Theo già làng A Muông (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) già là một trong nhưng người trực tiếp nhìn thấy con vật kỳ dị, mình phủ lớp lông mỏng màu xám, có tiếng hú kinh người mà dân làng Mô Rai gọi là “người rừng không đuôi”.
Buổi sáng ám ảnh của trai bản
Kể lại câu chuyện từng giáp mặt “người rừng không đuôi”, đôi mắt già A Muông (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) lộ vẻ đăm chiêu, hoảng sợ về ký ức kinh hoàng khi nhìn thấy một nhóm con vật lạ mà lần đầu tiên trong đời ông nhìn thấy.
Theo già A Muông thì đó là một buổi sáng tinh mơ cách đây hơn 20 năm. Hôm ấy, già A Muông cùng với các chàng trai của làng Le dậy sớm tìm đường vào khu rừng già để tìm cây song tốt về làm vật dụng gia đình.
Già A Muông kể lại giây phút mà già và nhóm thanh niên trong làng đối mặt với "người rừng không đuôi". Ảnh: Hương Diễm
Rừng già buổi sáng âm u, hoang lạnh, sương vẫn chưa tan trên những ngọn cây cao tít tắp, sương ướt đẫm đôi chân trần của nhóm người đi rừng. Bỗng không gian tĩnh lặng của khu rừng già xã Mô Rai vang lên tiếng hú kinh dị của sinh vật lạ.
Tiếng hú ấy không giống tiếng người đi rừng gọi nhau, không giống tiếng hú của các loài thú giữ như người làng Le vẫn quen thuộc. Tiếng hú ấy khiến nhóm người đi rừng do già A Muông dẫn đầu sởn tóc gáy, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng những người trong đoàn.
Hoảng sợ, nhưng óc tò mò khiến những thành viên trong đoàn muốn tìm đến nơi phát ra tiếng hú để xem đó là thứ gì. “Lúc đó, tôi đã họp những người trong đoàn lại để thống nhất xem có nên tìm đến nơi phát ra tiếng hú không, mọi người đều đồng ý và chuẩn bị vũ khí là gậy gộc bám gót chân nhau tìm đến nơi phát ra tiếng hú”, già A Muông nhớ lại.
Sau khi thống nhất, nhóm thanh niên do già A Muông dẫn đầu từng bước vén cây rừng tiếp cận bãi cây song nơi phát ra tiếng hú. Từ xa, nhóm ngưới đã nhìn thấy giữa bãi cây sông có một nhóm sinh vật lạ có mặt hao hao giống người, vóc dáng nhỏ bằng một thiếu niên Rơ Mâm, cao khoảng hơn một mét, người có lông màu xám và không có đuôi, đi bằng hai chân như con người đang dùng tay để chẻ cây song rừng lấy lõi ăn.
Già A Muông quyết định dẫn các bạn rừng tiếp cận gần hơn với nhóm sinh vật lạ. Khi khoảng cách chỉ còn hơn 20 m thì nhóm sinh vật lạ trên phát hiện ra nhóm người. “Phát hiện ra chúng tôi, chúng tụm lại nhe những hàm răng sắc nhọn lao về phía chúng tôi tấn công. Hoảng sợ, chúng tôi đã bỏ chạy tán loạn, không có ai bị thương trong lần giáp mặt ấy ”- già A Muông nói.
Sau sự việc, già làng Le liền tiến hành họp cả làng để báo cho bà con làng biết. Mọi người trong làng Le đều thống nhất là khi đi rừng phải tránh xa khu có những cây song. Phụ nữ vào rừng phải đi từng nhóm, có trai làng mang theo vũ khí đi cùng. Khi đi, phải mang theo tù và, phòng khi phát hiện con vật lạ thì báo cho cả làng được biết mà có biện pháp ứng phó.
Giải mã bức màn bí ẩn
Những lo lắng về “người rừng không đuôi” trong đồng bào Rơ Mâm làng Le tiếp tục tăng lên khi mà có hai người trong làng đi rừng nhưng không trở về. Dân làng đi tìm nhiều ngày nhưng không thấy, hàng loạt các cuộc họp diễn ra ở nhà Rông phân tích nguyên nhất mất tích của hai người làng đi rừng.
