Nam Định: Tăng cường công tác quản lý lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định trong năm 2023 tới.

y-yen-1630110786-1672796846.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nam Định

Năm 2022, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động, linh hoạt trong tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành trong các thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như trạng thái bình thường mới, góp phần thực hiện mục tiêu kép. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh cơ bản được kiểm soát, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh tham mưu và xây dựng kế hoạch hoạt động, góp phần đưa đời sống xã hội trở lại bình thường và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực di sản văn hóa, các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy.

Cụ thể, trong công tác tổ chức trưng bày và giáo dục, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và các hoạt động kỷ niệm.

Trong điều kiện tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ngành đã tham gia trưng bày tại các địa phương trên cả nước và chủ trì tổ chức nhiều hoạt động trưng bày tại địa phương, nổi bật như: Tham gia Trưng bày Triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” tại tỉnh Vĩnh Phúc với các hoạt động: trưng bày chuyên đề quảng bá, giới thiệu di sản; trình diễn, trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực của quê hương Thành Nam tạo được nhiều ấn tượng sâu sắc trong việc tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị di sản, là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh Nam Định đối với các địa phương trong toàn quốc. Tham gia trưng bày giới thiệu di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” tại Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022.

Bên cạnh đó tổ chức Triển lãm “Không gian Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” chào mừng Sea Games 31 tại Nam Định; Tổ chức thành công Hội nghị tập huấn pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 900 đại biểu học viên là lãnh đạo, chuyên viên các phòng quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc liên quan, đại diện phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố Nam Định, công chức văn hóa xã hội, đại diện các ban quản lý di tích, trụ trì, thủ nhang, người trực tiếp quản lý trông coi di tích được xếp hạng trong toàn tỉnh.

Trong công tác xếp hạng và kiểm kê di tích, năm 2022, tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khoa học 01 di tích trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; 18 di tích trình Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Khảo sát, thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Nam Định sung 15 di tích vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, ngành sẽ tổ chức đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và một số các hoạt động kỷ niệm sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó trọng tâm là các hoạt động triển lãm, trưng bày, Liên hoan nghệ thuật Hát Văn, Hát Chầu văn các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2023.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên mục, phóng sự giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Nam Định, các điểm đến trong tỉnh góp phần quảng bá hình ảnh Nam Định tới du khách trong nước và nước ngoài.

Nam Định có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Theo số liệu kiểm kê của Sở VHTTDL, toàn tỉnh có 1.359 di tích, đa dạng về quy mô, độc đáo về kiến trúc nghệ thuật; trong đó có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt (khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh và di tích Chùa Keo Hành Thiện), 87 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 307 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, 963 di tích nằm trong danh mục kiểm kê… Trên tinh thần đổi mới, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đã góp phần tôn tạo và gìn giữ bản sắc riêng của du lịch Nam Định trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Các di sản văn hóa tại Nam Định trở thành điểm đến thu hút du khách tham quan thông qua các lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn tỉnh. Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực di sản văn hoá tới các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh. Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận, xếp hạng đã được ghi danh. Huy động các nguồn lực xã hội trùng tu, tôn tạo, phục hồi các di tích có giá trị tiêu biểu, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ, kiểm kê di sản. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước.

Theo disanxanh.cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nam-dinh-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-le-hoi-va-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-a24405.html