"Trong suốt hành trình 13 năm lầm lụi vượt thác trèo non đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, những hầm mộ tập thể bao giờ cũng là nỗi ám ảnh và lấy đi của chị Năm Nghĩa nhiều nước mắt nhất. Bởi đó không chỉ là những dấu tích buốt lòng về sự hy sinh mất mát quá lớn của bộ đội ta trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc mà còn khơi gợi trong chị những cảm kích về nỗi niềm của người đã chết vẫn đau đáu hướng về người còn sống, hướng về cố hương".
Cho đến tận bây giờ, chị Năm Nghĩa vẫn nhớ như in cái đêm rằm tháng 7 năm 1999, khi lần đầu tiên trong đời, chị đào một hầm mộ tập thể với 57 bộ hài cốt ở vùng Tam Giác Sắt (Bến Cát, Bình Dương). Trước đó một tuần, trong giấc ngủ chập chờn trong căn nhà chị thuê trên đường Phạm Ngũ Lão, phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương, chị nghe thấy tiếng ai kêu gọi tha thiết: “Mau mau cứu chúng tôi đồng chí ơi. 57 anh em chúng tôi nằm dưới bụi tre già ở xã An Điền thuộc khu vực Tây Nam huyện Bến Cát. Chúng tôi hy sinh năm 1962 trong trận đánh Gò Mối. Trong lúc trú hầm chờ đợi lệnh, hầm bị dính bom, sập. Anh em chúng tôi nằm đây lâu quá rồi. Rễ tre ăn vào xương cốt chúng tôi đau đớn lắm. Mau đến cứu chúng tôi”. Chị choàng tỉnh. Nước mắt ướt đầm. Vẫn văng vẳng bên tai lời cầu cứu đến tội tình.
Nghỉ một ngày lấy sức sau chuyến đi rừng dài ngày, chị tìm đường đến xã An Điền. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, An Điền là một trong ba xã (An Điền, An Tây và An Phú) thuộc huyện Bến Cát nằm trong vùng Tam Giác Sắt. Nơi đây từng là căn cứ của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn... mà bao nhiêu cố gắng của quân Ngụy và quân Mỹ đều thất bại, lực lượng cách mạng vẫn tồn tại. Bởi vì, họ có chỗ dựa của lòng dân, họ có thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam mà địa đạo là một trong những sáng tạo độc đáo của nhân dân 3 xã Tây Nam Bến Cát, trong 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Nhà nhà đào địa đạo, người người tham gia đào địa đạo, 3 xã Tây Nam như một công trường xây dựng... Sự lao động âm thầm mà quyết liệt, khẩn trương đó của 3 xã Tây Nam Bến Cát đã đi vào những câu ca dao quen thuộc:
“Chồng vác thuổng, vợ vác leng.
Con xách lồng đèn, con cón theo sau...”
Không mất nhiều thời gian để tìm thấy bụi tre già ở An Điền bởi từ nhiều năm nay, người dân nơi đây đã có quá nhiều lời đồn thổi về những chuyện ly kỳ quanh búi tre. Vào những đêm trăng suông, nhiều người đi qua đây cứ nghe thấy tiếng dậm chân rầm rầm xen lẫn tiếng hô: “Một. Hai. Một. Hai”. Lại có đêm, có người bắt gặp mấy anh lính trẻ khoác vai nhau cười nói râm ran trên con đường làng. Cứ nghĩ là mấy anh lính trẻ trốn trại vào làng tán gái. Nào ngờ đến bụi tre thì mất hút. Cả làng chẳng ai dám bén mảng đến gần búi tre. Trời chạng vạng là khu vực quanh bụi tre tịnh không một bóng người. Vì thế, búi tre già rất to. Lá xanh rười rượi.
Chị Năm Nghĩa phải chặt cật lực ròng rã suốt ngày 6 ngày mới giải phóng hết búi tre. Một lỗ hổng lộ ra. Chị chui đầu vào, tay cầm cán cuốc huơ huơ xem hầm nông hay sâu. Ai dè, như có một bàn tay lực điền kéo mạnh cán cuốc, chị nhoài người với theo, thế là rơi tõm xuống. Hầm tối đen như mực. Chị giơ hai tay quờ quạng. Chợt giật thót mình. Toàn xương. Chị dùng cán cuốc thúc mạnh lên trên. Một chút ánh sáng lọt vào. Thế là chị moi dần, moi dần rồi chui lên. Bốn ngày sau chị mới lấy được hết đất lên vì phải nhẹ nhàng vét từng tí một. Lấy chiếc que đo chiều sâu của hầm rồi chị đo bằng gang tay, được 6 gang. Vị chi là 1,2 m.
Đêm sáng trăng, ngồi nhìn hầm xương chồng chất tầng tầng lớp lớp, chị khóc nức nở. Chị sụt sùi hỏi: “Xương cốt các anh lẫn lộn thế này thì em biết làm sao đây?”. Bỗng một đồng chí liệt sĩ nhanh nhảu bảo: “Thì đồng chí suy nghĩ đi. Làm thế nào để lấy được tên?”. Chị Năm ngồi bóp đầu bóp chán. Chợt chị nghĩ ra một cách. Cố tình nhặt một cái xương chân ở đầu hầm và một cái xương tay dài ở cuối hầm rồi vờ hỏi: “Anh ơi! Sao chân anh chân dài chân ngắn mà cũng vượt được Trường Sơn vào đây chiến đấu thế ạ?”. Liệt sĩ giận dỗi: “Sao đồng chí lại nói thế. Xương này là xương chân phải của tôi. Tôi là Nguyễn Văn An. Quê ở Xuân Trường, Nam Định. Bố tôi là Nguyễn Văn Thịnh, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Còn xương kia là tay trái của đồng chí Lê Tiến Thìn, quê ở Vũ Thư, Thái Bình. Vì đồng chí Thìn cao lắm nên đồng chí mới nhầm là xương chân của tôi”. Chị mừng quá, vội vàng lấy giấy bút ghi: Liệt sĩ Nguyễn Văn An. Số 1… Thế là các liệt sĩ học nhau. Cứ cầm đến xương của ai thì người đó xưng tên, quê quán, họ tên cha mẹ, anh em… 57 đồng chí là đủ 57 bộ xương. Nhờ các liệt sĩ cho biết địa chỉ mà chị gửi thư về thông báo cho gia đình. Một thời gian sau, nhiều người nhận được, mang thư vào nhà trọ của chị, nhận hài cốt về. Đó là chuyện ly kỳ huyền hoặc mà xúc động: chuyện người chết… đi tìm người sống.
