Khi con người bắt đầu cất tiếng khóc chào đời đã được cha mẹ dạy cho cách thức dệt vải bằng cách làm một khung dệt nhỏ xíu đặt vào tay cô con gái hay cây ná xinh xắn đặt vào tay cậu con trai cùng bao lời nhắn gửi trong lễ khai tâm. Đến tuổi cập kê, bó củi hứa hôn sẽ là tiêu chí để mọi người đánh giá sự đảm đang, khéo léo của người con gái; chiếc gùi được đan tinh xảo, đẹp mắt sẽ là bằng chứng về sự trưởng thành của người con trai. Và đến khi con người giã từ cuộc sống, những cột nhà mồ, những ngôi nhà mồ, những tượng mồ… lại là nơi trú ngụ của linh hồn, lại đồng hành với linh hồn người chết về với thế giới của tổ tiên ông bà.
Rừng gần gũi là vậy nhưng đối với người Tây Nguyên, rừng còn là nỗi ám ảnh dị nghĩa. Người ta thường nhắc nhở nhau “không được đi vào rừng khi đêm xuống” hoặc khi vì một lý do nào đó không thể trì hoãn, người ta thường đặt một chiếc lá khô lên đầu khi đi ra ngoài vào ban đêm hòng che chở cho linh hồn không bị các thần làm hại. Rừng không chỉ là nơi cư trú của cây cỏ và muông thú, mà rừng còn là nơi cư trú đặc biệt của các Yang. Trong tư duy “hiện thực huyền ảo” của mình, người Tây Nguyên luôn tin rằng khắp nơi đều có Yang ngự trị. Con người tự sáng chế ra những nỗi hoảng sợ và các thần linh cũng như những phương cách hoá giải thần linh và trừ tà. Vì vậy, trong bất cứ công việc gì, từ chặt cây làm nhà cho đến dựng nhà, từ phát rừng làm rẫy cho đến dựng kho thóc, từ ngả cây làm quan tài cho đến đẽo tượng nhà mồ, cột nhà mồ… người Tây Nguyên đều phải thực hiện những nghi lễ hiến sinh để cầu xin sự an lành, “tạ tội” với thần linh hay thậm chí là sự “đánh lừa” các vị thần.
Người già trong làng thường cất giữ trong ký ức của mình những câu chuyện huyền thoại về các vị thần rừng, những sự trừng phạt khủng khiếp đối với những kẻ ngạo mạn dám diễu cợt thần linh, những kiêng kị để tránh làm phật lòng thần, những thực hành truyền thống để duy trì sự bền vững, trường tồn của cộng đồng. Tính chất lưỡng đôi khiến rừng vừa trở nên gần gũi lại cũng đầy huyền bí, vừa hữu ích nhưng cũng không hoàn toàn vô hại.
Cuộc sống của người Tây Nguyên luôn gắn với không gian thiêng của rừng.
Với người Tây Nguyên, khi bắt đầu tìm đất lập làng mới cũng là lúc người ta tìm cho làng của mình khu rừng thiêng, nơi đó hoặc là khu rừng đầu nguồn nước, rừng trên chóp núi để giữ nước, chống xói mòn với những câu chuyện được thêu dệt về nữ thần Nước xinh đẹp làm cho con người lạc lối trong rừng bằng giọng hát mê hồn của mình; hoặc là khu rừng dùng làm nghĩa địa chung của cả làng mà người Tây Nguyên vẫn quen gọi là “rừng ma” - nơi chẳng mấy ai bén mảng tới. Người ta sợ linh hồn của người chết, nhất là chết dữ, quẩn quanh nghĩa địa sẽ làm hại những ai xâm phạm vào thế giới riêng của nó.
Rừng thiêng với tính thiêng bao bọc quanh nó nên con người thường kiêng dè không dám vào đấy chặt phá hay đốt rừng làm rẫy cho nên đó thường là những khu rừng nguyên sinh, những khu rừng già khó đoán tuổi. Người Tây Nguyên vẫn truyền nhau những kiêng kị như không được xâm phạm đến rừng thiêng và không được chôn chung nghĩa địa với làng khác, khu rừng thiêng dùng làm nghĩa địa phải nằm thấp hơn khu đất làng. Nếu vi phạm, cả cộng đồng sẽ phải nhận lấy sự trừng phạt ghê sợ từ thần linh, hoặc đau ốm bệnh tật, hoặc những tai nạn chết người… Từ những quan niệm và cách hiểu như vậy nên rừng của người Tây Nguyên luôn được bảo vệ cẩn thận vì nó gắn với ông bà tổ tiên, gắn với sinh mệnh, với sự trường tồn của cộng đồng. Bảo vệ rừng, với đồng bào, vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ thiêng liêng.
Có thể thấy rằng với cách “thiêng hóa” những cánh rừng, người Tây Nguyên từ ngàn đời nay đã xây dựng được mối quan hệ bền vững với tự nhiên. Điều đó đã thể hiện nét độc đáo trong cách thức ứng xử văn hoá với môi trường, trong cách thức trao truyền những tri thức bản địa truyền thống cho những thế hệ kế tiếp. Đấy chính là chiều sâu cơ bản của văn hoá Tây Nguyên.
Hiện nay rừng Tây Nguyên đang mất dần, những khu rừng thiêng không còn dáng vẻ thâm u của nó, rừng đang bị khai thác và xâm hại không theo quy luật khai thác và bảo vệ mà mang nặng tính phá hoại, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sự sinh tồn của tộc người. Rõ ràng khi rừng không còn; khi rừng đang ngày một xa con người thì văn hoá rừng ngày một nhạt nhoà trong tâm thức con người. Để bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên thì cằn cỗi chính là bảo tồn không gian văn hóa, không gian sinh tồn của các tộc người. Như vậy sâu xa hơn chính là việc khôi phục lại đất rừng, khôi phục lại những cánh rừng, khôi phục lại tính thiêng của rừng trong tâm thức của chính những tộc người bản địa. Chỉ trên cơ sở đó cội nguồn văn hoá tộc người mới hồi sinh. Làm được điều này, không ai khác chính là những chủ thể văn hoá nơi đây. Chính họ mới là chuyên viên thực sự của nền văn hoá của chính mình. Chỉ có họ mới xác định được nó là gì, hiểu mình phải làm gì và nên như thế nào. Ý thức được tầm quan trọng của rừng sẽ giúp họ có thái độ tích cực với tài nguyên rừng, với những gì thân thiết gắn với cuộc sống của họ.
Trung Thị Thu Thủy
Theo Làng Việt Online