Sân nhà lưu niệm còn lưu giữ bốn mộ phần của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vợ và ông bà thân sinh của ông. Bên trong nhà lưu niệm cũng sơ sài, khó có gì lưu giữ khách ở lại lâu hơn được. Những điểm tham quan ở Bạc Liêu cũng tiện một tuyến đường. Anh tài xế cho biết, tất cả những chỗ tôi muốn đi cứ theo lối ấy mà tịnh tiến: Vườn chim Bạc Liêu, Vườn nhãn Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán, Tượng Phật Bà Nam Hải... Từ nhà lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu rẽ vào Vườn chim Bạc Liêu cũng không xa là mấy, nhưng thấy hoe hoắt, chim đâu chẳng thấy mà người cũng không. Bảo vệ không cho vào vì lý do đang mùa khô, sợ cháy rừng nên cấm du khách tham quan.
Tôi lấy lý do là nhà báo đi thực tế viết bài, hứa chỉ vào ngó một cái rồi quay ra ngay. Tôi không hút thuốc lá. Yên chí không lo tôi vô tình làm cháy cả vườn chim. Nhưng đi dạo một vòng mới thấy dân Bạc Liêu hay khách du lịch, dù có đang mùa cháy rừng hay không cũng chẳng thiết vào Vườn Chim. Nhìn trước ngó sau chỉ thấy mỗi rừng cây xơ xác và những con kênh cạn nước. Chim có vài con bồ nông được nhốt trong chuồng. Nhà cửa, cảnh quan bỏ hoang, hỏng gãy. Tôi nghĩ rằng các nhà làm phim bây giờ có làm lại "Đất rừng phương Nam" hay bất cứ bộ phim nào lấy bối cảnh những đồng lúa Bắc Bộ ngút mắt với cánh cò chao liệng chắc phải dùng kỹ xảo điện ảnh. Bởi từ bắc chí nam, những vườn chim vườn cò dần dà biến đâu mất hết lũ chim, chỉ còn lại vườn. Báo chí từng nhắc đến những vườn cò ngoài bắc bị các chủ đất khoanh lại lấy cớ là bảo vệ cò nhưng thực chất là mở nhà hàng thịt cò để phục vụ... khách đến ngắm cò. Chim chóc là của trời đất, chứ của riêng ai đâu mà giữ, nên mới ra nông nỗi Vườn chim Bạc Liêu chỉ còn là một mẩu quảng cáo thơ mộng.
Một điểm tham quan nữa chỉ tồn tại trong quảng cáo là vườn nhãn cổ hàng trăm năm tuổi. Những cây nhãn sai trĩu quả để người nhàn tản nằm mắc võng dưới bóng râm thơm mùi nhãn chín giờ được đốn đi làm quán bánh xèo. Do nhãn bị rớt giá vì nhiều lý do nông nghiệp, người ta đốn nhãn cổ để bán củi nhãn. Thế vào đó là hàng loạt quán bánh xèo mọc lên ở khu vườn nhãn, thành đặc khu bánh xèo. Nhiều hàng, nhưng duy chỉ có quán A Mật là ngon nhất. Ai cũng bảo thế. Tôi gọi hai chiếc bánh xèo ở nhà A Mật. Bánh quả là ngon, ngon hơn ở món cùng loại tôi đã ăn ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Lúc sáng tôi đã thử một đặc sản nữa của Bạc Liêu là bún bò cay, giống như bún ăn với thịt bò kho. Vị không ngon lắm. Có lẽ so với Sóc Trăng thì ẩm thực Bạc Liêu ít phong phú hơn.
Khác với sự đông đúc cầu cúng và hàng quán ở tượng Phật Bà Nam Hải, chùa Xiêm Cán tĩnh lặng trên đường vào Vườn Nhãn. Một trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất mà tôi từng được biết. Kiến trúc Khmer, dù nhà hay chùa đều có một hành lang thông thoáng chạy vòng quanh để trong gian thờ lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng như cung điện, chứ không âm u, huyền bí giống chùa phía bắc. Chùa Xiêm Cán khá xa trung tâm, tận 15 cây số, nhưng vẻ đẹp của công trình tôn giáo cũng thực bõ công du khách đi đường xa mà chiêm ngắm. Và tôi không hề tin lời anh lái ta-xi khi anh ta cười mỉm nói về tỉnh nhà: "Khách đến Bạc Liêu chỉ một lần chắc không muốn quay lại lần thứ hai!".
Di Li (Nhân Dân)