Tại sao chúng ta không được đọc Hồi ký của trùm mật vụ VNCH Trần Kim Tuyến?

Về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, các nhà báo phương Tây đã từng viết: Thật kỳ lạ, chưa có ở đâu chứng kiến một cuộc chiến ác liệt, lâu dài như ở đây. Nơi đó, một bên là con người chống lại, bên kia là sự hùng mạnh của vũ khí, khoa học công nghệ tiên tiến.

d4af4-1672561297-1672714249.jpg

Nhưng cuối cùng thì con người đã thắng với một kết cục không thể đẹp hơn khi thành phố Sài Gòn được giải phóng còn nguyên vẹn. Một cuộc chiến mà ở đó, tình báo nhân dân của một nước nhược tiểu lại dám đối đầu không cân sức với CIA. Họ đã thắng cuộc và trong những ngày kết thúc chiến tranh, một sự việc vô tiền khoáng hậu đã xẩy ra trong lịch sử thế giới. Cựu tình báo chiến lược của bên thắng cuộc đã giải cứu cựu trùm mật vụ của bên thua cuộc ra khỏi đất nước.

Ngày cuối cùng của cuộc chiến, 15h ngày 29/4/1975 tại Sài Gòn:

... “Người này phải được vào để bay chuyến bay này!” - Phạm Xuân Ẩn nhìn tên lính gác người Nùng đứng bên cánh cửa đã đóng của toà nhà số 22 đường Gia Long, rồi nói tiếp, tôi là người của ông Polgar, cho gọi ông ấy ra đây ngay! Đúng lúc đó, người vợ của tên lính gác đi chợ về. Cánh cửa đã được mở ra và đang từ từ kéo xuống, Ẩn một tay giữ chặt cánh cửa, tay kia đẩy nhanh Trần Kim Tuyến vào rồi hét lên:

- Chạy đi, mau lên!

Ông Tuyến ngoái đầu lại nhìn Ẩn, mắt rớm lệ rồi nói, tôi sẽ không bao giờ quên anh! Ẩn dõi theo cái bóng của Tuyến sau cầu thang toà nhà và đây là lần cuối cùng ông được nhìn thấy Tuyến trên cõi đời này. Chiếc trực thăng của Mỹ trên nóc trụ sở CIA, trong chiều 29/4/1975, ngày cuối của chiến tranh, chở những người cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn, đã đem theo cựu trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, với sự trợ giúp của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Nhiều năm sau đó, mọi người đều có suy nghĩ rằng, ông Ẩn sẽ gặp rắc rối trong vụ này?

Kể chuyện với tôi về sự giải cứu Trần Kim Tuyến của ông Ẩn, chú Tư Cang nói, ông Ẩn cứu ông Tuyến trong thời khắc khó khăn đó xuất phát từ tấm lòng của người bạn cứu giúp nhau theo cách rất quân tử của người dân Nam bộ. Ông Ẩn làm bạn với Trần Kim Tuyến và ông Tuyến là người đã giúp đỡ rất nhiều cho Ẩn trong những ngày đầu mới từ Mỹ trở về. Chính nhờ ông Tuyến mà ông Ẩn có vỏ bọc rất tốt và leo cao nhờ việc tạo dựng các mối quan hệ với giới chóp bu trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa và các quan chức của Hoa Kỳ. Nhờ đó mà ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời điểm bấy giờ, ông Tuyến là người đã bị thất sủng. Nhưng với con mắt của mình, ông Ẩn thừa hiểu sau giải phóng nếu ông Tuyến còn ở Việt Nam thì sẽ phải hứng chịu bản án rất nghiêm khắc, có khi là nghiêm khắc nhất của chính quyền mới vì những hành động của mình trong quá khứ với cách mạng. Ông Tuyến gần như sẽ chắc chắn không được gặp vợ con. Đó là điều ông Ẩn không muốn với người bạn của mình, bởi ông Tuyến là người rất yêu vợ.

Ông Ẩn đã từng tâm sự với rất nhiều người về việc cứu ông Tuyến như sau: Tôi kết bạn với ông Tuyến để thực hiện sứ mệnh tình báo của mình. Tôi hiểu ông Tuyến là người rất yêu vợ, vợ ông ấy là một người Pháp. Khi ấy, vợ con ông Tuyến đã di tản được sang Singapore rồi và bà ấy đang mang thai. Ông Tuyến bị kẹt lại vì khi đó ổng muốn chờ cứu mấy người em và bạn bè của ổng bị ông Thiệu bắt nhốt, do có ý định làm đảo chính lật đổ chế độ của Thiệu vào những giờ phút cuối của cuộc chiến. Tôi không muốn thấy đứa trẻ sinh ra không được nhìn mặt cha mà chỉ thấy gương mặt u buồn của người mẹ. Tôi cứu ông Tuyến là để cám ơn sự giúp đỡ của ông ấy cho tôi trong những ngày đầu từ Mỹ trở về. Tôi hành động như vậy để cứu bạn, dẫu có thể bị rắc rối sau này, nhưng ông ấy là bạn của tôi!

