Tiền Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt Di tích Chiến thắng Ấp Bắc

Di tích Chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân tỉnh Tiền Giang nói riêng và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Nơi đây đã và đang được các cấp, các ngành bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

a634646747-1676559092.jpg
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm Di tích Chiến thắng Ấp Bắc.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA

Di tích Chiến thắng Ấp Bắc là di tích hàm chứa những giá trị lịch sử sâu sắc, là nơi ghi nhận, tái hiện và minh chứng cho sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu, chiến công oanh liệt của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo các tư liệu được Bảo tàng Tiền Giang tổng hợp, Chiến thắng Ấp Bắc đã cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tại Hội nghị ngày 7-9-1962 thành một cách đánh có hiệu quả của lực lượng vũ trang cách mạng trong việc đối phó với những chiến thuật “tân kỳ” mà Mỹ - ngụy thực hiện ở miền Nam Việt Nam.

Qua đó nói lên sự vận dụng tốt nghệ thuật tiến công tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và chính trị của quân và dân ta, đã giúp Trung ương Cục phát động cao trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” và được quân dân miền Nam hưởng ứng nhiệt liệt trong việc đẩy mạnh thế chiến lược tiến công, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn trên chiến trường; làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Diệm ngày càng sâu sắc, dẫn đến việc Mỹ giật dây cho bọn tướng lĩnh thân Mỹ tiến hành đảo chính, giết chết anh em Diệm - Nhu vào tháng 11-1963, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của ngụy quyền trung ương, mở đường cho quân dân ta ở miền Nam tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân cả nước. Báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu xác định Di tích Chiến thắng Ấp Bắc là di tích trọng điểm để xây dựng thành điểm du lịch hấp dẫn. Cần tuyên truyền, phổ biến cho các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Phát huy tốt vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo các quy định của Nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa”.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VHTT&DL TỈNH VÕ PHẠM TÂN

Tại đây, quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận” và “Thiết xa vận” mà Mỹ - ngụy tự hào sẽ “nuốt tươi” Cộng sản. Qua đó đã ghi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Đánh giá về ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Ấp Bắc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Ấp Bắc là chiến công đặc biệt quan trọng, không chỉ đó là một thắng lợi lớn về quân sự, mà điều quan trọng hơn nữa là chiến công đó mở ra một cục diện mới, tạo ra một điển hình mới, đem lại lòng tin cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam, để tiến lên giành thắng lợi từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng ở Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Thật vậy, từ các tư liệu lịch sử cho thấy, đất nước ta là một quốc gia mang nhiều giá trị lịch sử dân tộc hào hùng khi quá khứ đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược để có thể bảo vệ nền độc lập như hiện nay.

Chiến thắng Ấp Bắc là một điển hình, có ý nghĩa lịch sử quan trọng không chỉ đối với nhân dân tỉnh Tiền Giang, mà còn có ý nghĩa đối với toàn miền Nam. Thắng lợi này không những chứng tỏ quân và dân ta ở miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh thắng Mỹ về quân sự trong “Chiến tranh đặc biệt”, mà còn tạo ra nhiều tiếng vang trên thế giới, nâng cao danh thế của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam. Qua đó để lại nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cho thế hệ mai sau.

THỰC TRẠNG

Với những giá trị lịch sử, ngày 7-1-1993, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Để tạo nơi đây thành điểm tham quan chiến trường xưa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Ấp Bắc vào dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Ấp Bắc 2-1-1993.

Cuối năm 1994, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng lại toàn bộ khu di tích với diện tích 6.513 m2. Cùng nhiều hạng mục khác như: Tượng 3 Chiến sĩ Gang thép, làm hàng rào, trồng cây tạo cảnh quan xung quanh khu di tích khang trang, sạch đẹp.

Công trình đã hoàn thành vào cuối năm 1997 và đã được đưa vào sử dụng. Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được khánh thành vào ngày 2-1-1998, nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Ấp Bắc. Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ấp Bắc, khu di tích một lần nữa được trùng tu, tôn tạo, xây dựng khu mộ 3 Chiến sĩ Gang thép và trải nhựa đoạn đường dài 10 km từ Quốc lộ 1A đến di tích.

