Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để hỗ trợ các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Một báo cáo mới của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), được công bố trước thềm COP27, đã nhấn mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử của hội đồng khoa học, về tầm quan trọng sống còn của việc bảo vệ di sản văn hóa trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.

screenshot-131-1670385378.jpg

Di sản không chỉ bao gồm các tài sản hữu hình như tòa nhà, tượng đài, di chỉ khảo cổ, nghệ thuật và bảo tàng mà còn bao gồm cả di sản phi vật thể. Di sản này, được truyền lại và phát triển qua nhiều thế hệ, qua nhiều thập kỷ cho đến hàng thiên niên kỷ, có thể bao gồm các tập quán, truyền thống ẩm thực, ngôn ngữ, kỹ năng, nghi lễ, biểu diễn nghệ thuật, vũ trụ học, bản sắc và sự hiểu biết lẫn nhau. Những di sản phi vật thể như vậy thường nằm trong các cộng đồng có lịch sử bị gạt ra bên lề, bị phân biệt đối xử hoặc bị bỏ qua - và cũng thường là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Ít chú ý đến di sản phi vật thể

Nhiều thập kỷ ít chú ý đến di sản văn hóa đã dẫn đến sự mất cân bằng toàn cầu trong việc hiểu biết đầy đủ về tác động của biến đổi khí hậu. IPCC nhận thấy rằng việc thiếu hiểu biết về di sản văn hóa trong các đánh giá rủi ro khí hậu đã trở nên trầm trọng hơn do sự chú ý quá mức về các di sản vật thể và các địa điểm nổi tiếng trong các cuộc thảo luận về chính sách khí hậu và di sản. Những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với di sản văn hóa phi vật thể, chẳng hạn như tri thức bản địa cũng như các tập quán nông nghiệp truyền thống, đã bị đánh giá quá thấp.

Trong khi đó, những di sản phi vật thể dễ bị tổn thương và bị đe dọa này lại mang đến cơ hội học hỏi từ các hoạt động thích ứng với khí hậu trong lịch sử và tăng cường khả năng phục hồi trong tương lai. Ví dụ, phương thức những người dân du mục ở Châu Phi, những người đưa gia súc của họ đến vùng đất chăn thả phù hợp, được phát triển để đối phó hiệu quả với sự khô cằn tự nhiên của phần lớn lục địa châu Phi từ hàng nghìn năm trước.

Các hoạt động quản lý và tiếp cận nguồn nước cổ xưa cũng có nhiều đóng góp cho ngày nay. Các hệ thống thủy lợi phức tạp như acequia của Tây Ban Nha và New Mexico, aflaj của Oman, và những hệ thống nước ở khu bảo tồn Nor Yauyos Cochos của Peru và ruộng bậc thang Honghe Hani ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cũng đã tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ở nhiều vùng đất khô hạn và khu vực miền núi trong nhiều thế kỷ cho đến hàng thiên niên kỷ.

Ở Nepal, hệ thống đường ống dẫn nước ngầm và đài phun nước công cộng (hiti), bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, rất cần thiết trong việc cung cấp nước cho một bộ phận lớn dân số của Thung lũng Kathmandu xưa kia.

Vai trò của di sản phi vật thể trong chống biến đổi khí hậu

Do vậy, báo cáo của IPCC tập trung vào tầm quan trọng của việc thừa nhận các cách hiểu biết khác nhau và các hệ thống kiến ​​thức lịch sử và vận dụng chúng trong tình cảnh hiện tại. Ví dụ, các hiện tượng diễn ra theo mùa rất quan trọng để dự báo các hoạt động nông nghiệp, đánh cá và săn bắn của nhiều người bản địa và họ thường tổ chức các nghi lễ.

Ở Oregon, người Siletz sử dụng sự xuất hiện của kiến ​​lươn (mối bay) và các tín hiệu môi trường khác để bắt đầu vụ thu hoạch cá mút đá Thái Bình Dương và đồng thời tổ chức nhảy vũ điệu lươn truyền thống. Đối với người Alaska bản địa Iñupiat, săn cá voi đầu cong và lễ hội săn cá voi mùa xuân đã trở thành một phần không thể thiếu đối với bản sắc cộng đồng trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, những thay đổi khí hậu đối với môi trường biển Bắc Cực đang đe dọa điều đó.

Thông thường, các cộng đồng bản địa và địa phương là những người đầu tiên nhận thấy những thay đổi trong các hiện tượng sinh thái vì kiến ​​thức truyền thống chi tiết của họ về tương tác giữa các loài địa phương và thời tiết đã được xây dựng qua nhiều thế hệ quan sát và tương tác văn hóa. Theo báo cáo, ba loại kiến ​​thức cơ bản—khoa học, bản địa và địa phương—không nên được hợp nhất thành một hệ thống hỗn hợp duy nhất, mà nên được sử dụng song song với nhau để tối đa hóa lợi ích đầy đủ của các hệ thống kiến thức và quan điểm khác nhau.

Theo disanxanh.cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-de-ho-tro-cac-no-luc-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-a24192.html