Đấy, nhân cách của ông Ẩn là thế, chú Tư nói. Ẩn kể, sau này khi ông ấy định cư ở Anh, ông Tuyến vẫn giữ mối liên hệ với ông Ẩn. Trước khi vợ ông Tuyến mất do bị bệnh, ông Tuyến có thông báo cho ông Ẩn. Ông Tuyến thuộc loại mê vợ nhất trên đời. Vợ chết, 7 tháng sau thì ông Tuyến cũng chết vào năm 1995 khi ấy ổng mới 70 tuổi, nghĩa là chừng 2 tuần trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

Chú Tư kể cho tôi vắn tắt về lai lịch của ông Tuyến như sau: ông Tuyến sinh năm 1925 tại Thanh Hoá trong một gia đình công giáo. Năm 1949, ông Tuyến lên Hà Nội ghi danh vào học cả hai trường Luật và Y của Viện đại học Đông Dương. Năm 1952, ông Tuyến tốt nghiệp trường Luật. Chưa học xong trường Y thì bị động viên đi lính nên chuyển sang trường Quân y và ổng cũng tốt nghiệp khoá đầu tiên năm 1954 với cấp bậc trung uý (tương đương y sỹ). Nhiều người ngộ nhận ông ấy là bác sỹ, nhưng thật ra ông chưa tốt nghiệp đại học Y khoa chính thức và cũng chưa bao giờ hành nghề y. Trong thời gian học ở Hà Nội, ông Tuyến kết bạn với Ngô Đình Nhu. Sau này, trong chế độ của Diệm ở miền Nam, ông Tuyến được giao chức vụ giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị - Xã hội, trực thuộc Phủ tổng thống. Thực chất đây là trung tâm tình báo chiến lược của Ngô Đình Nhu. Nhờ đó ông Tuyến có quyền lực rất cao trong chính quyền của Diệm. Năm 1962, ông Tuyến bị thất sủng và được ông Diệm cử đi làm đại sứ ở Ai Cập. Nhưng trên đường đi, tới Hồng Kông thì ở lại xin tỵ nạn chính trị, bỏ chức đại sứ ở Ai Cập. Sau đảo chính anh em Diệm năm 1963, ổng về lại Sài Gòn nhưng không được trọng dụng và làm nghề viết báo. Tuyến có cộng tác với tình báo Anh nên mới sang định cư lặng lẽ sau này ở Anh.

Ông Ẩn cũng tâm sự với nhiều nhà báo khi hỏi ổng về Trần Kim Tuyến trong những ngày cuối cùng. Ẩn nói, đầu tháng 4/1975, nhóm của ông Tuyến âm mưu làm đảo chính, an ninh của ông Thiệu cho hốt hết. Riêng ông Tuyến được ông phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo can thiệp nên không bị bắt. Những ngày ấy, ông Ẩn nhớ lại, ông Tuyến làm tôi lo đái ra máu vì sợ bị liên luỵ. Sợ bị chúng bắt và thủ tiêu, bởi tôi quan hệ rất thân thiết với ổng. Tôi không dám về nhà, ở luôn trong văn phòng của báo Times. Lúc này, tôi không nhận được chỉ thị nào của trung tâm là tiếp tục công việc lên đường di tản sang Mỹ hay ở lại. Tôi đã có thư gửi trung tâm là cho tôi được ở lại, rằng tôi cũng khá mệt mỏi, rằng đất nước đã hoà bình, mà không thấy hồi âm? Toà báo Times đã thu xếp cho vợ và 4 đứa con của tôi di tản theo chuyến bay ngày 22/4/1975. Tôi ở lại với lý do không thể bỏ mẹ tôi ở lại một mình được vì bà ấy không muốn đi khỏi Việt Nam.

Trở lại với việc ông Ẩn cứu ông Tuyến trong ngày cuối cùng của chiến tranh, nhà báo Hoàng Hải Vân khi viết loạt bài giải mã tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông đã được ông Ẩn trả lời rất thẳng thắn như sau:

Hỏi: Việc ông giải cứu ông Trần Kim Tuyến có bị cấp trên làm khó dễ không?

Trả lời: Hoàn toàn không!

Hỏi: Nghĩa là ông đã xin ý kiến cấp trên trước?

