồn. Nói tâm hồn tuổi thơ làm nên sự trong sáng của thơ Khoa thửơ ấy cũng được. Nhưng tôi ngẫm kĩ, đọc lại, thì cái chất trong trẻo, giầu tính tư tưởng, không chỉ phát xuất, mọc ra, phát lộ ở tuổi thơ, mà sự phát tiết ấy vốn ở linh cốt trong tâm hồn người Việt. Trần Đăng Khoa là con nhà nông, tầng lớp một nắng hai sương gắn bó với đồng quê làng mạc đồng bằng Bắc Bộ thân thương bao đời nay, cũng là sự sống trong cái nôi văn hóa tộc Việt, một vùng đất giầu chất thơ mộng ở ca dao tục ngữ, ở lục bát, ở Kiều và trăm ngàn những điều khác để con người ta thêm yêu mà sinh sôi...Vùng quê ấy đã ban cho đứa con của nó đích thị là những tinh hoa trong cội lõi văn hóa, hay nói đúng hơn là những tầng sâu văn hóa Việt đã thấm sâu, hun đúc, phát lộ êm ả chảy, chứa chan tình cảm trong con người cậu mà làm ra thi ca của thi sĩ Trần Đăng Khoa.

Đã nhiều nhà phê bình viết về thơ Trần Đăng Khoa, nên trong bài viết này, tôi không nói thêm về thơ cậu Thần đồng hay người lính Trần Đăng Khoa  nữa. Cho dù, sau thời kì rực rỡ ở tuổi ấu thơ, anh vẫn tiếp tục làm thơ và có nhiều bài thơ hay, nhưng một mảng rất quan trọng của đời một người cầm bút, nay đã sắp lục tuần, tôi muốn nhắc tới nghiêm túc và cẩn trọng, đó là những sáng tác văn xuôi của anh.

Văn xuôi Trần Đăng Khoa như thế nào?

Điểm lại, sự xuất hiện ở lãnh địa văn xuôi Trần Đăng Khoa, có những tác phẩm quan trọng là:

- Chân dung và đối thoại - Phê bình tiểu luận, bút ký, chân dung văn học.

- Đảo chìm -Tiểu thuyết mini

- Hầu chuyện thượng đế- tập hợp nhiều bài tản văn, tạp văn , tùy bút, chân dung văn học.

Ấy là chưa kể Người thường gặp, một cuốn tạp văn, báo chí. Nhưng tôi coi đây chỉ là cuốn sách đệm. Tôi chỉ bàn những tập văn xuôi tiêu biểu nhất của anh.

Chân dung và đối thoại xuất hiện cách đây hơn hai thập kỉ và ngay từ khi xuất hiện, cuốn tiểu luận, pha tạp luận đã làm rung động, tạo ra cơn bão dư chấn trên văn đàn. Bán ngay vài vạn bản, nó lập tức vượt ra khỏi bờ cõi nước Nam, gây sự chú ý đến kinh ngạc cho bạn đọc, giới văn chương người Việt, bất kể những xu hướng chính trị khác biệt ở hải ngoại. Người ta làm hẳn một cuộc luận bàn rất đông để xẻ thịt tác phẩm này tại tòa soạn Tuần báo Văn nghệ và rầm rĩ trên mạng. Không một ai đứng ra bênh vực Trần Đăng Khoa trong cuộc hội thảo ấy, khi anh không còn là cậu bé nữa. Trần Đăng Khoa sau khi khiêm tốn nhận “khuyết điểm“, lại dõng dạc tuyên bố, đại ý: Anh rất cám ơn mọi người đã lé mắt đến cuốn sách này, lại có lòng ném nó vào lửa. Nếu là vàng mã, nó sẽ bùng cháy rồi tàn lụi, nhưng nếu là vàng ròng thì không thể cháy mà càng thiêu hủy càng sáng lên...

