Đất lành thờ Phật
Chùa Dơi nằm trong khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Chùa có tên thật là Wathserâytêchô - Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer). Về sau người Kinh và người Hoa đọc trại từ Mahatup thành “Mã Tộc” nên cũng có nhiều người gọi là “chùa Mã Tộc”. Còn dân gian gọi là chùa Dơi, bởi trong chùa có rất nhiều dơi. Trong thư tịch cổ của chùa ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng năm 1569 dương lịch, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. Như vậy, tính đến nay ngôi chùa này đã trên 400 năm tuổi.
Đến thăm chùa Dơi, du khách không thể không ấn tượng với cảnh hoàng hôn nơi đây. Khắp nơi rộn ràng tiếng dơi gọi đàn, xào xạc tiếng vỗ cánh, tạo nên không khí khẩn trương. Điều đặc biệt là dơi đi ăn suốt cả đêm, đến bình minh thì trở về nhưng không bao giờ bay qua nóc chính điện và chỉ đậu trên những tán cây của khuôn viên chùa.
Lý giải về hiện tượng dơi sinh sống ở chùa, các vị sư trong chùa giải thích là bởi trong khuôn viên chùa quang cảnh yên tịnh, con dơi thích nghi với môi trường hoang dã gần gũi với thiên nhiên, còn bên ngoài bị vây đuổi, săn bắt nên chúng không trú ngụ.
Tuy nhiên các phật tử lại nhìn thói quen và tập quán sinh hoạt của đàn dơi dưới một con mắt khác. Ông Thạch Phol ở phường 3, TP.Sóc Trăng cho biết: “Đàn dơi của chùa Dơi cũng có lòng kính Phật, bởi vậy chúng không bao giờ bay qua nóc tòa chính điện. Đó chứng tỏ chùa đã đứng chân trên mảnh đất lành để người Khmer kính Phật”.
Kiệt tác kiến trúc
Công trình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể kiến trúc chùa Dơi là ngôi chính điện. Với chiều dài 20,8m, chiều rộng 11,3m, ngôi chính điện được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1m, bao quanh là đá kết xi măng, cửa chính quay ra hướng đông.
Phần mái chính điện là một kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau, với khoảng cách nhất định. Trên 4 mái chồng lên nhau đều có trang trí hình tượng con rồng ở các góc. Hình tượng rồng của người Khmer khác với người Hoa và người Việt, đầu rồng có sừng uốn lượn, mảnh mai, thân rồng theo mô típ của loài cá Poon Co, nên rồng không có chân, trên lưng giương những đao mác nhọn, cong về phía đuôi.
Mái tiếp giáp với cột trang trí hình tượng chim Cay No, thể hiện sức mạnh như chống đỡ cả bầu trời và che chở cho con người ở trần gian. Bên trong chánh điện có tượng Phật sơn son thếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen. Ngoài tượng Phật lớn còn có nhiều tượng Phật nhỏ khác.
Trên bệ thờ được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn hình chim muông, hoa lá theo mô típ đình, chùa truyền thống của người Việt. Đặc biệt, phía dưới bệ thờ ở hai bên tượng Phật có hai họa tiết hình con dơi đối xứng nhau.
Đối diện với ngôi chính điện về hướng tây là dãy nhà Sa La (nhà hội của sư sãi), phòng của sư trụ trì, phòng khách và rải rác xung quanh ngôi chính điện là tháp đựng cốt tro người chết. Toàn bộ quần thể kiến trúc cân đối, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng… toát lên tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer.
Đến Sóc Trăng, du khách không thể không ghé thăm chùa Dơi, để vừa chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đẹp đẽ vừa thắp nén nhang lễ Phật. Đi dạo trong sân chùa, bạn sẽ thấy lòng thanh tịnh như bầu không khí linh thiêng nơi đây.
Trần chính điện chùa Dơi là một tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, được trang trí bằng những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ đang múa trên bầu trời, làm tăng thêm phần sinh động và trang nghiêm cho nội thất.
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-bi-chua-doi-hon-400-nam-tuoi-a245.html