Đền Đậu: Người khai cơ lập làng - Quận công Đậu Bá Toàn (Kỳ I)

“Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Đền Đậu (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An) mang trong mình những giá trị với thời đại, song hành với tiến trình lịch sử hình thành tên ấp, tên làng của vùng đất Thanh Chương nói chung, Thanh Hà nói riêng. Đền Đậu linh thiêng không nhờ toà ngang dãy dọc, kiến trúc đền khiêm nhường nhỏ bé, nhưng lớn lao trong tâm niệm người dân quê.

z3905408317681-590f0cfebdd0db9f5607899b7c15c32b-1669218242.jpg
Đền Đậu (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) vẹn nguyên vẻ đẹp ban sơ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Người khai cơ lập làng

Vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp ban sơ, đền Đậu (xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) ẩn khuất sau nếp nghĩ, nếp sống của người dân nơi đây. Giá trị văn hóa vật thể dù bị “điêu linh”, nhưng phi vật thể luôn bền bỉ với cộng đồng, dân tộc. Âm thầm lòng hướng thiện của dân cư, dấu xưa nền cũ còn, thì đền còn. 

“Ta cứ đi tìm những cái hay, cái lạ ở quê người, điều đó không có gì đáng trách, nhưng ta vô tình hay hữu ý bỏ quên cái hay, cái đẹp của quê hương, dù ta có viện ra nhiều lý do nào đó để bảo vệ cho sự thờ ơ của mình, cũng là có lỗi với người xưa…”. Bởi thế, có thể nói rằng, đền Đậu là một phần máu thịt, là hơi thở, là bình dị... trong đời sống tâm linh của mỗi người con quê hương Thanh Hà. 

z3905401422734-ff67fac53a220b363f0b7cfdbb90cb37-1669218337.jpg
Đền Đậu là nơi thờ Quận công Đậu Bá Toàn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo tài liệu của phòng di sản (Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An), đền Đậu là nơi thờ Quận công Đậu Bá Toàn. Ông sinh năm Canh Tý (1720) tại xã Như Kinh, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc. Đậu Bá Toàn là con trai duy nhất của cụ Đậu Bá Tuấn, gốc người Như Kinh, làm quan dưới triều vua Lê Dụ Tông (1706 - 1728).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, cha làm quan trong triều, nên ông có điều kiện ăn học và sớm tinh thông văn võ. Năm Canh Thân (1740), ông tham gia binh nghiệp, lúc này vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) vừa mới lên ngôi. Trong hoàn cảnh “bốn phương quân khởi nghĩa nổi lên liên tục không lúc nào yên”, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Minh Đô Vương Trịnh Doanh (1740 - 1767), nhiều chính sách hợp lòng dân đã được ban hành, đất nước dần yên bình trở lại, các cuộc khởi nghĩa, hỗn loạn dần bị đánh tan...

Đậu Bá Toàn vốn giỏi võ nghệ, ông nhanh chóng được đứng trong hàng ngũ của Hoàng Ngũ Phúc, một tướng giỏi nổi tiếng dưới thời Trịnh Doanh. Từ đó, ông có điều kiện để học tập, tôi luyện và ngày càng được triều Lê - Trịnh tin dùng.

z3905408288076-fb58af5194fc529a6540b6efaca195a2-1669218433.jpg
Sau khi mất, các triều đại phong kiến đã ban nhiều sắc phong cho ông và giao cho 09 làng thờ phụng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm Quí Mùi (1763), triều Lê - Trịnh mở khoa thi võ để tuyển nhân tài, Đậu Bá Toàn dự thi và đậu Tạo Sĩ. Ông trở thành viên tướng đắc lực của triều đình, được thống tướng Hoàng Ngũ Phúc tin tưởng. Tháng 6/1777, triều đình cử Quận huy Hoàng Đình Bảo (con nuôi của Hoàng Ngũ Phúc và con rể của Trịnh Doanh) làm trấn thủ Nghệ An. Thời gian này Đậu Bá Toàn được thăng chức Thượng tướng quan nam quân Đô đốc Hữu phủ Đô đốc, tước Quận công và đặc cử cầm quân trấn thủ đất Thanh Chương.

Vùng đất Thanh Chương lúc bấy giờ, đất đai tuy rộng nhưng nạn đói và trộm cướp hoành hành, dân phải đi phiêu tán khắp nơi, ruộng đồng bỏ hoang…Trước hoàn cảnh đó Đậu Bá Toàn lo cấp phát lúa gạo để cứu đói cho dân, chiêu tập binh mã, khẩn hoang mở rộng đất đai, tăng gia sản xuất…Với tài cầm quân, giỏi tổ chức sản xuất, sau thời gian ngắn, ông giải quyết được nạn đói, đánh dẹp các bè đảng trộm cướp, ổn định sản xuất, đem lại cuộc sống yên ấm cho nhân dân. Doanh trấn của ông ngày càng lớn mạnh. Tiếng lành đồn xa, dân phiêu tán ở các nơi tìm về nhập cư ngày càng đông, từ đó lập nên nhiều làng mới như: Tảo Nha, Bàu Quan, Ruộng Na, Sài Đại…

z3905401412679-b4b59889843c428ea9bc10c244f9be56-1669218536.jpg
Đền được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc vào ngày 06/09/2014. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trong cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung- Nguyễn Huệ ra Bắc tiêu diệt quân Thanh có dừng lại ở Nghệ An để tuyển thêm lực lượng và lương thảo. Với cương vị trấn trị vùng Thanh Chương, lại có quá trình tích trữ quân lương nên Quận công Đậu Bá Toàn đã ủng hộ, đóng góp nhiều lương thực, quân binh cho đội quân của vua Quang Trung. Sau khi dẹp yên giặc, ông trở về quê tiếp tục công cuộc khẩn hoang, chiêu dân, lập ấp, xây dựng xóm làng.

Do tuổi cao sức yếu, Đậu Bá Toàn mất ngày 28/01/1798, thọ 78 tuổi. Sau khi ông mất, nhiều làng xã ở huyện Thanh Chương lập đền thờ phụng, trong đó có làng Bạch Thạch và tôn ông làm Thần, đặt tên đền là đền Đậu. Các triều đại phong kiến đã ban nhiều sắc phong cho ông và giao cho 09 làng thờ phụng...

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-dau-nguoi-khai-co-lap-lang-quan-cong-dau-ba-toan-ky-i-a24045.html