Danh nhân văn hóa - Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu

Đại hội đồng UNESCO lần 41, họp tại Paris, từ 9 - 24/11/2021, thông qua danh sách “Danh nhân Văn hoá và sự kiện lịch sử niên khoá 2022 - 2023”, trong đó Việt Nam có hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu. Xin giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

ch1nguyen-dinh-chieu-1669909859-1669992583.jpg
Tượng Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Tư liệu

Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ yêu nước, danh sỹ cận đại, tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phú, Hối Trai, (sau khi bị mù) gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương. Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay TP. Hồ Chí Minh). Thân phụ Nguỹên Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, vào Gia Định làm Thư lại, Ty Văn hàn của Tổng trấn Lê Văn Duyệt (1763 - 1832), mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định.

Nguyễn Đình Chiểu được cha đưa ra Huế gửi cho người bạn để học hành. Nguyễn Đình Chiểu ở Huế từ năm 12 tuổi đến năm 19 tuổi. Năm 1848, ông đi thi Hương đậu Tú tài tại Gia Định. Một nhà giàu có hứa gả con gái cho ông. Năm 1843 ông lại ra Huế học, chờ thi Hội, khoa thi Kỷ Dậu 1849, nhưng đến cuối năm 1848 được tin mẹ qua đời, ông bỏ học về Gia Định chịu tang mẹ. Dọc đường, lâm trọng bệnh, ông phải ghé lại Quảng Nam nhờ thầy Trung, một ngự y điều trị. Bệnh lành, nhưng phải mang tật mù loà, ông đành ở lại học nghề làm thuốc với thầy Trung.

Sau đó, ông trở lại quê, bị gia đình vị hôn thê từ hôn. Từ đó ông sống bằng nghề làm thuốc và mở trường dạy học. Trong thời gian này, ông viết truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ Hà Mậu. Trong đám môn sinh, có Lê Tăng Quýnh, kính yêu và cảm cảnh thầy, đã xin cha mẹ mình gả em gái là Lê Thị Điền cho thầy. Năm 1859, Gia Định thất thủ, Đồ Chiểu chạy về quê vợ (Cần Giuộc, Long An), tiếp tục dạy học. Từ 1861, nhiều lần Trương Định (1820 - 1864), đến thăm và hỏi ý kiến về việc đánh Pháp. Năm 1862, sau khi 3 tỉnh miền Đông bị giao nhượng cho Pháp, ông rời Cần Giuộc về ngụ tại làng An Đức, tổng Bảo An, huyện Ba Tri, Bến Tre. Trong thời gian ở Ba Tri, ông mở trường dạy học, theo dõi sát phong trào chống chống Pháp. Ông thường xuyên liên hệ với Đốc binh Nguyễn Văn Là và trao đổi thư từ với Trương Định, đồng thời sáng tác thơ, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nghĩa quân và khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân khắp vùng Nam Kỳ. Một số quan chức Pháp muốn lôi kéo ông, nhiều lần tỏ ý trợ cấp, trả tiền nhuận bút tác phẩm Lục Vân Tiên và trả lại ruộng đất cho ông, nhưng ông từ chối.

Thơ văn ông sáng tác trong giai đoạn này hầu như phản ánh thực tế nóng bỏng của cuộc đấu tranh của dân tộc ta chống lại thực dân Pháp. Đó là Chạy Tây (1859); Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc (1861); Mười hai bài thơ điếu Trương Định và Văn tế Trương Định (1864); Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868); Văn tế nghĩa sỹ trận vong lục tỉnh (18740; Ngư tiều y thuật vấn đáp...

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đều viết chữ Nôm. Toàn bộ sáng tác của ông là thực hiện chức năng văn chương chính đạo: treo gương tốt, xấu để giáo huấn, để khen chê. Phương pháp nghệ thuật thể hiện rất rõ ràng, ranh giới giữa nhân vật chính, tà với hai thái độ: ngợi ca,khẳng định và phê phán, phủ định, không thể lẫn lộn. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn nước ta chưa bị Pháp chiếm, với hai truyện thơ Nôm: Lục Vân Tiên; Dương Từ Hà Mậu.

Giai đoạn thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta. Ông viết một loạt thơ Đường luật, phản ánh rõ nét tình hình đất nước những năm đầu chống Pháp, mang đậm tính thời sự, đầy cảm hứng yêu nước nồng nàn, đề cao tinh thần anh hùng, bất khuất, xả thân vì nước, giống nòi với: Chạy Tây; Từ biệt cố nhân; Nghĩa Tiêu Sương; Đạo người; Điếu Phan Thanh Giản; Điếu Trương Định; Điếu Phan Tòng; Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc; Văn tế Trương Định.

Về nghệ thuật thơ văn, đặc biệt văn tế chữ Nôm đã mang lại cho tác giả nhiều thành công hơn, khiến những nhà thơ “hoàng phái” đương thời cảm động, xem như “Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ” có thể sánh với văn điếu tướng sỹ trận vong của Khuất Nguyên.