Lúc đó có ý kiến cho rằng do “người rừng không đuôi” bắt mất và bắt là để ăn thịt. Ý kiến ấy được nhiều người làng Le gật gù tán thành. Từ đó không một người dân làng Le nào dám bén mảng lên núi Chư Mom Ray nữa. Cứ khi mặt trời xuống núi là nhà nào, nhà nấy then cài, cửa đóng. Đám người lớn không dám ngủ, đốt lửa trông trẻ con cho đến tận sáng.
Sự việc còn tệ hại hơn khi những con vật trong nhà như gà, dê, lợn bỗng dưng bị mất sạch với những vệt máu dài. Thế là, dân làng đinh ninh thủ phạm của những vụ bắt gà, lợn chính là “người rừng không đuôi”. Chẳng còn ai dám nuôi con vật gì nữa.
Già A Muông cho biết: “Lúc đó, già làng họp dân, đề ra phương án ban ngày cắt cử một đám thanh niên tự vệ trông trẻ con ở nhà rông, đêm đến một đám khác đốt lửa bảo vệ làng. Nhờ vậy dân làng Le mới được sống bình yên. Nhưng cũng thật lạ, từ đó người dân làng Le không còn gặp người rừng nữa. Buôn làng trở về những ngày tháng bình yên, mọi người lại nuôi con thú để tăng gia sản xuất”.
Thời gian trôi qua, chuyện về “người rừng không đuôi” cũng lắng dần. Dân làng Le lại rủ nhau vào rừng hái măng, nhưng không ai dám đi một mình. Tuy không còn cuộc gặp nào với “người rừng” nữa, nhưng tất cả mọi người vẫn tin ở nơi nào đó trong cánh rừng bạt ngàn kia vẫn có sự tồn tại của “người rừng không đuôi” với lời đồn bắt con người về ăn thịt.
Ông A Dối- Trưởng làng Le nói về những đồn đoán "người rừng không đuôi". Ảnh: Hương Diễm
Ông A Dối - Trưởng làng Le cho biết: “Đúng là chuyện về “người rừng không đuôi” tồn tại trong đời sống của người Rơ Mâm từ mấy chục năm nay. Người dân vẫn tin trong cánh rừng già trên núi Chư Mom Ray kia có tồn tại “người rừng không đuôi”.
Theo ông A Dối thì sự thật về sự tồn tại của “người rừng không đuôi” như thế nào thì vẫn còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ. “Còn chuyện người rừng bắt con người về ăn thịt chỉ là sự suy đoán, không có bất cứ một bằng chứng nào. Theo cá nhân tôi, thì rất có thể hai người làng bị mất tích trong rừng là do nhiều nguyên nhân”, ông A Dối, Trưởng làng Le khẳng định .
Ông A Dối phân tích là hai người mất tích trên có thể bị mất mạng do ngã xuống vực sâu, do hổ vồ hoặc rắn độc cắn. Vì khu rừng quá rậm rạp nên không ai tìm thấy xác của họ. Thứ hai là do họ không con yêu đất làng Le nữa, không còn yêu đồng bào Rơ Mâm nữa nên đã âm thầm rời làng. Sợ bị phát hiện nên họ đã chọn cách đi theo đường rừng.
“Dù gì thì những câu chuyện liên quan đến người rừng cũng đã xảy ra lâu rồi, khó mà biết thực hư thế nào. Bây giờ, vào mỗi dịp hội hè, uống rượu là người Rơ Mâm lại lấy chuyện đó ra kể với nhau tới sáng, cho nên cứ tưởng câu chuyện còn mới mẻ như ngày hôm qua vậy”, ông A Dối cho biết.
Ông Rơ Châm Hỷ - Phó Chủ tịch HĐND xã Mô Rai khẳng định là câu chuyện về người rừng xảy ra đã lâu, không rõ thực hư. Tất cả mọi chuyện chỉ được truyền miệng, có khi đã được thêm bớt. Theo vị Phó Chủ tịch xã Mô Rai thì: “Núi Chư Mom Ray hoang sơ, con người ít đặt chân đến, núi có nhiều thú dữ và đặc biệt là có những đoạn dốc đứng nguy hiểm. Cũng vì khu rừng còn nhiều người chưa từng đặt chân đến, cho nên có sự tồn tại của các loài vật quý hiếm giống với miêu tả của đồng bào nơi đây”.
Theo Gia đình & Xã hội