Chùa ông: Lịch sử văn hóa độc đáo của Cần Thơ

Quá trình hình thành, phát triển, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của mỗi vùng đất đều được lưu giữ qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tại Cần Thơ, có một di tích lịch sử văn hóa tuổi đời hơn trăm năm, được nhiều thế hệ giữ gìn trọn vẹn đến nay, là một phần tâm hồn và di sản của người Tây Đô.

Đó là miếu thờ Quan Đế, mà dân gian vẫn quen gọi bằng tên thân thuộc Chùa Ông, tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ – đối diện Bến Ninh Kiều.
 


Các kiểu thức trang trí ở Chùa Ông. Ảnh: T.V

Theo các tư liệu khắc gỗ hiện có, chùa Ông bắt đầu xây dựng vào năm 1894, đến năm 1896 hoàn thành, trên diện tích 532m2. Hầu hết các vật liệu để xây chùa đều được đưa từ Quảng Đông sang. Vừa vào cổng, là bảng đại tự "Quảng Triệu Hội Quán". Công trình do nhóm người Hoa gốc từ Quảng Châu và Triệu Khánh lập ra, nên có tên "Quảng Triệu Hội Quán", là nơi thờ phượng, giao lưu, gặp gỡ đồng hương, giúp nhau làm ăn để an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới. Đây là ngôi chùa hiếm hoi của Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung còn giữ nguyên trạng cổ kính và giá trị nghệ thuật kiến trúc với những ý nghĩa tín ngưỡng đặc trưng từ lúc xây dựng đến nay, dù trải qua nhiều năm chiến tranh, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
 
Ngôi chùa có bố cục kiến trúc hình chữ Quốc, mái lợp ngói âm dương. Các đầu kèo, xuyên trính được chạm khắc họa tiết, hoa văn mang phong cách cổ điển, sơn son thiếp vàng theo truyền thống nghệ thuật miếu vũ. Các gờ bó mái bằng gốm tráng men lưu ly xanh biếc lẫn với sắc rêu phủ, tạo nên một vẻ cổ kính. Chùa Ông tiêu biểu cho lối kiến trúc đền miếu của người Hoa, với đôi lân chầu hai bên cửa chính gợi ý nghĩa thái bình, thịnh vượng. Bên cạnh các biểu tượng long phụng, còn có tượng Ông Nhật Bà Nguyệt là điềm báo cát tường, tượng trưng cho âm dương trong văn hóa Á Đông.
 
Trên nóc chùa trang trí lưỡng long tranh châu, hai bên là hình tượng cá hóa long sắp xếp đăng đối. Đây là kiểu thức trang trí khá phổ biến tại các chùa Hoa ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngay bên dưới là các quần thể tiểu tượng bằng sành sứ nhiều màu sắc, diễn tả cảnh tiên giới xen lẫn trần thế, thủ pháp tạo hình cũng nửa thực nửa hư. Theo lời kể của các vị cao tuổi, những mảng trang trí này được đưa từ Quảng Đông sang, thể hiện rõ nghệ thuật gốm thủ công của nghệ nhân người Hoa đời nhà Thanh.
 
Chùa Hoa thường không có vườn cây bao quanh như chùa của người Việt, Khmer, thay vào đó là sân kiểng được vây quanh bởi tường gạch, hai bên trang trí các mảng phù điêu đắp nổi bằng đất nung đối xứng nhau. Trong sân đặt hai hàng bát bửu, cách điệu hóa bửu bối của Bát Tiên, từ chiếc giỏ lam của Lam Thái Hòa, thanh gươm của Lã Đồng Tân cho đến cái lẵng hoa của Hà Tiên Cô. Từ sân thiên tĩnh vào chính điện, có một dãy ba bàn hương án bằng đá mài, nơi khách hành hương chuẩn bị lễ vật và thắp nhang trước khi vào chiêm bái.

Trên 2 cánh cửa chính của chùa có vẽ hình 2 vị thần trấn môn là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung oai dũng trong truyện "Thuyết Đường". Bước vào, trên có tấm nghi môn "Hiệp Thiên Cung", đưa khách vào chốn thiêng liêng đối với tín ngưỡng dân gian của người Hoa, nơi thờ các vị thần, các nhân vật hiển thánh được cộng đồng sùng bái. Bên phải là bàn thờ Phúc Đức Chính Thần, mà người Hoa quen gọi là "Ông Bổn", tức là Bổn đầu công Trịnh Hòa – người có công phát triển cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, được người Hoa cúng vào ngày 15 tháng 3 âm lịch. Bên trái là bàn thờ Mã tiền tướng quân cùng ngựa Xích Thố của Quan Công.
 


