Quảng Ninh: Cần phục dựng chùa cổ Vạn Yên

Tại khu Vạn Yên, phường Việt Hưng (TP Hạ Long) còn lưu giữ nhiều dấu vết của lịch sử mà dấu ấn còn lại là ngôi chùa cổ Vạn Yên.



 Dấu tích chùa cổ Vạn Yên - Nguồn: ĐSPL

Tại khu Vạn Yên, phường Việt Hưng (TP Hạ Long) còn lưu giữ nhiều dấu vết của lịch sử mà dấu ấn còn lại là ngôi chùa cổ Vạn Yên. Hiện nay, chùa chỉ còn nền đất cũ và đã giao cho dân làm ruộng canh tác. Hiện vật có một số chân cột, bia đá đã mờ, còn cái cối giã gạo, bàn đá, thung đựng nước uống, một quả chuông.. được lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh. Theo một người dân sống lâu năm ở khu Vạn Yên cho rằng chùa có 4 gian, làm bằng gỗ, khu chùa khá rộng có cả ruộng để cấy lúa. Chùa bị phá bỏ vào khoảng năm 1976 không rõ vì lý do gì.

Giáo sư Hoàng Giáp, nguyên Trưởng Phòng Sưu tầm (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) cho biết: “Đó là chùa Vạn Yên, tên cổ là chùa Vạn Thánh, thuộc làng Vạn Yên, tổng Vạn Yên, châu Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên. Chùa được xây từ thời Lê Trung Hưng. Tổng Vạn Yên xưa rất rộng, bao gồm Yên Lượng, Yên Cư, Đại Đán, Tiêu Giao, Vạn Yên, Đồng Ho; vùng đất kéo dài từ đây đến tận thị trấn Trới sang xã Sơn Dương rồi lên mãi Hoành Mô, kéo sang tới tận Yên Lập. Làng Vạn Yên là làng đầu tổng, thường là làng lớn có sức mạnh về kinh tế văn hoá cho nên lấy tên làng làm tên tổng. Làng Vạn Yên xưa có 5 thôn, có 1 đình chính, chùa chính ở Vạn Yên, 4 thôn còn lại cũng đều có chùa, có đình nhưng không lớn bằng. Theo tôi nghĩ, có khả năng nơi đây xưa còn là phố thị sầm uất, dân cư đông đúc bởi việc giao thương buôn bán rất thuận lợi, tiếp giáp với Cửa Lục. Đã có một thời tỉnh lỵ của Quảng Yên chuyển từ TX Quảng Yên hôm nay chuyển lên đặt tại Hoành Bồ. Tôi nghĩ nếu các nhà khoa học vào cuộc làm công tác khảo cổ, biết đâu có thể sẽ tìm thấy gì đó, như đồ gốm cổ chẳng hạn…”. Bên cạnh đó, giáo sư cũng cho biết thêm: “Tôi đã đi tìm thần tích thần sắc về làng Vạn Yên. Thần tích thần sắc dễ tìm hơn do chính quyền phong kiến quản lý, từ tổng, huyện đến Bộ Lễ. Còn chùa lại không thuộc chính quyền quản lý, mà của Phật giáo, do tăng lữ lưu trữ. Ban đầu tôi cũng lo là không tìm được gì. Nhưng rất may tôi đã tìm thấy hương ước của làng được các cụ chánh tổng, lý trưởng cho chép lại vào khoảng những năm 1936 đến 1944, trước Cách mạng tháng Tám. Tài liệu này ghi chép rất cụ thể về làng xóm, thờ cúng, khuyến học và có ghi chép về ngôi chùa Vạn Thánh, tức chùa Vạn Yên sau này. Chùa có 4 mẫu ruộng giao cho nhà sư canh tác để lấy lợi tức để tổ chức các hoạt động của chùa…”

Được biết, nguyện vọng của người dân địa phương là rất mong mỏi chùa được phục dựng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Giáo sư Hoàng Giáp cũng thấy rằng nên phục dựng lại chùa Vạn Yên và giữ nguyên tên cổ là Vạn Thánh. Việc làm đó càng có ý nghĩa bởi như lý giải của Giáo sư Hoàng Giáp, hiện chưa tìm thấy trong khu vực lân cận một ngôi chùa nào có tầm vóc văn hoá xứng tầm hơn chùa Vạn Thánh. Và đây sẽ là một công trình tâm linh có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân địa phương.

Theo B.T (Di Sản Xanh)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-ninh-can-phuc-dung-chua-co-van-yen-a2442.html