Ngày nay đọc lại Chân Dung và đối thoại người ta vẫn bị cuốn hút bởi một cái giọng riêng, một giọng điệu đầy tính cách thẩm định văn học, hoàn toàn không giống ai. Khoa có cái nhìn phải nói là tinh quái của một người sáng tác văn chương, lại dám chỉ ra những góc khuất của văn chương đương đại. Tác giả đã không kiêng kị nhiều tác giả lớn, đã định hình, được đánh giá rất cao trước đó. Tôi cho rằng, Chân dung và đối thoại là cách nhìn tỉnh táo và công bằng nhất về văn chương khi thẩm định lại những giá trị đã bàn tới một cách xuôi chiều mà thiếu cái nhìn có chiều dài lịch sử và chiều rộng của những định tính văn học. Nó bình và phê không xu phụ. Nó bao quát được khá nhiều hiện tượng văn học, qua những tác giả và tác phẩm cụ thể, không bằng yêu ghét mang tính cá nhân mà rất khách quan. Trên những văn bản cụ thể của đối tượng nghiên cứu, tác giả đã đánh giá nó bằng chính vẻ đẹp đích thực của văn chương mà nó có. Những tiêu chí cần và đủ có tầm khái quát lớn không còn phụ thuộc vào sự giáo điều hay thời thế chính trị. Chân dung và đối thoại thực sự là một cuốn sách phê bình xuất chúng, không chỉ là cách nhìn đã làm sáng tỏ khác lạ thêm với các tác giả và tác phẩm mà cuốn sách chỉ ra. Nó thành công hơn khi tránh khỏi sự khô cứng của nhiều nhà phê bình hàn lâm trước đó; với một phong cách phê bình rất riêng, giầu chất uymua và sức phát hiện đến độ tinh quái, Chân dung và Đối thoại cuốn hút người đọc bởi trong nó còn có khá nhiều trang văn xây dựng chân dung tác giả và phân tích tác phẩm, đề cập đến cả thân phận tác giả rất cảm động, làm người đọc rớt nước mắt, ví như những trang viết về nhà văn Phù Thăng và tác phẩm của ông v.v...

Văn chương có hai vấn đề nội dung và hình thức, cả hai đều đạt được hiệu quả đặc biệt, lại gây lan truyền cảm xúc cho bạn đọc say mê từng dòng của nó, hoặc tự cật vấn đi cật vấn lại những vấn đề cuốn sách nêu ra,  thì hẳn là cuốn sách phê bình ấy xuất chúng.

Cho tới nay, đọc lại Chân dung và đối thoại vẫn thấy hấp dẫn và thú vị, nhiều vấn đề thuộc về văn học nước nhà trong cuốn sách đề cập chưa cũ, lại đã được thực tế ngày càng soi tỏ. Thời gian chính là thước đo khách quan nhất để cân đo xác định giá trị của tác phẩm mà Trần Đăng Khoa với tài năng và trí tuệ của mình đã tạo được một cuốn sách tuyệt vời.

Đảo chìm một cuốn tiểu thuyết mini xuất sắc.

Đảo chìm là cuốn tiểu thuyết ngắn, nếu tính lượng chữ, nó chỉ như một truyện ngắn viết dài. Cuốn sách xuất bản từ 1980 và, cho tới tận năm nay 2015 nó vẫn được tái bản, nối bản, có năm đến vài lần, sau nhiều năm vẫn tiếp tục tái bản lại được Khoa sửa chữa cho văn bản càng tinh vi hơn.

Tôi đọc Đảo chìm lần đầu tiên khi Khoa năm 2001 mang sang tận Đức tặng. Đọc trong khi bán hàng, trên một con phố thuộc thành phố nhỏ Teltow, giữa trời âm 15, 20 độ C; khi ấy, quanh tôi băng tuyết ngút ngát, trắng trời. Khách thưa vắng, tôi đọc say mê tới độ khi khách mua hàng tới cất tiếng hỏi chủ quán, tôi mới giật mình đứng dậy buông sách bán hàng cho họ. Ngày hôm ấy, tôi đã khóc rất nhiều khi đọc Đảo chìm. Sau này, ngờ rằng, vì xa quê hương, nên tâm thế khi đó như vậy. Nhưng không phải, hai lần sau, tôi đọc lại nó tại Hà Nội. Sau quãng cách 15 năm, Đảo chìm vẫn làm tôi xúc động như thế, vẫn nhiều lần phải bỏ sách xuống cho tình cảm lặng đi, để mà đọc tiếp.

