An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê

Ngày 6/1, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động di tích quốc gia đặc biệt và triển khai kế hoạch lập hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

20161018101401-di-chi-oc-eo-gody-1-1673165130.jpg
Khu di tích khảo cổ Óc Eo. Ảnh: Báo Chính phủ

Đến dự có đại diện Cục Di sản văn hóa, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khảo cổ, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh An Giang.

Theo các đại biểu, Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là một trong di tích có giá trị quan trọng về lịch sử-văn hóa của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Trải qua 10 năm hoạt động kể từ khi di tích được chính thức xếp hạng, và qua gần 79 năm, ngày khám phá ra nền văn hóa Óc Eo Nam Bộ, lịch sử tỉnh An Giang đã ghi nhận khi xưa, tại một vùng đất thuộc khu vực núi Ba Thê đã diễn ra một số sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong hành trình khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu về một nền văn hóa mới tại vùng đất này.

Năm 1944, Louis Malleret thực hiện khảo cổ trên một gò đất cao ở cánh đồng hướng đông núi Ba Thê và từ đó tạo ra sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế tập trung vào những cuộc khám phá, tìm hiểu về một quốc gia cổ đại Phù Nam từng tồn tại Việt Nam.

Công cuộc nghiên cứu như thế được tiếp nối qua nhiều thập niên tại các di tích văn hóa Óc Eo, An Giang; đến nay, toàn tỉnh đã tìm thấy được hàng trăm dấu tích và di tích văn hóa Óc Eo, trong đó có 84 di tích ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã được kiểm kê, xếp hạng và bảo tồn, phát huy giá trị.

Các nhà khoa học khảo cổ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ dần, các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê. Và trên cơ sở đó, tỉnh An Giang được các cơ quan chuyên môn của Trung ương hỗ trợ đã hoàn thành việc lập hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới giai đoạn 1, được Trung tâm Di sản thế giới đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ đề cử vào tháng 1/2022.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của đại biểu, các nhà khoa học cho sự phát triển của văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang.

Để việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trong thời gian tới, ông Trần Anh Thư yêu cầu Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo phối hợp chặt chẽ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham mưu tỉnh triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê là Di sản thế giới (giai đoạn 2) theo Quyết định số 594/QĐ-BVHTTDL ngày 17/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

Đồng thời, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo cần khẩn trương phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh hoàn tất các hồ sơ thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng đề cương, nhiệm vụ và dự toán của hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.

Ông Trần Anh Thư cũng đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo liên quan việc khoanh vùng bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường trong kế hoạch quản lý, quản lý và sử dụng đất di tích, cập nhật ranh giới, diện tích quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học xếp hạng di tích…

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/an-giang-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-10-nam-hoat-dong-di-tich-quoc-gia-dac-biet-khu-di-tich-khao-co-oc-eo-ba-the-a24433.html