Tôn quý, tri ân nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): "Không thầy đố mày làm nên"

Cùng với nghề y, nghề thầy giáo được cả xã hội tôn vinh, quý trọng nhất, được gọi là “Thầy”, coi lao động của nhà giáo là lao động trí tuệ của giới trí thức, là “kỹ sư tâm hồn”. Với truyền thống hiếu học, dân ta đã đúc kết lưu truyền từ đời này sang đời khác: "Không thầy đố mày làm nên".

23908341-1668859982.jpg

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) là dịp chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai và hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Do đó, cả xã hội đều muốn dành tình cảm, sự biết ơn, lời chúc, nụ cười, những đóa hoa tươi thắm đến tất cả các thầy cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc. Các thầy cô đã, đang và sẽ mãi là tấm gương, là người gieo mầm, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng những hạt giống tâm hồn, để những hạt mầm của đạo đức, nhân cách, tri thức, sự tử tế… luôn tỏa sáng, để xã hội ngày càng tốt đẹp, đất nước Việt Nam “Sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trong thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhấn mạnh: Dân tộc ta là một dân tộc hiếu học, trọng việc học; vì thế danh hiệu “người thầy” đã trở nên tôn quý từ hàng ngàn năm nay. Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc xây dựng một nền giáo dục mới, nền giáo dục độc lập, tiến bộ, toàn diện theo hướng dân tộc, hiện đại, nhân văn, lấy mục tiêu phục vụ Tổ quốc, nhân dân làm nền tảng. Để thực hiện thành công mục tiêu ấy, Người đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”.

Nhờ có sự cố gắng đó, giáo dục nước nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng mừng. Đến nay hơn 99% người dân trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường. Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta vượt trên mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Các đội tuyển học sinh thi Olympic quốc tế và châu Á đều đạt thứ hạng cao. Giáo dục đại học thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Tự chủ đại học đạt kết quả tốt và đang được mở rộng; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đại học đứng trong tốp 500 thế giới. Việt Nam cũng đứng thứ 49 thế giới về số lượng bài báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín; đã có nhiều trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới. Những thành tựu về giáo dục đó là rất đáng tự hào.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, tin tưởng với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, nhiệt huyết nhiều hơn, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vì tương lai của đất nước.

Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, tri ân thầy cô giáo. Mong các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại công nghệ 4.0.

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ton-quy-tri-an-nhan-ky-niem-40-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-khong-thay-do-may-lam-nen-a23979.html