Người giữ hồn nghề đan lát Pa Cô

Dù ngấp nghé tuổi 70, song niềm đam mê với nghề đan lát vẫn “cháy rực” trong tâm khảm nghệ nhân cựu chiến binh Hồ Văn Át ở làng Ân Triêng II, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, TT - Huế.




Già Hồ Văn Át (bên trái) với nỗi lo thất truyền cái “hồn” dân tộc Pa Cô

“Hồn” dân tộc qua đôi tay già Át 

Trong một lần hiếm hoi, huyện A Lưới tổ chức triển lãm các nghề và những sản phẩm thủ công truyền thống các dân tộc, du khách rất hào hứng và ấn tượng những sản phẩm đan lát người Pa Cô độc đáo và tinh xảo.

Chúng tôi quyết tìm “cha đẻ” của sản phẩm này. Và già Hồ Văn Át, ở làng Ân Triêng II, xã Hồng Trung là một trong số nghệ nhân đan lát tiêu biểu được bà Lê Thị Mai Loan, Trưởng bộ phận bảo tồn du lịch huyện A Lưới giới thiệu. 


Tiếp khách tại ngồi nhà sàn nhỏ rất Pa Cô, già Át cười bảo: “Cái nghề này già mê từ thuở biết chạy nhảy, học lỏm theo người lớn. Sau này được A ăm (bố) truyền lại và “nghiệp” đan già giữa đến tận bây giờ. Tuy tuổi già không còn được trẻ nữa, nhưng cái nghề của tổ tông để lại thì phận là con cháu phải giữ gìn, để mai một là có tội với tổ tiên người Pa Cô mình”. 

Đã biết bao mùa lúa rẫy đi qua, già Hồ Văn Át vẫn tỉ mẫn đan cái A teh (gùi lớn), A chooiq (gùi nhỏ), Ka ooi (giỏ cá), Ti letq (gùi nhiều ngăn), A điêên (mâm cúng lễ)... để giữ nghề và bán hoặc trao đổi với bà con trong huyện và các huyện lận cận của tỉnh Quảng Trị. Già cho biết, ngày trước, muốn có một chiếc gùi lúa hay gùi 3 ngăn đẹp và chắc, phải vào rừng sâu để bứt những loại mây chắc như mây song, mây cám thì mới đẹp. 

Mỗi sản phẩm già Át sử dụng những kỹ thuật đan khác nhau. Một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát của người Pa Cô có sự kết hợp mềm mại, tinh xảo và đầy công phu từ chất liệu cật tre và mây đó là Ti Letq, A teh, Yrang, A điêên... Với cái Ti letq người đàn ông Pa Cô từ khi dùng đến lúc hư ít nhất là 20 năm. Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian. Gùi có 3 phần chính, hai ngăn nhỏ ở bên thân gùi. Thân gùi được đan bằng mây, chung quanh thân có 4 thanh gỗ nhỏ hoặc mây áp vào thành từ đáy trở lên miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Dây mang gùi đan bằng mây song, được vót mỏng để đan thì dây mới bền và chắc hơn... Ti letq là loại gùi người đàn ông Pa Cô dùng để đựng cơm nếp, gạo, dao, rựa, thuốc hút, dụng cụ lấy lửa... để lên nương rẫy.

“Sản phẩm của già Át không chỉ đẹp mà còn dùng bền và đan đúng cái chất “hồn” của người Pa Cô. Để làm được cái A teh người biết đan cũng phải mất 1 tuần, còn Ti Letq thì rất lâu, phải công phu và tay nghề cao mới đan đúng và đẹp. Ở cái làng này chỉ còn già Át là người thành thạo và đan đẹp...”, già Quỳnh Bình, chia sẻ.

Nỗi lo thất truyền 

Nghề đan lát đã gắn bó, trải qua cùng người Pa Cô với biết bao thăng trầm của lịch sử và những sản phẩm như cái A tẹh, A Chooiq, Ka đư (giỏ cá), Yrang... không chỉ đơn thuần phục sản xuất mà còn là cái “hồn” dân tộc Pa Cô. Song nghề truyền thống độc đáo này đang khan hiếm lớp kế cận để bảo tồn và gìn giữ. 

Đứng trước thực trạng nhiều làng nghề truyền thống không riêng của người Pa Cô đang mai một, già Hồ Văn Át vẫn luôn đau đáu kiếm tìm “truyền nhân”. Già Át bộc bạch: “Già mong muốn giữ cái nghề của tổ tông không bị mai một. Cấp trên có chỉ đạo để gìn giữ cái nghề truyền thống của người Pa Cô, già sẵn sàng nghe theo, song một mình thì già làm không nổi. Sức khỏe già còn minh mẫn, già vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề, nó là cái bản sắc của người Pa Cô mình sao bỏ được chứ”.  

Nhấp chén trà đặc, nhìn xa xăm, già Hồ Văn Át nói với giọng trầm buồn: “Trước đây ở cái làng Ân Triêng, lớn bé, con gái hay con trai đều biết đan A tẹh, A Chooiq, Ti Letq... Song hiện tại trong bản chỉ còn một số người già mắt thì đã mờ, tay chân chậm chạp không còn đan lát được nữa. Lớp trẻ không có nhiều người theo học và đam mê với “nghiệp” này...”   

Chúng tôi rời khỏi căn nhà sàn nhỏ nhưng bên tai cứ văng vẳng cái giọng trầm buồn của già Hồ Văn Át, khi lật giở từng kí ức đời nghề bấp bênh hay những trăn trở làm sao giữ được cái “hồn” bản sắc Pa Cô không bị mai một và hỗn tạp... Mang những trăn trở cũng như là nguyện vọng của nghệ nhân đan lát Hồ Văn Át đến bà Lê Thị Mai Loan, Trưởng bộ phận bảo tồn du lịch huyện A Lưới, bà Loan cho biết: “Để bảo tồn nghề đan lát người Pa Cô, huyện mới triển khai mở lớp tại xã Bắc Sơn vào quý I, năm 2015. Đối với các xã có lớp dạy nghề huyện với xã cùng phối hợp hỗ trợ một phần kinh phí...”.  
 
Nhơn Nguyễn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-giu-hon-nghe-dan-lat-pa-co-a2403.html