Hiện nay, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Bảo tàng tỉnh Tiền Giang quản lý và đã thành lập Tổ quản lý Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc gồm 7 người (1 tổ trưởng và 6 nhân viên trông coi, chăm sóc và phục vụ khách tham quan). Năm 2008, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tu bổ, tôn tạo di tích (giai đoạn 2) với diện tích 10.899,6 m2 bao gồm các hạng mục: Khu quảng trường; Nhà trưng bày tài liệu hiện vật liên quan đến trận đánh năm xưa.

Năm 2013, tỉnh tiếp tục tôn tạo hạng mục khu tái hiện căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954 - 1975 trong khuôn viên rộng 7.725 m2. Ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc vào tuyến tham quan với các cụm di tích Quốc gia khác ở huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và kết hợp với du lịch sinh thái trên sông ở Khu du lịch Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.

Theo Sở VHTT&DL, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc có giá trị văn hóa sâu sắc. Hằng năm, cứ đến ngày 2-1 và vào các ngày kỷ niệm, lễ lớn của đất nước và của tỉnh Tiền Giang, các đoàn thể, cơ quan, ban, ngành tỉnh và địa phương tổ chức đoàn về thăm, tìm hiểu Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, nhằm ôn lại những sự kiện lịch sử, kỷ niệm một thời chiến đấu với những chiến công oanh liệt góp phần tạo nên lịch sử hào hùng của Tiền Giang nói riêng và sự nghiệp cách mạng của cả nước nói chung, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đến nay, sau ngày Chiến thắng Ấp Bắc đã có nhiều hoạt động và các công trình kỷ niệm Chiến thắng Ấp Bắc đã được xây dựng và đặt tên như: Báo Ấp Bắc, đường Ấp Bắc, Trường THPT Tư thục Ấp Bắc (TP. Mỹ Tho), Trường Tiểu học Ấp Bắc, Trường THCS Ấp Bắc (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy)… nhằm ghi dấu, lưu giữ, phát huy, tôn tạo và tiếp tục kế thừa những giá trị lịch sử mà Chiến thắng Ấp Bắc còn lưu lại.

ab-25646-1676559135.jpg

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

Chiến thắng Ấp Bắc là chứng tích lịch sử gắn với phong trào đấu tranh chống phá “ấp chiến lược” trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích là một tổng thể công trình kiến trúc có quy mô, được xây dựng và bố trí một cách hài hòa, hợp lý với các hạng mục kiến trúc tái hiện lại hoạt động, chiến công của quân và dân ta trong trận chiến Ấp Bắc thắng lợi. Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 - 2-1-2023), Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết: Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt các giá trị của Di tích Chiến thắng Ấp Bắc cần phải có sự đầu tư đúng mức và đồng bộ của các cấp, các ngành có liên quan trong định hướng phát triển về kinh tế, văn hóa. Trước hết, ngành VHTT&DL tập trung tham mưu lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, nhất là sau khi được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể sẽ tiến hành lập các dự án thành phần, chi tiết về trùng tu, tôn tạo; phục hồi di tích; phục hồi và tái hiện trận đánh gắn với di tích; tiếp tục quy hoạch và mở rộng diện tích đất đai; xây dựng hạ tầng giao thông; cải tạo cảnh quan và môi trường sinh thái của di tích…

Tiếp tục xây dựng kế hoạch sưu tầm các hiện vật liên quan đến di tích, nhằm trưng bày, giới thiệu, khai thác và phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu tham quan, về nguồn, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Di tích Chiến thắng Ấp Bắc.

Chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các thuyết minh, hướng dẫn viên để phục vụ tốt việc tìm hiểu, tham quan, học tập... của nhân dân và du khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các giá trị tiêu biểu, độc đáo của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các ấn phẩm, đặc biệt là sách giới thiệu về di tích.

Theo Báo Ấp Bắc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tien-giang-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-cap-quoc-gia-dac-biet-di-tich-chien-thang-ap-bac-a24714.html