Một hầm mộ nữa cũng khiến chị rơi nhiều nước mắt. Đó là vào mùa mưa năm 2000. Trong khi đang cất bốc 19 đồng chí hy sinh vì hầm trúng bom cho Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh, chị chợt nghe tiếng gọi: “Đồng chí ơi! Cứu chúng tôi với”. “ Các anh nằm ở chỗ nào?”. Chị Năm Nghĩa hỏi. “Chúng tôi nằm cách chỗ đồng chí đang đào 200m, bên tay phải. Trên hầm mộ chúng tôi có cây hoa sim đang nở hoa, 6 bông”. “Vâng! Các anh cứ yên tâm. Làm xong hầm này em sẽ qua thăm các anh”. Cất bốc đủ 19 bộ hài cốt, gói bọc cẩn thận, bàn giao cho lãnh đạo Bưu điện thành phố xong, chị bảo: “Thôi! Các anh chị đưa các liệt sĩ về đi. Tôi ở lại xem còn hầm nào mai tôi đào”.
Mọi người về hết. Chỉ còn mình chị. Chị bước về phía tay phải. Vừa bước vừa đảo mắt tìm cây hoa sim. Mắt chị chợt dừng lại trước sắc màu sặc sỡ của một con bướm rừng khổng lồ đang thảnh thơi đậu trên một khóm sim rừng. Chị tiến lại sát gần. Con bướm vẫn bình thản đậu, khẽ rung rung đôi cánh. Chị đếm. Một chùm hoa tròn 6 bông khoe sắc tím. Chợt có tiếng nói: “Tôi là Hoàng Thao, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát của sư 9. Hầm này có 12 đồng chí. Sọ của tôi còn có mũ tai bèo. Trong ví còn có ảnh của vợ con tôi. Tấm ảnh đứa trẻ ba tháng nằm lẫy là con trai đầu của tôi. Cháu bây giờ là đại uý, công tác ở Công an tỉnh Hải Dương. Đồng chí nhớ nhé”. “Anh yên tâm đi. Em sẽ tìm bằng được anh về với con”. Chị lôi chiếc “cuốc thần” ra đào. Đào mãi, đến hơn hai mét thì lưỡi xẻng va vào nòng súng A.K. Hai khúc xương cánh tay vẫn còn ôm lấy báng súng. Vì ngồi dưới hầm mà. Chị bỗng khóc oà lên khi cố gỡ từng đốt xương dính chặt vào đôi dép cao su đã mòn vẹt, in hằn năm ngón chân. Rất may là xương còn chắc. Vì chết ngồi nên xương cứ dựng lên. Chị cầm lay lay nhẹ rồi nhẹ nhàng rút lên từng chiếc.
Sau khi tìm xong 12 đồng chí, bọc trong vải đỏ, cho lên ba lô khoác trở về thì chị lại nghe thấy tiếng gọi: “Đồng chí ơi! Cứu chúng tôi với”. Chị đưa mắt nhìn quanh. Rừng im ắng, không một bóng người. “Các anh đang ở đâu?”. “Chúng tôi đang ở dưới gốc cao su”. “Anh tên gì nhỉ?”. “Đồng chí có đào không mà đã hỏi chúng tôi tên là gì?”. “Em có chứ. Em đến đây chỉ để đưa các anh về mà”. “Vậy thì đồng chí đào đi. Ở đây có 2 người. Tôi là Trần Tiến, quê ở Thanh Miện, Hải Dương. Một bên đầu tôi bị vỡ. Tôi ôm 2 quả pháo 82 ly. Đồng chí Phan An, quê ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá, nằm quay lưng lại với tôi. Đồng chí An ôm một đống lựu đạn. Răng hàm trên có một chiếc răng vàng”.
Chị bứng gốc cây cao su lên rồi nhẹ nhàng bới. Chị không dám dùng cuốc vì sợ va vào lựu đạn. Đạn nổ, chị chết thì ai biết đâu mà tìm? Chị bới cho đến khi mười đầu ngón tay toé máu thì nhìn thấy xương người và lựu đạn. Nhặt mẩu xương để bên này, trái lựu đạn để bên kia. Mồ hôi chị ướt đầm như người vừa dội nước. Chị lẩm nhẩm đếm. Đủ 42 trái lựu đạn và 2 quả pháo 82 ly.
“Đồng chí ơi! Nhặt nốt cho tôi mẩu xương tay dưới đống lựu đạn”. Tiếng liệt sĩ An. Chị lại toát mồ hôi để bới tìm. Xong xuôi, đi cách hàng trăm mét chị mới ngồi thở phào nhẹ nhõm: “Mình sống rồi”.
Kỳ 8: Những giọt nước mắt đắng cay
Hoàng Anh Sướng