Đảo Chìm là câu chuyện kể về các chiến sĩ hải quân giữ đảo. Những câu chuyện nhỏ, được bàn tay tài hoa xâu chuỗi gắn kết thành một chuyện dài.  Câu chuyện về hòn đảo nhỏ, có những nhân vật cụ thể, từ tướng lĩnh đến anh lính đều là người thật việc thật; cả vật thể cụ thể như cái lều bạt, sàn boong tàu, cái giường tầng, ba lô, tới  sinh vật như con lợn v.v...được gắn kết mà làm nên thiên truyện về một hòn đảo lênh đênh nhỏ tí tẹo tẻo teo giữa trùng khơi: Đảo chìm.

Trần Đăng Khoa với Đảo chìm đã không chỉ vẽ ra, không chỉ mô phỏng một hoàn cảnh sống khắc nghiệt đầy hy sinh của chiến sĩ nơi đảo xa, mà quan trọng hơn là thái độ sống của họ, sự suy nghĩ ứng xử của họ với nhau, và với thiên nhiên . Trong Đảo chìm nhiều câu chuyện, sự việc đều xoáy sâu làm nổi lên rất rõ tinh thần trách nhiệm của các chiến sĩ giữ đảo – từ tướng đến binh sĩ. Trần Đăng Khoa đã dựng nên một khung cảnh rất kì vị và lạ lẫm. Một vùng biển xa, cái đảo rất nhỏ, lại chìm sâu dưới nước. Nghĩa là chưa có đảo, thì còn có chuyện gì để nói. Vậy mà lại có bao chuyện. Mà chuyện lại hấp dẫn, hàm chứa những ý tưởng sâu xa, với bút pháp câu và chữ tinh quái, biến vật và người trở nên sống động, hiện ra rất rõ, mồn một trước mắt bạn đọc. Không phải chỉ là sự khắc họa những con người, vật thể cùng thiên nhiên rất hóm, mà Đảo chìm còn là một cuốn sách rất hấp dẫn, khai thác từ những điều tưởng như nhỏ bé hoặc không có gì đáng nói. Như một ngôi nhà lớn xây lên từ cát, kết dính nó lại thành một tổng thể, một vẻ đẹp đến mê hoặc là tài năng và tình yêu của tác giả, một nhà văn thực sự hiểu thấu linh hồn của con người và sự vật.

Nếu lấy độ dầy, cốt truyện hay số lượng các nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết kinh điển để so đọ thì  có người  sẽ nói cuốn sách chưa phải là tiểu thuyết. Ở đây còn thiếu cả những cao trào và mâu thuẫn giằng xé.

Nhưng nhờ tài năng rất đặc biệt của Trần Đăng Khoa, Đào Chìm đã tạo nên một cuốn sách bề thế về nghệ thuật và tư tưởng. Nói riêng nơi ở của Hai Ùm thôi, nếu một người non tay nghề, thì dường như ở nơi trống không ấy, trên là trời dưới là nước, một cái lều bạt bé xíu giữa biển, có lẽ chả có gì để viết, mà viết cũng nhạt phèo. Nhưng chỉ ở cái khoảnh nhỏ đủ duỗi chân thôi, Khoa đã dựng nên bao chuyện cười đến chảy nước, mà rồi lại xót xa quặn thắt. Nhiều sự vật và sự việc với những người viết khác tưởng như quá sơ sài, nhạt nhẽo, song với đôi mắt quan sát kĩ lưỡng tinh tế, Khoa vẫn tạo nên những trường đoạn cuốn hút, làm ra cái đặc sắc nhất là từ khoảnh sống bé đến không đủ một cái duỗi chân, tác giả nhìn thấu ra linh hồn của nhân và vật. Nhìn rõ tâm hồn anh lính Hai Ùm, Tư Xồm, chính trị viên Thuận. Nhiều chương như vậy, với sở trường, sở đoản như vậy, đã giúp cho cuốn sách liên tục cuốn hút, hấp dẫn.

