“Bao nhiêu người làm thơ về Đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc”. (Đèo Ngang - Phạm Tiến Duật).
Vắt qua dãy Hoành Sơn hùng vĩ, từ xa xưa, Đèo Ngang từng làm say lòng bao thi nhân - lữ khách. Đèo Ngang đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa.
Tuy nhiên, khi đọc hai câu thơ tuyệt bút trong bài thơ viết về Đèo Ngang của nhà thơ Phạm Tiến Duật, rồi có dịp “bước tới Đèo Ngang” nhiều lần, không ít độc giả cũng như bản thân người viết bài này đã từng “ngờ ngợ” về cái danh xưng tưởng như “ngược đời” này của con đèo. Lục tìm trong sử sách cũ để lại dường như chưa thấy ai lý giải tên gọi Đèo Ngang nổi tiếng này. Đọc lại Ô Châu cận lục của Dương Văn An độc giải nhận thấy người viết có đề cập về Hoành Sơn Quan hết sức sơ lược: “Núi Hoành Sơn: ở châu Bố Chính, gần làng Sơn Tiêu, tiếp liền ranh giới Nghệ An. Mạch núi ở tổ sơn dẫn dến, có thế rồng cuộn cọp ngồi, đồi cao ngăn chặn trập trùng, kéo dài ra tới biển, vách dựng đứng hàng vạn nhận, như bức trường thành án ngữ chặt vùng phương Nam”.
Đem điều băn khoăn về danh xưng Đèo Ngang quê mình hỏi ý kiến của nhiều học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong nước mà người viết vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng khi căn cứ vào đặc điểm khí hậu của vùng đất đầy gió cát Quảng Bình, Hà Tĩnh ở “hai mái” đèo cũng như tìm hiểu về tầm quan trọng của con đèo đối với cuộc sống của cư dân trong vùng, chúng tôi xin mạnh dạn lý giải về danh xưng Đèo Ngang từ góc nhìn văn hóa như sau.
Theo chúng tôi quan sát khá kỹ và nhiều lần trực tiếp “mục sở thị” thắng cảnh Đèo Ngang, thì con đèo này khá cao, cao rất nhiều so với mặt nước biển và so với địa bàn sinh sống của cư dân ở hai bên chân đèo. Đứng trên đỉnh Đèo Ngang nhìn xuống, phóng tầm mắt ra xa, ta có thể bao quát và cảm nhận được cuộc sống đang diễn ra của cư dân vùng Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Và nếu có dịp đứng từ dưới chân đèo ngước mắt nhìn lên, ta cũng có thể cảm nhận được chiều cao và rất cao của Đèo Ngang, cao tưởng “ngang”… lưng trời, cao gần bằng chiều cao con thác trong một bài thơ của nhà thơ nổi tiếng đời Đường, Trung Quốc - Lý Bạch: “Thác bay thẳng xuống ba ngàn thước/ Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây”.