Về nội dung các sáng tác trong giai đoạn đầu chủ yếu đề cao đạo đức Nho giáo, đả kích những thói gian trá, tham lam của người đời, công kích ảnh hưởng của phương Tây bắt đầu xâm nhập, mà theo ông sự truyền bá Thiên Chúa giáo là một yếu tố của ảnh hường ấy. Về ngôn ngữ được dùng nhất là trong Lục Vân Tiên rất gần với lối kể vè. Có thể do tinh thần nghĩa hiệp, mô týp đấu tranh “thiện ác” quen thuộc của loại hình truyện Nôm, cùng với vẻ dân dã của ngôn từ, đã làm cho công chúng say mê đọc tác phẩm của ông.

Quan niệm văn học của Nguyễn Đình Chiểu là quan niệm dùng “văn để chở đạo”. Nho giáo, sửa đổi, dạy người:

Đạo trời nào phải ở đâu xa,

Gột tâm lòng người có giải ra.

Theo ông “đạo trời” chính là “tam cương, ngũ thường” của đạo Nho.

ch2-ct-nuoc-ng-xuan-phuc-den-du-buoi-le-ky-niem-200-nam-ngay-sinh-nha-tho-do-chieu-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-1669910523-1669992557.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dư buổi lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Đồ Chiểu danh nhân văn hoá thế giới . Ảnh: Tư liệu

Trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, dù ở giai đoạn nào, đều có sự phản chiếu của những nếm trải cuộc sống của ông ở vùng nông thôn Nam Kỳ, sự phản chiếu cuộc kháng chiến ở Đồng Nai nửa cuối thế kỷ XIX. Tất cả những điều đó thể hiện cái tâm của ông. Nói cách khác, cái tâm đó đã kiểm soát toàn bộ mọi hiện diện trong tác phẩm của tác giả.

Hơn nữa, Nguyễn Đình Chiểu viết văn để minh hoạ cho đạo, theo sự lĩnh hội của tâm ông. Đồ Chiểu cho rằng quan hệ giữa đạo và tâm là thống nhất - mâu thuẫn. Một khi xuất hiện mâu thuẫn trong quan hệ đó, ông đã ra sức biện giải, tức là tìm lý lẽ sao cho điều mà tâm của nhà thơnhẳn là đúng, được coi là không trái với đạo. Các sáng tác của ông như: Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc; Văn tế Trương Định, những bài Điếu Phan Thanh Giản; Điếu Trương Định..., hay bài thơ Từ biệt cố nhân, đều được viết trong tình huống xuất hiện mâu thuẫn giữa tâm và đạo. Những tình huống như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trong thơ ông được sáng tác trong thời gian nhân dân Nam Kỳ hưởng ứng lời kêu gọi của các sỹ phu yêu nước đứng lên chống Pháp.

Các nhà phê bình văn học cho rằng “Nguyễn Đình Chiểu viết văn để minh hoạ cho đạo theo sự lĩnh hội của tâm ông”. Tuy vậy, qua thơ văn của ông, thấy chính nghĩa thắng gian tà, những ứng xử cao đẹp, lòng nhân ái sâu nặng, nhân cách cao thượng, không chịu khuất phục trước cường quyền, bạo lực, thấy những quan hệ mẫu mực, máu thịt giữa người với người, giữa cha con, chồng vợ, thầy trò, dân nước, tình làng nghĩa xóm.

Nói đến Nguyễn Đình Chiểu là nói đến Lục Vân Tiên. Bởi Lục Vân Tiên thể hiện lý tưởng trượng phu, văn võ song toàn, giúp vua trừ gian đuổi giặc. Tất cả những nghĩa cữ luân thường đạo lý: tình cha con, vua tôi, thầy trò, bạn bè, vợ chồng, chủ tớ... đều được biểu dương. Hết truyện nhà thơ lại ân cần nhắc nhở lời cảnh cáo hùng hồn như tiếng kèn đồng dóng dả:

Hởi ai lẳng lặng mà nghe,

Giữ răn việc trước, lành dè thân sau!

Tác giả bênh vực đạo lý trên lập trường của một tín đồ và ý chí của một nhà thơ yêu nước. Tuy vậy, Nguyễn Đình Chiểu rất đau lòng, xót thương người dân trong cơn binh lửa:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất tổ bầy chim dáo dác bay,

Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Mặc dù bị mù, chạy giặc về Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu đem hết sức bình sinh ủng hộ những người kháng chiến chống Pháp. Tuy không đứng trong hàng ngũ những người cầm vũ khí, nhưng ông rất có cảm tình và chia sẻ với họ cái hận mất nước, căm thù giặc... Tư tưởng đó thể hiện rõ trong bài văn Tế dân lục tỉnh; Tế vong hồn mộ nghĩa... Ông khóc người anh hùng vị quốc vong thân, với giọng lâm ly!

Nguyễn Đình Chiểu cũng ngợi ca sự can trường của những nghĩa quân vô danh:

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đội mang bao tấu, bầu ngói

Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu nón gõ.

Ông kể tội quân giặc cướp nước:

Phạt cho đến người hèn, kẻ khó, thâu của quay treo -

Tội chẳng tha con nít, đàn bà, đốt nhà, bắt vật. (Điếu sỹ dân lục tỉnh).

Trần Mạnh Thường

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/danh-nhan-van-hoa-nha-tho-yeu-nuoc-nguyen-dinh-chieu-a24153.html