Đảo chìm đứng được, vững vàng  trong biển cả văn chương bây giờ, nhờ ở cái duyên kể chuyện, ở giọng kể không lẫn vào bất kì một giọng văn nào, đây là một thế mạnh ít ai có được trong văn xuôi nói chung.

Đọc Đảo chìm tôi hay liên tưởng tới nghệ thuật sắp đặt: có một hòn đảo chưa thành đảo, một cái chòi bạt lênh đênh giữa mây nước, trên đó có một nhà họa sỹ sắp đặt có tên quen thuộc là Khoa; gã đã bầy ra các chiến sĩ và vị tướng cùng súng ống và nhiều vật dụng giản dị, ít ai chú ý.... Tất cả, người và vật ấy đều trở thành những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ hết sức điệu nghệ và tinh vi. 

Điều thứ hai tôi muốn nói về Đảo chìm liên quan tới nghệ thuật viết tiểu thuyết hay nói chung là văn xuôi, bao gồm cả truyện ngắn. Nhiều nhân vật ở Đảo chìm có thật. Song công chúng không cần nhà văn nếu anh ta bê tất cả sự thật vào trang sách. Đảo chìm được tác giả pha trộn giữa sự thật trần trụi với một sự thật khái quát. Và rồi một sự thật mới lại được tạo dựng ở những sự thật đơn lẻ trong đời sống có tính chắt lọc. Điển hình thứ nhất là đoạn vị tướng với anh lính. Ở trường đoạn này, Khoa bịa hoàn toàn một cảnh huống cho vị tướng và binh sĩ gặp gỡ, đối thoại. Nhưng dù bịa, nhiều người đã sống với tư lệnh hải quân vẫn nhận ra những nét rất khái quát về tính tình, cách nói năng giản dị chan hòa của vị đô đốc hải quân này. Ở đây nghệ thuật - bút pháp xây dựng nhân vật đã ở vị thế kinh điển bậc thầy, lại vói giọng điệu đầy hài hước mang âm hưởng dân giã, quê mùa, tạo nên một chương như một đoản văn cực kì thú vị. Người đọc bật cười chảy nước mắt với những đoạn đối thoại như hai cha con, chả còn phân cực trên dưới, kiểu nhà binh quan cách của Tướng và lính. Nó tạo ra một âm hưởng rất sâu sắc, khắc chạm tinh thần của một đội quân vì nhân dân, từ nhân dân mà ra, khi họ đều là những nông dân khoác áo lính. Nó càng gây xúc động hơn khi từ những điều nhỏ mọn, chi tiết lặt vặt đến phi lí như xúc cát giấu đảo, mà rồi gói trọn vào đấy điều thiêng liêng nhất của dân tộc, trách nhiệm và tình yêu khi nhân dân trao cho người lính gìn giữ từng tấc đất, từng mét biển đã thấm máu của tổ tiên.