Trả lời: Không. Tự tôi làm việc đó.

Hỏi: Nhưng Trần Kim Tuyến là kẻ thù của cách mạng.

Trả lời: Tất nhiên rồi. Báo chí nước ngoài vẫn hỏi tôi như vậy. Tôi nói hết chiến tranh rồi thì không nên coi là kẻ thù.

Hỏi: Sau khi sự việc diễn ra, ông có báo cáo với cấp trên không?

Trả lời: Không. Tôi nghĩ đây không phải là việc quan trọng phải báo cáo. Khi giải phóng, an ninh của ta tìm bắt Trần Kim Tuyến, có người bảo, ông Ẩn đã đưa Tuyến đi rồi, còn đâu mà bắt?. Người Việt Nam ta vốn có truyền thống nhân đạo, khi bị xâm lăng thì đánh đến cùng, nhưng hết chiến tranh không trả thù ai.

Hỏi: Tổ chức có yêu cầu ông giải thích không?

Trả lời: Không. Không có bất cứ ai đề cập đến việc này.

Hỏi: Ngoài ông Tuyến, ông có còn đưa ai đi nữa không?

Trả lời: Có. Trước đó mấy ký giả báo Trắng Đen có nhờ tôi đưa một số người đi, toàn là đại tá, trung tá. Ngoài ra, tôi cũng giúp nhiều người khác nữa đi di tản. Có người tôi đưa đi, có người tôi chỉ cách đi.

Hỏi: Cấp trên của ông cũng không ai nói gì?

Trả lời: Không.

Hỏi: Sau giải phóng, ông Tuyến có liên lạc gì với ông không?

Trả lời: Mấy ký giả nước ngoài viết về tôi có sang Anh gặp ông Tuyến. Họ bảo, cả hai người ông tin nhất là Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn đều là cộng sản, các ông thua là đúng rồi. Tôi nghe nói ông Tuyến nghe rồi lặng thinh không nói gì. Ổng không giận và cũng không oán trách gì tôi. Cũng có người kể rằng ông Tuyến có nói: Với Phạm Ngọc Thảo giờ xét lại thì còn có thể nghĩ ông ấy là cộng sản. Nhưng với tôi Phạm Xuân Ẩn, ông ấy không mảy may để tôi nghĩ ông ta là cộng sản và những điều gì tôi biết thì ông ấy cũng biết. Vậy đó!

Vài năm, sau ngày di tản khỏi Việt nam của các tướng tá cộm cán VNCH, họ hay viết hồi ký. Những tập hồi ký như thế đã được xuất bản ở hải ngoại. Mọi người đang rất muốn được đọc cuốn tự truyện của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, người một thời hét ra lửa của đệ nhất VNCH thời Ngô Đình Diệm vì người ta được biết ông ấy đã viết xong cuốn tự truyện, đang tìm cách để xuất bản. Nhưng lạ thay, bao nhiêu năm trôi qua, cuốn tự truyện ấy của Trần Kim Tuyến vẫn không được xuất bản ở hải ngoại cho tới ngày khi ông ấy ra đi vào năm 1995. Nhiều tin đồn ở Hải ngoại nói rằng, ngày chuẩn bị cho xuất bản cuốn tự truyện đó thì ông Trần Kim Tuyến nhận được tin Phạm Xuân Ẩn là tình báo của Việt cộng và được tuyên dương Anh hùng? Ông ấy đã ngồi đọc lại bản thảo và sau nhiều ngày mất ngủ, ông ấy đã ném bản thảo cuốn tự truyện ấy vào trong lò sưởi đang đỏ lửa của căn nhà mình, vĩnh viễn chúng ta không được đọc những gì ông ấy đã viết ra.

d5af5-1672561460-1672714289.jpg

Chú Tư nói với tôi, Phạm Xuân Ẩn không những không bị làm khó dễ chuyện cứu Trần Kim Tuyến, mà ngay sau giải phóng, trong đợt phong danh hiệu AHLLVTND đợt đầu tiên, vào tháng 1/1976, ông Ẩn đã vinh dự được nhận danh hiệu đó. Ông được thăng quân hàm tới thiếu tướng và chỉ nghỉ hưu ở tuổi 75 vào tháng 2/2002.

