Lễ hội Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An. Hằng năm, sau ngày khai hạ mồng 7 tháng giêng, người dân Hội An nô nức chuẩn bị ăn tết Nguyên Tiêu. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự của nhiều di tích tín ngưỡng và một số hội quán của người Hoa.
Lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa của người Việt từ rất sớm, sự giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa trong lịch sử, được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ và tổ chức các hoạt động lễ hội định kỳ hàng năm. Cho đến hiện nay, lễ hội Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố Hội An đã ban hành lịch tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa hàng năm của Thành phố, trong đó, lễ hội Nguyên Tiêu là lễ hội lớn nằm trong danh mục lễ hội của Thành phố. Ngoài sinh hoạt tín ngưỡng chính là lễ cúng Nguyên Tiêu, giỗ Tiền hiền tại các hội quán, đình, miếu, gắn liền với một số tập tục như xin xăm, xin lộc, vay lộc làm ăn, cầu tài lộc, đốt nhang vòng,… còn có một số hoạt động phụ trợ như đêm phố cổ, đêm thơ Nguyên Tiêu, hội thi hô hát Bài chòi và chúng em hát dân ca, trò chơi dân gian, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng cư dân trên địa bàn thành phố Hội An, các địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam và các khu vực lân cận như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế,…
Trải qua thời gian, các tập tục, lễ nghi trong lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An ít nhiều có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn còn bảo tồn, gìn giữ được những yếu tố cơ bản, riêng có.
Thời gian diễn ra hoạt động lễ hội Nguyên Tiêu trên địa bàn thành phố Hội An bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng, trong đó các hoạt động cộng đồng tập trung chủ yếu từ ngày 12 đến ngày 18, lễ chính vào ngày 16 tháng Giêng. Lễ cúng tế chủ yếu tại các đình làng, miếu xóm là các vị thần được sắc phong như: Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị, Thần Thiên Y A Na, Thần Bạch Mã, Ngũ Hành Tiên Nương, Thành Hoàng, Thần Phước Đức Thổ Địa, ngoài ra có Tiền hiền, chiến sĩ trận vong, âm linh… Đối với các hội quán của cộng đồng người Hoa ở Hội An, ngoài việc cúng tế tưởng niệm Tiền hiền còn cúng các vị Thần đang được thờ tại hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phục Ba tướng quân, Quan Công, Tài Bạch tinh quân… Ở các chùa, ngoài việc cúng các chư vị Phật, còn cúng vong hồn vô chủ, các vị tinh tú để giải trừ các sao hạn nặng.
Khác với nhiều nơi, lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An diễn ra trong một không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị và các vùng nông thôn phụ cận. Trong đó khu vực phố cổ với rất nhiều công trình tín ngưỡng như chùa, đình, miếu, đặc biệt các hội quán của cộng đồng người Hoa là trung tâm của nhiều hoạt động, thu hút đông đảo người dân Hội An cũng như khách thập phương đến chiêm bái.
Tại các đình làng, miếu xóm, chùa và hội quán ở Hội An vào dịp này đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ. Từ ngày 14, 15 tháng Giêng, bà con ở địa phương và một số nơi đã bắt đầu đi dâng hương, lễ Phật và các vị thần tại các chùa, đình, miếu, hội quán.
Đối với khu vực ngoài khu phố cổ, tại các đình làng, miếu xóm, dân chúng tổ chức lễ cúng đất, cầu an đầu năm, cúng tế Thần Nông, Thành hoàng làng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Tại đình Xuân Lâm - phường Cẩm Phô; đình Sơn Phong - phường Sơn Phong; đình An Mỹ - phường Cẩm Châu; lăng Trà Quân, miếu Cây Giá - xã Cẩm Thanh; đình Tiền hiền Kim Bồng - Cẩm Kim; lăng Ông An Bàng - Cẩm An… vào dịp này diễn ra lễ cầu an rất long trọng, một số địa phương có tục tống long chu trừ tà, cầu may.
Vào đêm trước buổi cúng chính, người ta thường làm lễ cáo yết, còn gọi là lễ túc để báo cáo với chư vị tiên hiền, thần thánh ngày mai làng sẽ mở hội cúng tế. Lễ vật để cúng lễ cáo yết rất đơn giản, gồm có hương đèn, hoa quả, xôi chè, bánh trái, vàng bạc, áo giấy... Các vị cao tuổi đại diện thắp hương cúng vái, không cúng tế linh đình như buổi tế chính. Ngoài các chùa Phật, tại một số hội quán của người Hoa có tục nhương sao giải hạn. Vào đêm rằm, họ mời sư thầy ở các chùa về lập đàn cầu Phật tụng kinh. Trong khi các sư thầy chủ trì tụng niệm thì các thiện nam tín nữ cùng tham gia để cúng nhương sao giải hạn, trừ tai ách, cầu mong đức Phật phù hộ độ trì cho gia đình bình an, mạnh khỏe, cầu cho quốc thái dân an. Sau cùng là tục phóng sanh.