Căn cứ vào đặc điểm này của con đèo mà tôi phần nào hiểu được vì sao con đèo “chạy dọc” này lại có tên là Đèo Ngang… Rồi cũng căn cứ vào đặc điểm khí hậu, thời tiết hết sức khắc nghiệt của dải đất miền Trung, mà đặc biệt là hai vùng đất Quảng Bình và Hà Tĩnh, hai vùng đất nổi tiếng gió Lào và cát trắng vào mùa nắng hạn và “mưa rơi trắng đất, trắng trời”, mưa lũ hoành hành, tàn phá mỗi khi mùa mưa bão đến, để tôi có sự lý giải về danh xưng Đèo Ngang…
Quả đúng như vậy, tạo hóa đã định vị cho hai vùng đất Quảng Bình, Hà Tĩnh có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt từ bao đời nay. Nhưng con người nơi đây vẫn có sức sống tiềm tàng, bền bỉ cùng với con đèo của mình. Có biết bao thế hệ cư dân Quảng Bình, Hà Tĩnh ở hai bên chân đèo đã biết vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên để sống, để yêu đời, để cùng nhau chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Như vậy “ngang” ở đây cũng có thể hiểu là tính cách, bản lĩnh sống kiên cường, rất đáng quý, đáng tự hào của con người nơi đây. Thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt như vậy, con người có “ngang” mới tồn tại và sống được… Cho dù từ ngàn đời nay, Đèo Ngang vẫn “thấp thỏm” - “lo âu” vươn mình ra tận biển, thì con người sinh sống ở hai bên chân đèo vẫn kiên định trước bao nhiêu sóng gió của cuộc đời, trước thăng trầm của thời gian và lịch sử. Sức sống bền bỉ, kiên cường của Đèo Ngang và cư dân nơi đây còn được thể hiện rõ nét nhất, đáng tự hào nhất qua hai cuộc kháng chiến trường chinh vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng có lần ngợi ca: “Pháo tàu địch đêm đêm nhằm bắn/ Đèo vẫn nguyên lành nằm với biển reo/ Nhà như lá đa rơi lưng chừng núi/ Sông suối từ đâu đổ xuống lưng đèo/ Đường nhằm hướng Nam/ Người nhằm hướng Nam/ Xe đạn nhằm hướng Nam vượt dốc/ Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang/ Mà không biết con đèo chạy dọc”.
Chính trong cuộc kháng chiến rất ác liệt mà tự hào đó, tính cách “ngang” của con đèo lại được thể hiện rõ nét hơn lúc nào hết, như có ai đó đã từng cảm xúc: “Đèo Ngang cởi lốt, không phải để hóa thân thành một cô gái tuyệt trần những ngày cổ tích, mà để được cõng trên lưng một cuộc chiến tranh vệ quốc đẹp như một huyền thoại”.
Như vậy, theo chúng tôi, cách giải thích danh xưng Đèo Ngang như trên không có gì là sai hay vô lý cả mà điều đó còn góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ của hai vùng quê có con đèo đi qua niềm tự hào về thắng cảnh quê hương mình, cũng như bồi dưỡng thêm cho họ tình yêu quê hương, đất nước.
Nếu trong các cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, Đèo Ngang đã hiên ngang đứng vững và trường tồn qua mưa bom bão đạn¸bảo đảm cho những chuyến hàng chi viện vì Miền Nam ruột thịt, thì đến hôm nay trong sự nghiệp đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với vị trí đặc biệt quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam, với những di tích văn hóa, thắng cảnh tuyệt đẹp và tín ngưỡng dân gian độc đáo của cư dân sinh sống ở hai bên chân đèo, tiềm năng Đèo Ngang đang được con người đánh thức từng ngày.
Dưới chân Đèo Ngang đi về hướng Đông - Nam, Khu Kinh tế Hòn La đang được xây dựng, đường hầm Đèo Ngang đã được thông xe và đưa vào khai thác hiệu quả. Đèo Ngang sẽ góp phần làm cho Quảng Bình, Hà Tĩnh ngày một phát triển và giàu đẹp thêm, “ngang” với những vùng quê khác trên mảnh đất hình chữ “S” này.
Nếu có dịp “bước tới Đèo Ngang” vào thời khắc “bóng xê tà”, lòng ta sẽ không còn “một nỗi sầu nặng trĩu” như thi nhân xưa nữa, mà tiếng cuốc, tiếng chim đa đa não nuột từ thuở xa xưa nay đã được thay bằng tiếng máy, tiếng xe đang rộn rã các công trường. Khi đó “một mảnh tình riêng ta với ta” sẽ là tình yêu sông Loan, núi Phượng, tình yêu Hà Tĩnh, tình yêu Quảng Bình…
Trương Văn Hà
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thu-ly-giai-danh-xung-deo-ngang-o-day-hoanh-son-hung-vi-tu-goc-nhin-van-hoa-a24157.html