Chùa Ông. Ảnh: T.V
 
Gian giữa thờ Quan Vân Trường hay còn gọi là Quan Công, nhân vật lịch sử đời Tam Quốc, được người Hoa kính ngưỡng về lòng trung nghĩa và chí khí anh hùng. Tượng Quan Công tạc bằng gỗ, mặt đỏ, râu năm chòm, mặc áo bào xanh ngồi trong hổ trướng, hai bên có hai tướng hầu cận là Châu Xương và Quan Bình, đã trở thành hình tượng bất hủ trong lòng mến mộ không chỉ của người Hoa. Ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm là ngày vía Quan Công với lễ vật là các món chay và hoa quả, nhang đèn. Bên phải thờ bà Thiên Hậu, một nhân vật hiển thánh được sắc phong vào đời Tống, được người Hoa tôn sùng là vị thần phò hộ cho những người đi biển, độ trì cho lữ khách tha hương. Chùa Ông cúng Bà bằng lễ vật heo quay sơn đỏ vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm. Bên trái của chánh điện, có thờ nhân vật đặc biệt là Đổng Vĩnh Trạng Nguyên, một thư sinh đời Hậu Hán được ghi tên trong sách "Nhị thập tứ hiếu", người mà đức hiếu thảo đã làm động lòng trời, sau đỗ đạt thành danh. Bên cạnh là bàn thờ Tài Bạch tinh quân, dân gian quen gọi là Thần Tài, vị thần mà những người buôn bán kinh doanh đều mong được Ngài gõ cửa. Lễ vía Tài bạch tinh quân vào ngày 22 tháng 7 âm lịch hằng năm.

Đức Phật duy nhất được phối tự ở chùa Ông là Quan Thế Âm bồ tát, thể hiện sự tín ngưỡng dân gian về quyền năng cứu khổ, phò nguy và độ trì chúng sinh. Khách thập phương đến để chiêm bái, cầu phúc. Hình thức cầu phúc thường thấy ở đây là lệ cúng nhang khoanh. Người ta viết tên của người cầu phúc lên các tấm thẻ bài, bằng chữ Quốc ngữ hay chữ Hán tùy theo thân chủ rồi gắn vào khoanh nhang.
 
Để có ánh sáng và thông gió cho nội thất, chùa Ông được bố trí một khoảng trống trên mái, gọi là thiên tĩnh, tức "giếng trời". Đây còn là nơi thoát khói cho hàng trăm khoanh nhang tỏa ra suốt ngày đêm. Mái chùa với hệ thống vì kèo phức tạp được nâng đỡ bởi các cột gỗ tròn sơn màu đỏ, kê tán đá xanh, tô điểm bằng các đôi liễn đối, các tấm hoành phi. Có thể nói, nét nổi bật của chùa Ông là nghệ thuật điêu khắc chạm nổi trên những phù điêu hiện diện khắp nơi, từ các bao lam, hoành phi, liễn đối với nội dung vô cùng phong phú, rút ra từ các huyền thoại, lịch sử, hoặc được chạm chìm với các đề tài như mai, lan, cúc, trúc, cá hóa long,… Ngoài nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, các nghệ nhân còn thể hiện tài năng của mình ở nghệ thuật thư pháp: các kiểu chữ "triện", "thảo" được khắc chạm trên hoành phi, liễn đối, lư, chuông đồng,… rất đẹp và tinh xảo.
 
Từ Hội quán của đồng hương Quảng – Triệu, chùa Ông dần trở thành nơi thể hiện tình đoàn kết tương trợ giữa đồng bào người Hoa, và giữa người Hoa với các dân tộc anh em cùng chung sống bên bờ Hậu Giang. Từ đời này sang đời khác, Hội quán vẫn được những người do cộng đồng bầu cử từ vị hội trưởng đầu tiên của Quảng Triệu Hội Quán là ông Huỳnh An Thái, cũng chính là người có công hiến đất xây chùa đến vị hội trưởng hiện nay là ông Quan Sư quản lý điều hành công việc thường ngày của Hội.
 
Người dân Cần Thơ có lệ viếng chùa Ông vào phút giao thừa, thắp nén hương tống tiễn năm cũ, với lòng thành và niềm ước vọng về một năm mới, mang theo nhiều vận hội tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Chùa Ông còn là điểm thu hút khá dông khách du lịch trong và ngoài nước. Ngôi chùa là nơi lưu giữ cho đời sau những giá trị mà người đi trước đã tạo nên, và cùng với các danh thắng khác làm nên vẻ đẹp phong phú của mảnh đất Tây Đô. Chùa Ông đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21-6-1993.

Hà Hồng Ngọc (Báo Cần Thơ Online)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-ong-lich-su-van-hoa-doc-dao-cua-can-tho-a2416.html