Cùng dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương; các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Về phía tỉnh Ninh Bình có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà; lãnh đạo UBND, HĐND, MTTQ tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tỉnh Ninh Bình có địa hình đa dạng, được thiên nhiên và lịch sử dành tặng nhiều di sản văn hóa giá trị, tiêu biểu. Ninh Bình sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An, hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.
Nói tới Tràng An, người Việt Nam tự hào về những thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng mà đậm nét văn hóa của dân tộc. Núi là thành lũy, sông là chiến hào, hang động là nơi đồn trú. Tại nơi đây, vào thế kỷ thứ X, vị Hoàng đế cờ lau đã từ đây khẳng định nền độc lập của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam; ghi dấu một cột mốc chói sáng về tinh thần độc lập, thống nhất, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.
"Kế thừa và phát huy truyền thống rất đỗi tự hào của quê hương, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển văn hoá, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực và động lực cho phát triển. Đặc biệt, trong 30 năm kể từ khi tái lập, Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè trong nước và quốc tế"- Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival di sản Ninh Bình lần thứ nhất, năm 2022 với tên gọi "Tràng An- kết nối di sản" nhằm từng bước xây dựng một thương hiệu văn hóa đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc, thể hiện sức sống, sức lưu truyền, lan tỏa của tinh hoa văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa từ các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em, góp phần gắn kết các tỉnh anh em.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, cách đây vừa tròn 1 năm, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, đã khẳng định thành tựu nổi bật trong xây dựng và phát triển văn hóa sau 35 năm đổi mới và đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa giai đoạn 2021 - 2026 tầm nhìn 2045, nhằm đồng thời bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị các di sản văn hoá, phát triển các công trình, sản phẩm văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, nước ta hiện có khoảng 7 vạn di sản được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh. Riêng tỉnh Ninh Bình đã có gần 400 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 81 di tích quốc gia, 03 di tích quốc gia đặc biệt và là địa phương duy nhất ở Việt Nam sở hữu Di sản thế giới hỗn hợp, bảo gồm cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Đây là nguồn lực quan trọng để Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa nói riêng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân.
Phó Thủ tướng tin tưởng, thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Festival này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình tiếp tục quan tâm dành ưu tiên xây dựng văn hoá, con người tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của "vùng đất cố đô Ninh Bình" nói riêng.
Đặc biệt chú trọng các giải pháp huy động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động tôn vinh, phát huy giá trị các di sản của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với thông điệp "chung tay giữ gìn di sản".
"Tôi mong các hoạt động giao lưu văn hóa nói chung của Việt Nam và Festival nói riêng tiếp tục nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi và đông đảo hơn nữa của các miền di sản trong nước, trong khu vực và trên toàn thế giới; phát triển thành một thương hiệu văn hóa di sản tiêu biểu của Ninh Bình"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc Festival, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, Trưởng Ban Tổ chức "Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival "Ninh Bình năm 2022- Tràng An kết nối di sản" với phương châm các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản văn hóa tiêu biểu cùng tham gia trên tinh thần kết nối, giao lưu, chia sẻ và quảng bá đến đông đảo nhân dân và du khách trong nước, quốc tế; mang di sản văn hóa ở mọi vùng miền, mọi quốc gia tiếp cận gần hơn với người dân và du khách; tạo mối liên hệ khăng khít, cộng cảm giữa các vùng, miền có di sản trong việc chung tay giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa.
Diễn ra từ ngày 17-19/11, Festival Ninh Bình 2022 "Tràng An- kết nối di sản" có sự tham dự của 14 tỉnh, thành phố trong cả nước, đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (Nước CHDCND Lào) cùng sự góp mặt của các hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới tổ chức tại Việt Nam.
Festival Ninh Bình năm 2022 bao gồm nhiều hoạt động mang tính kết nối và lan tỏa cao. Thông qua việc tổ chức Festival Ninh Bình 2022, tỉnh Ninh Bình mong muốn đưa sự kiện thành hoạt động văn hóa du lịch quy mô, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình, nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Lễ khai mạc "Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" gây ấn tượng với khán giả bằng chương trình nghệ thuật khai mạc được xây dựng như một bức tranh sinh động, hòa điệu của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các di sản văn hóa tiêu biểu của quốc gia, của các tỉnh, thành phố, đại diện các vùng, miền trong nước và một số nước tham gia sự kiện.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm" với 4 phần trình diễn, là: Tinh hoa di sản Ninh Bình, Di sản văn hóa Bắc bộ, Di sản văn hóa Trung bộ và Tây Nguyên, Di sản văn hóa Nam bộ đã đưa công chúng trải qua những miền không gian di sản đặc trưng của dân tộc. Hòa vào sắc màu rực rỡ của di sản văn hóa hội tụ tại Festival, còn có màn trình diễn của đoàn nghệ thuật từ tỉnh Udomxay - Lào, phần trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam của 71 người đẹp tham gia vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 diễn ra tại Việt Nam, đem đến bức tranh nghệ thuật lộng lẫy và mãn nhãn cho công chúng và du khách trong, ngoài nước./.
Theo bvhttdl.gov.vn