Phạm Xuân Ẩn, ông ấy là một nhân cách rất lớn, có tầm nhìn chiến lược và sắc sảo. Hết chiến tranh rồi, hãy quên đi hận thù, khép lại quá khứ đau thương để hướng tới tương lai. Sau ngày giải phóng, ông ấy thường nói, tôi yêu đất nước tôi, nhưng tôi cũng rất yêu mến nước Mỹ vì nó đã cho tôi cách nghĩ và tư duy chính xác trong cuộc sống. Tôi mong muốn chiến tranh đã khép lại thì hai nước nên hoà giải, gác lại quá khứ, làm bạn với nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước. Rất đáng tiếc, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để rồi mãi 20 năm sau chúng ta mới thiết lập được quan hệ ngoại giao. Ông Ẩn chính là cây cầu nối tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Mỹ. Sau chiến tranh không phải ai cũng hiểu ông Ẩn. Phải là người cộng sản cao thượng có lòng vị tha thì mới dám chìa tay ra cho kẻ thù để gác lại quá khứ, cùng nhìn về tương lai.

Sau giải phóng, là nhà tình báo uyên thâm trong phân tích và đánh giá thời cuộc, ông Ẩn đã sớm nhận ra những bất cập của chính sách cải tạo tư sản, phá bỏ kinh tế thị trường ở miền Nam vốn đã có sẵn, để công hữu hoá, điều hành kinh tế theo kiểu tập trung quan liêu bao cấp, tệ tham nhũng, công thần,... Ông đã thẳng thắn nói lên quan điểm đó của mình, làm không ít người có trách nhiệm phật lòng và gây nhiều rắc rối cho ông.

Bây giờ nhìn lại, tất cả những gì mà Phạm Xuân Ẩn cảnh báo thì đều đã đúng. Chúng ta nay đã đoạn tuyệt với cơ chế bao cấp, thay đổi hoàn toàn trong vận hành kinh tế, xã hội, làm bạn với tất cả các nước, trong đó có quan hệ chiến lược với Mỹ để phát triển kinh tế và cả quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Hơn 20.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở Mỹ để tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để rồi họ dù trở về hay ở lại nước ngoài làm việc thì đều có đóng góp chất xám xây dựng quê hương. Chưa bao giờ quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ lại phát triển và tin cậy như hôm nay. Hẳn ở bên kia thế giới, ông Ẩn đã mỉm cười khi thấy Tổ quốc của mình đang thay da đổi thịt mỗi ngày như ông hằng mong muốn khi còn sống sau khi kết thúc chiến tranh. Đất nước Hoa Kỳ, nơi ông đã học tập, người ta cũng rất kính trọng ông. Họ không oán trách ông là nhà tình báo của cộng sản mà ngược lại, họ tôn vinh ông là người yêu nước, ông đã làm tất cả cho Tổ quốc của mình. Nếu là những người Mỹ chân chính trong hoàn cảnh như ông, họ cũng hành động như thế!

Cơn nắng nóng của Thành phố Hồ Chí Minh khiến tôi thầm mơ có được những cơn mưa mát rượi ngay lúc này để xoá đi cái oi ả của trời đất. Nhưng khi được ngồi bên cạnh chú Tư Cang hôm nay để nói về nhân cách của người tình báo mà chúng ta yêu mến, Phạm Xuân Ẩn thì tôi thấy thật ấm áp với lòng tự hào và kính trọng.

Chúng ta vẫn còn biết rất ít về người anh hùng này. Ông khiêm tốn, vì nghề nghiệp, nhưng cũng do ông không muốn tiết lộ nhiều bí mật vì biết đâu những tiết lộ của ông vô tình làm đau lòng những người có liên quan đang còn sống. Ông đã ôm tất cả nó vào trong lòng để đi về thế giới bên kia, để cho người còn sống hôm nay yêu thương nhau, tha thứ cho nhau và yêu mến hơn đất nước quê hương của mình. Ông và các đồng đội của mình đã sẵn sàng hy sinh để đất nước hôm nay có được hoà bình , hoà bình ấy đã phải trả bằng máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Tiễn tôi ra cửa, chú Tư Cang bắt tay thật chặt và nói:

- Tao luôn bảo vệ ông Ẩn. Nhớ nhé, ông ấy là một người cộng sản chân chính, có trái tim nhân hậu và một nhân cách lớn mà các cháu, thế hệ trẻ cần phải học tập! Không có cụm tình báo nào hoàn hảo như H.63 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, điệp viên Phạm Xuân Ẩn với vỏ bọc hoàn hảo tới ngày kết thúc chiến tranh, Cụm H.63 được tuyên dương anh hùng, 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.

Vâng, thưa chú Tư, giờ thì con đã hiểu vì sao anh hùng tình báo Tư Cang suốt đời bảo vệ PHẠM XUÂN ẨN!

Chanh Nguyen (Trái tim người lính)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tai-sao-chung-ta-khong-duoc-doc-hoi-ky-cua-trum-mat-vu-vnch-tran-kim-tuyen-a24394.html