Lèn Hai Vai, một danh thắng Xứ Nghệ đang dần bị mai một

Lèn Hai Vai không chỉ là một danh thắng đẹp mang nhiều huyền thoại mà còn gắn liền với lịch sử của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên do thời gian tàn phá cũng như thiếu sự quan tâm, khu di tích lịch sử này đang dần bị lãng quên.



Lèn Hai vai nhìn từ xa

Kỳ 1: Thắng cảnh đẹp của miền Trung

Cùng với con sông Bùng thơ mộng, lèn Hai Vai đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Lèn nằm trên địa phận của ba xã Diễn Minh, Diễn Thắng và Diễn Bình của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Ước tính nó có chiều dài hơn 800m, rộng 120m, cao141m. Theo lý giải của người dân địa phương sở dĩ lèn có tên như vậy là do nhìn từ xa giống hình người cụt đầu có hai vai nhô lên.


Được sự giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm gặp ông Lê Đình Minh (65 tuổi, ngụ xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) một người rất am hiểu về lịch sử lèn Hai Vai.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về danh lam thắng cảnh của quê hương mình, khuôn mặt ông ánh lên vẻ rạng ngời. Ông tâm sự: Bản thân vốn là một thầy giáo dạy sử nên ông luôn đau đáu về việc lưu giữ những di tích lịch sử của quê nhà, do đó khi có ai muốn tìm hiều về các di tích ông cảm thấy rất vui.

Vừa dứt lời ông vội đi vào nhà mở tủ lấy ra một tập tài liệu về lèn Hai Vai. “Trong quá trình giảng dạy tôi đã sưu tầm nhiều tài liệu về các di tích và danh thắng của quê hương nhằm mục đích truyền dạy cho thế sau biết về lịch sử”.

Vừa lật giở các trang sách ông Minh vừa chia sẻ: Trong cuốn du lịch Đông Dương của một tác giả người Pháp đã xếp lèn Hai Vai là một trong những danh thắng đẹp của miền Trung đất Việt. Trước đây lèn Hai Vai có rừng cây rậm rạp với nhiều chim muông, thú rừng. Mùa xuân khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, muôn hoa khoe sắc. Ngoài ra thấp thoáng dưới những tán cây xanh là những hang động có cấu trúc độc đáo gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ. 

Hướng về phía Đông Nam lèn có hang Thắt Cổ. Hang nằm ở độ cao 30m so với mặt đất. Trong hang có nhiều tảng đá với hình thù kỳ dị. Đặc biệt có khối thạch nhũ mang hình người tựa lưng vào vách đá, phía trên cổ có vân đá nổi lên, vì vậy hang có tên là hang thắt cổ. Ở độ cao 15m so với mặt đất có hang Đa. Dưới đáy hang có một mạch nước mát không bao giờ cạn. 

Nằm cách hang thắt cổ và hang Đa không xa là hang Khỏm. Hang nằm cách mặt đất khoảng 15km, cửa vào hẹp. Tại đây người ta đã tìm thấy một số bằng chứng chứng tỏ lèn Hai Vai từng là mái nhà của người nguyên thủy. Vào năm 1964, một đoàn nghiên cứu đã tìm thấy rìu đá, thực vật, xương động vật trong đó có xương người hóa thạch. Năm 1971, Ty văn hóa Nghệ An phối hợp với Trường Đại học tổng hợp và viện khảo cổ về đây và tìm thấy 1 sọ người nguyên thủy, mảnh sành, mảnh sứ và một số dụng cụ bằng đồ đá cổ…

Phía trong hang Khỏm còn có nhiều thạch nhũ, ngũ sắc long lanh đẹp mắt. Đặc biệt từ xưa người dân trong vùng thường vào hang để lấy phân về bón ruộng rất tốt.

Phía trên đỉnh Hai Vai còn có hang Tiên Động hay còn gọi là hang Thần Đồng, biểu tượng về tinh thần hiếu học của người dân huyện Diễn Châu. Hang nằm ở địa hình hiểm trở khó đi lại. Tuy nhiên bên trong lại rộng rãi thoáng mát với diện tích lên tới 30m2.