Điển hình thứ hai là tác giả xây dựng hư cấu trong dãy những nhân vật có thật cũng rất khéo léo gây ám ảnh, ấn tượng mạnh. Ví dụ như nhân vật con lợn chẳng hạn. Sự thật trên đảo chỉ nuôi chó. Nhưng chó thì thường quá, chứ lợn mới là lạ. Con chó người nuôi chính để canh nhà, con lợn nuôi để thịt. Khi con lợn đặt trong hoàn cảnh thiếu thốn thực phẩm ghê ghớm ở đảo, nhưng khao khát tình cảm, khao khát đời sống tình thần còn lớn hơn nhiều, vì thế con người ta bộc lộ rõ ràng nhiều mặt nhất thuộc về bản năng và bản ngã. Chính vì thế người đọc dở cười dở khóc khi Trần Đăng Khoa mô tả con lợn nghệ sĩ với bao nhiêu tình huống khóc cười. Con lợn lại mang tên Nàng An Ta Ra Mê  Na đã không phải chết để no cái dạ dầy của chiến sĩ làm nên cái kết có hậu khá hợp lý. Sự tạo dựng có chủ ý sâu sắc như thế, vừa nói lên cái tình của người lính, dám vượt qua bản năng bình thường, với nhu cầu bình thường ở một hoàn cảnh không hề bình thường. Chính trường đoạn này, thông qua câu chuyện người với lợn, đã phản ánh cái tình của con người trong những hoàn cảnh trớ trêu, người lính nơi giữa muôn trùng sóng gió đói con người, đói tinh thần còn hơn cơn đói thịt, đói rau. Mặt khác, trường đoạn này cũng phản ảnh những khó khăn vật chất trên đảo, gói trọn điều nặng trĩu trên đảo xa: Sự thiếu thốn tình cảm của người lính đảo lớn hơn rất nhiều so với sự thiếu thốn về vật chất. Với cách xây dựng nhân vật đầy dụng tâm dụng ý như thế, Trần Đăng Khoa đã rung lên ở mỗi người đọc, trong sâu thẳm con người nhiều nỗi niềm, tạo ra các cung bậc để đủ xúc động mà khơi gợi thêm lòng nhân ái. Đây cũng vừa là nghệ thuật diễn cảm, diễn ngôn của tiểu thuyết, vừa là thi pháp vừa là mục tiêu, cái đích cần nhắm cao nhất của văn chương: bồi đắp vun trồng Tính người  trong xã hội phức tạp, tha hóa hôm nay. Và, Trần Đăng Khoa đã làm được điều đó một cách tinh tế và sâu sắc, chỉ trong một cuốn sách không dài, đã chọn con đường rất thông minh để đóng góp cho văn học, một dạng tiểu thuyết sinh động và tề chỉnh mà không giống với bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào. Nhà văn không chối từ hiện thực. Chúng tôi hay nói đùa rằng Bịa như thật. Điều đó làm nên tính thuyết phục. Nó là sự thật còn cao hơn cả sự thật.

Khoa là phù thủy của văn chương, của con chữ cũng là như thế.

Hầu chuyện thượng đế: 

Xuất phát từ việc giữ mục trên một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò, Trần Đăng Khoa vốn là tác giả hoạt ngôn, sắc ngọt chữ, để một thời gian rất dài, anh viết cho nhiều đối tượng, giải đáp làm rõ ra nhiều vấn đề liên quan tới văn chương và xã hội.


80 bài viết với hơn 430 trang sách, trả lời các câu hỏi của độc giả, Trần Đăng Khoa đã tung hoành ngang dọc, rất biến ảo, không kiêng kị bất cứ đề tài nào mà độc giả quan tâm. Từ câu chuyện mua sắm riêng tư, tới tình yêu, rồi bếp núc văn chương, đến cả sự mua bán rồi những chuyện chỉ để thỏa mãn sự tò mò, những câu chuyện tưởng như thọc mạch, tếu táo mà Trần Đăng Khoa không nề hà. 

Đọc nhiều bài trong Hầu chuyện Thượng Đế, tôi nhớ lại khá nhiều cuộc  nói chuyện ở trong nước và  ngoài nước của Trần Đăng Khoa, ở đâu cũng vậy, cử tọa nhiều giai tầng, kể cả khi ứng đối với những người hoàn toàn khác về quan điểm, Trần Đăng Khoa là con người không chỉ thông minh có tài ứng biến, anh là người rất hài hước và sử dụng nhuần nhuyễn cái chất uymua trong sự dẫn dụ của mình để chinh phục người nghe. Nhưng khi nào cũng vậy, ở những đoạn quan trọng nhất, vẫn lại là kẻ có trái tim nồng hậu và chân thành, chính vì thế, dù câu hỏi có hóc hiểm tới mấy, vấn đề có nhậy cảm đến đâu, Khoa vẫn hóa giải được ngon lành, có khi lại biến thành một trận cười đứt ruột mà chả ai trách được anh. Điều này thiên hạ không phải ai cũng làm được.