Trong ngày tế chính, các cụ cao niên và nhân dân đều tập trung trước án thờ đã bày biện sẵn, sau khi hương khói cáo thần là thủ tục nghinh thần. Khi thủ tục nghinh thần hoàn tất là đến lễ cúng đất và cúng âm linh. Bàn thờ cúng đất được đặt trước và đối diện với bàn cúng chính, trên bàn bày hoa quả, gạo muối, hạt nổ, vàng bạc áo giấy, bộ đồ thổ thần, gà giò, heo luộc hoặc heo quay, đặc biệt có tam sên (cua, trứng, thịt heo) và văn tế âm linh. Những năm cúng lớn có làm heo hoặc cúng nguyên con heo quay, tuỳ theo từng năm. Nghi thức cúng đất, âm linh cũng đầy đủ trống chiêng, cổ nhạc và gia lễ nhưng có phần ngắn gọn. Sau khi tế âm linh xong, ban tế lễ tạm dừng nghỉ ngơi, đốt giấy, vãi gạo muối, hạt nổ,…
Sau khi nghỉ ngơi để chuẩn bị cho lễ tế tiếp theo, ban tế lễ bắt đầu lễ tế chính thức. Mỗi người đều về vị trí của mình như đã được phân công, những người khác trong làng đến tham gia cúng tế cũng đều hướng về điện thờ. Trên bàn thờ bày nhiều vật phẩm như: đầu heo, xôi chè, bánh trái, hương hoa, thịt heo, áo giấy… và đặc biệt phải có một con gà giò. Mở đầu phần tế lễ là 3 hồi chuông trống, tiếp theo là một tràng kèn trống nổi lên, các vị chánh tế, tả hữu phân hiến theo lời xướng tựu vị mà hành lễ, cúc cung, hưng bái. Đội gia lễ kẻ cầm đèn, người dâng rượu theo nhịp nhạc tiến lên phía trước trong tư thế cúng dâng, đến trước bàn thờ đặt tất cả lễ vật lên bàn rồi đi thong thả về vị trí cũ. Theo lệ cũ, một buổi cúng bao gồm ba phần như sau: Phần “Sơ hiến lễ”, phần này gần như là phần chính trong suốt quá trình cúng tế, lần này các vị chủ tế, bồi tế cũng lại tựu vị như lần trước để hành lê, cúc cung hưng bái một hồi thì đến phần độc chúc (đọc văn tế). Văn tế đọc xong được tháo ra khỏi giá, đặt lên bàn thờ chưa được đốt. Tiếp theo là phần “Á hiến lễ”, các vị chánh bái, bồi bái lại tựu vị quỳ lạy, dâng rượu lần thứ hai rồi lại lui ra theo lời người xướng. Cuối cùng là phần “Chung hiến lễ”, đây là phần kết thúc của buổi lễ tế các vị chánh tế, bồi tế tựu vị lần cuối, rót rượu điểm trà tạ thần, cúc cung hưng bái bốn lần rồi bình thân lui về vị trí cũ, tiếp đến là phần chúc (đốt văn tế và vàng mã) và lễ bái tất (kết thúc lễ tế).
Sau phần tế lễ là phần hội hè diễn ra khá sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc trưng của từng bang. Trong buổi tiệc có tổ chức múa lân, ca hát nhạc Trung Hoa, chơi xổ số trúng thưởng. Người nào may mắn được trúng thưởng thì xem như trúng được lộc đầu năm.
Ngoài những phần lễ tục, trong lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An có đặc trưng về sự đa dạng các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ khác như diễn xướng múa thiên cẩu, múa lân, hát, múa nhạc Trung Hoa, nghệ thuật sắp đặt - trang trí lồng đèn, thả hoa đăng, tống long chu… cũng được diễn ra trong lễ tết Nguyên Tiêu, đây là những tục lệ có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An trong lịch sử và được duy trì cho đến hiện nay. Đặc biệt, đêm rằm phố cổ đầu tiên của năm gắn với lễ hội Nguyên Tiêu càng thêm rộn nhịp, màu sắc với hoạt động thả hoa đăng trên dòng sông Hoài thơ mộng. Những chiếc hoa đăng bằng giấy với nhiều màu sắc được thả trôi trên dòng sông mang theo những ước nguyện của lòng người càng làm cho phổ cổ Hội An thêm lung linh, huyền ảo./.
Theo disanxanh.cinet.vn