Theo truyền thuyết ngoài cửa hang Thần Đồng có một tảng đá hình tháp bút. Tháp hướng về đâu thì nơi đó có nhiều người tài giỏi đỗ đạt cao. Ngày xưa tháp bút hướng về làng Văn Tập (xã Diễn Bình ngày nay) nên trong làng có rất nhiều người học giỏi đỗ đạt. Thấy vậy làng Trung Phường (xã Diễn Minh) đã lên yểm tháp bút khiến nó quay về phía làng mình. Nhờ vậy từ đó làng Trung Phường cũng có nhiều người đậu cao trong các kì thi và làm quan to trong triều. Tuy đó chỉ là những lời đồn đại của người xưa nhưng trên thực tế hai làng Trung Phường và Văn Tập cũng nổi tiếng có số lượng người tài giỏi và đỗ đạt cao nhất trong vùng.

Theo thống kê ở làng Trung Phường ngày xưa có tới 2 người đậu tiến sỹ, 44 người đậu hương cống, cử nhân, 116 vị tú tài. Còn làng Văn Tập cũng có gần 100 vị đậu cử nhân, tú tài và 2 tiến sỹ. Hiện nay truyền thống hiếu học của hai làng vẫn còn được thế hệ sau tiếp nối. Đây là hai mảnh đất có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ và đậu đại học cao nhất huyện.


Ngoài ra người dân địa phương vẫn còn kể cho con cháu nghe câu chuyện độc đáo nhưng có thực về hang Tiên Động. Theo sử sách kể lại ngày xưa ở làng Văn Tập (Xã Diễn Bình ngày nay) có ông Nguyễn Trung Ý gia nhập vào đội quân thần tốc của vua Quang Trung đại phá quân Thanh ở Thăng Long. Sau khi vua Quang Trung mất triều đình Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long (1802), đã thực hiện chính sách trả thù khốc liệt đối với hậu duệ và tướng lĩnh từng đi theo Hoàng đế Quang Trung. Nguyễn Trung Ý phải trốn vào ở trong lèn Hai Vai. Nhận thấy hang Tiên Động là nơi có linh khí khác thường nên ông đưa con trai Nguyễn Trung Mậu lúc đó mới 10 tuổi vào ở trong hang để dạy dỗ, nuôi chí phục thù. Nguyễn Trung Mậu thông minh nên sớm nổi tiếng là thần đồng, năm 22 tuổi đã đậu cử nhân được triều đình cử đi làm quan.

Nhờ có tài năng nhiều mặt, ông Nguyễn Trung Mậu được triều đình giao phó nhiều chức vụ quan trọng và đứng đầu tới 5/6 bộ, viện nhà Nguyễn. Suốt cuộc đời làm quan ông đã có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực như: giáo dục, lịch sử, cách quản lý cai trị đất nước…Ông là một vị quan có đạo đức trong sáng, thanh liêm, là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. 

Do vậy người dân địa phương cho rằng nhờ linh khí trong hang Tiên Động nên Nguyễn Trung Mậu mới trở thành một người “kinh bang tế thế” như vậy. Do đó người dân gọi hang Tiên Động là hang Thần Đồng và lập một đền thờ ông Mậu ngay tại quê hương.

Cũng từ đây hằng năm cứ đến mùa thi cử học sinh khắp vùng lại vào hang Thần Đồng thắp hương cầu xin thần linh phù hộ làm bài tốt. Điều lạ hầu như học sinh nào vào hang thắp hương đều thi đậu.

Ngoài ra trên lèn Hai Vai còn có rất nhiều hang động khác như hang Gươm, hang Cô Tú, hang Khản…

Còn tiếp...
 
Thảo Lương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/len-hai-vai-mot-danh-thang-xu-nghe-dang-dan-bi-mai-mot-a2441.html