Nói như thế để thấy một trong những đặc tính đáng chú ý của văn xuôi Trần Đăng Khoa, đặc biệt là khả năng vận dụng khá tài tình một trong những đặc tính văn nghệ dân gian của người Việt là tính hài hước, uymua; là khả năng dẫn sự phúng dụ rất khôi hài trong đời sống dân dã. Cho nên dù bàn tới bất cứ đề tài nào, ngọn bút của Khoa cũng luôn tận dụng cái vốn dí dỏm của mình để chủ mục con người ta hướng về cái thiện. Ở vài đề tài đụng chạm tới cả chính trị và thời sự, Khoa cũng chả ngại ngần, vạch ra cái non nớt và yếu kém của bộ máy quản lí, nhưng dù phê phán thế nào, anh vẫn có trách nhiệm của nhà văn với đất nước và bạn đọc. Những ý kiến gan ruột chân thành và từ tốn không làm ai giận anh cả.

Nhưng chủ đạo và quán xuyến suốt trong tập sách bề thế này vẫn là nhiều vấn đề bàn về văn học, nghệ thuật. Những kiến thức cơ bản nhất, cần thiết nhất của nghề viết ở văn học khi bạn hỏi về thi ca của anh và của các thi sĩ khác, ví như Từ cách cắt nhịp trong ( thi ca- chữ NVT) bài thơ mưa, đến Chỉ cần thay một chữ, thậm chí xê dịch một dấu phẩy , cả bài thơ có thể đổ sụp v.v... Nhưng Hầu chuyện Thượng Đế quan trọng nhất là loạt bài chính bàn về những vấn đề lớn của văn học nghệ thuật trong những bài phác họa chân dung các văn nghệ sĩ và loạt bài quanh tác giả tác phẩm cụ thể nào đó bạn đọc đưa ra về những tên tuổi có giá trong nền văn chương đương đại. Loạt bài này có thể nói nó gối tiếp Chân dung và đối thoại, phát huy hết sở trường của người viết không những chỉ ở  những kinh nghiệm mà còn là sự dầy dạn, lại thông minh dí dỏm, sắc sảo tới độ tinh quái về nhiều vấn đề.

Đọc kĩ loạt bài quan trọng tôi nói trên, Trần Đăng Khoa ở nhân vật nào cũng đưa ra được một đoạn hay một câu sắc lẹm. Và chính ở những đoạn văn ấy người ta nhận rõ ra chân dung riêng biệt của một tác giả nào đó, có khi là tinh hoa của cả đời văn...Phải chăng đấy chính là Chân dung đích thực cần mô tả, cần vẽ ra khi chạm vào một con người hoạt động nghệ thuật. Đúng là một cách thẩm định văn  chương hoàn toàn không giống ai. Ví dụ như khi viết về Nguyễn Duy: Lục bát của Nguyễn Duy vừa phóng túng, vừa ngang tàng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ, với một bút pháp điêu luyện. Nguyễn Duy là người có công làm mới thể thơ truyền thống này. Nhưng khen thế Trần Đăng Khoa vẫn chỉ ra: Nguyễn Duy làm khác mình đi,ông thử nghiệm viết một loạt bài “thơ bụi“. Nhưng đó là sở trường của Bùi Chí Vinh chứ không phải thế mạnh của ông...Viết như thế đã quả là tài, nhưng còn tài hơn, lại thêm chút hài hước, phúng dụ, Khoa viết: Với tập thơ Bụi, quả văn chương Việt Nam có thêm được một ít bụi, nhưng lại mất một nhà thơ đặc sắc Nguyễn Duy. Ví dụ nữa, khi Trần Đăng Khoa viết về nhà văn trẻ người Đức Fallko Hennig. Tôi có biết nhà văn này, anh ta là lứa trẻ đột ngột xuất hiện đình đám ở Đông Đức ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Chúng ta hãy nghe anh bạn trẻ này phát biểu về Lỗ Tấn: “Lỗ Tấn là một lão phù thủy. Ông ta vừa đi vừa phun sương mù. Chính sương mù đã tạo ảo giác làm nên sức hấp dẫn của ông ấy. Đọc Lỗ Tấn, tôi luôn có cảm giác mình đi trong sương. Phía trước cứ lờ mờ một cái gì đấy. Thế là minh cứ bám riết, cứ đuổi theo. Đuổi mê mải. Khi ra khỏi màn sương, mới hay là nó cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Lỗ Tấn rất giỏi tạo ảo giác.“

Khoan hãy nói ai đã nói câu nói trên, Chính Trần Đăng Khoa hay Khoa ghi lại lời của Fallko Hennig? Nhưng rõ ràng đoạn văn trên rất ấn tượng và ám ảnh. Nó gợi mở cho một cách nghiên cứu về Lỗ Tấn khác với giới Hàn lâm. Trần Đăng  Khoa đã viết những đoạn trên, dù lời của người khác nữa thì nhận định về Lỗ Tấn như thế, quả cũng là tài. Và, cách nói này, sự nhận xét về nhiều tác giả văn nghệ sĩ từ Tố Hữu tới Nguyễn Tuân hay Nguyễn Khải, Lê Lựu v.v...Trần Đăng Khoa thế nào cũng có những đoạn làm người đọc giật mình như thế.

Hầu chuyện Thượng Đế có nhiều nhận định sắc lẹm của Trần Đăng Khoa. Những đoạn như vậy nhiều lắm. Kể cả những bài rất ngắn, tưởng như rất bông phèng như bài : Không phải cứ suống rượu là thành thi sĩ, cũng có dăm ba câu lóe sáng ngỡ ngàng cho bạn đọc khi Khoa kể chuyện cái tài Nam Cao khi kể chuyện Chí Phèo đến nhà Tự Lãng uống rượu. Chúng uống say đến bò lê bò càng trên sân, Chí còn vếch mặt Tự Lãng soi lên trăng mà hỏi: Người ta đứng lên bằng cái gì? Khen Nam Cao tài rồi, Trần Đăng Khoa lại hạ tọet một câu: và cụ Nam Cao cũng chỉ mượn cái hơi rượu của Chí mà nói ra thôi. Tôi đọc câu này mà phì cười. Sự thật sao mà nghiệt ngã. Nhưng cách nói của Trần Đăng Khoa thì dù có thế nào cũng không thể giận được. Bạn đọc yêu mến Nam Cao, cho đến cả cụ Nam Cao nếu có đội mồ sống dậy, cũng chả giận được anh, thậm chí có khi cụ còn khen: Tài! Tài đến thế là cùng. Tiên sư thằng Tào Tháo!

Dông dài về văn xuôi Trần Đăng Khoa cho thực kĩ càng và thấu đáo, có khi phải viết hàng chục vạn chữ, bởi toàn bộ văn xuôi Trần Đăng Khoa là một mảng không nhỏ, không thể thiếu trong đời văn của lão. Đó là một vệt khá đậm đà không hề giống bất cứ ai trên văn đàn suốt cả trăm năm qua. Vệt sáng tạo ăm ắp tiếng cười dân gian ấy, không phải ai cũng có. Hiếm vô cùng. Đã thế, lão Phù thủy này lại rất cẩn trọng và cực kì chi tiết chăm chút cho từng từ ngữ, từng câu văn của mình, mà làm nên  một Trần Đăng Khoa chả phải vừa đâu ở văn xuôi. Đấy là cách nói ở ngôn ngữ thông tin điện tử thời nay. Tóm tắt lại văn xuôi của Trần Đăng Khoa có lẽ chỉ mấy từ này chăng: Một nhà văn sắc sảo, thâm thúy đến sâu sắc và tinh tế. Gã phù thủy của từ ngữ sắm vai hề cung đình, hề dân gian. Lão cứ nhảy tanh tách lên mặt chữ mà đùa rỡn với cả Thượng Đế và Thánh Thần.
 
Ngọc Hà, 7 - 2015
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tran-dang-khoa-ga-phu-thuy-chu-dua-ron-voi-thuong-de-va-thanh-than-a2475.html