Chuyện nghề giáo của cô Mận…

Từ một nữ công nhân hái chè, cô Nguyễn Thị Mận (SN 1967, xã Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá) đã trở thành cô nuôi dạy trẻ thông qua những lá phiếu bầu. Để rồi từ duyên nghề ấy, gần 40 năm qua, bằng tình yêu, nhiệt huyết với sứ mệnh “gieo chữ”, cô Mận đã trở thành điển hình của ngành giáo dục vùng khó, khi cô là giáo viên hiếm hoi ở vùng cao Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa xây dựng được 3 ngôi trường đạt chuẩn.

co-man-1-1668687070.JPG
Cô Mận đã trở thành cô giáo mầm non thông qua những lá phiếu bầu ở nông trường Bãi Trành cách đây gần 40 năm

Cô Mận đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu và chất giọng trầm ấm của một giáo viên mầm non. Cô Mận bảo, mấy hôm nay cô cùng các chị em trong trường đang tất bật chuẩn bị kỷ 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô hạnh phúc vì đã có 38 năm công hiến trong ngành.

Đon đả rót chén trà mời khách, cô Mận lần mở câu chuyện đời, chuyện nghề của mình. Cô Mận kể, năm 1983, sau khi học xong hệ 7+2, cô cùng một số người dân trong thôn ngược vùng cao Như Xuân lên nông trường Bãi Trành xin làm công nhân hái chè. Với mong muốn đỡ đần bố mẹ trải trang cuộc sống.

Cô Mận nhớ, Bãi Trành là một trong những nông trường chè lớn nhất nhì miền Bắc, cho thu nhập cao. Ngày ấy, con em trong nông trường chưa đến lớp đông, có gia đình không có người trông đành địu con lên đồi chè, chịu nắng, chịu mưa cùng bố mẹ; Có gia đình gửi con ở nhà cho ông bà, bố mẹ xa con cũng không đặng lòng làm việc. Trước thực tế đó, công nhân nông trường đề xuất lên Ban giám đốc cần có giáo viên trông trẻ tại nông trường.

Một thời gian sau, nông trường tổ chức cuộc thi chọn cô nuôi dạy trẻ cho các cháu trong nông trường. Cuộc thi trải qua các phần thi như năng khiếu múa, hát, dỗ dành, cho trẻ ăn, ngủ, trò chuyện với trẻ rồi dạy trẻ học,… “Khi đấy tôi mới là một cô gái 18 tuổi, chưa từng một ngày được đào tạo nghiệp vụ sư phạm mầm non nên những gì mình thể hiện đều xuất phát từ khả năng, tình yêu và nhiệt huyết của tuổi trẻ” - Cô  Mận trải lòng.

co-man-2-1668686708.JPG
Cô Mận chụp ảnh cùng các con lớp 5 tuổi

Cuối cùng ban tổ chức cũng như các phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non bỏ phiếu bầu chọn cô Mận là cô nuôi dạy trẻ trong nông trường. Lớp học ngày ấy ở nông trường khoảng 20 cháu ở nhiều độ tuổi, cô Mận trông, chăm sóc đến trưa bố mẹ đến đón về. Có gia đình bố mẹ bận không thể đến đón, cô Mận lại cho ăn, cho ngủ cùng. Và cứ thế, cô Mận trở thành cô nuôi dạy trẻ tự lúc nào không hay.

Không để các con bị thiệt thòi về kiến thức, ngoài thời gian đến lớp, cô Mận ôn lại kiến thức cũ thi tuyển lên cấp 3 rồi đi học lớp sơ cấp Sư phạm, Đại học Mầm non, dần chuẩn hóa bằng cấp. Năm 1987, cô Mận được biên chế trong ngành giáo dục. Năm 1991, cô là Hiệu phó trường Mầm non Bãi Trành.

Gần 40 năm trong nghề nuôi dạy trẻ, cô Mận đã được trao tặng nhiều giấy chứng nhận, Giấy khen của ngành, Bằng khen của UBND tỉnh. Mới đây nhất, cô Mận đạt danh hiệu “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh năm 2022”.  Song có lẽ, bạn bè, đồng nghiệp trong ngành giáo dục nơi đây nhớ đến cô và đặt cho cô biệt danh “người săn trường chuẩn”. Nói không quá khi nói cô Mận là một giáo viên hiếm hoi ở huyện vùng khó Như Xuân trong hơn 10 năm xây dựng được 3 ngôi trường đạt chuẩn.

Năm 2008, cô Mận đang là Hiệu phó trường mần non Bãi Trành đã tình nguyện xung phong vào vùng sáu Thanh (vùng đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Như Xuân) với nhiệm vụ xây dựng trường mầm non Thanh Quân đạt chuẩn Quốc gia. Nhận nhiệm vụ mới nơi cách nhà 50km. Hôm đầu tiên đến trường, trời đã tối. Cô ở lại trường, chung quanh trường là tiếng chim kêu, suối chảy róc rách. Đêm ở miền rừng tối hơn khi không điện, sóng điện chập chờn. “Là phụ nữ lần đầu xa nhà ở một nơi heo hút, chưa quen biết ai. Nằm trong phòng mà chảy nước mắt nhưng nghĩ đây là lựa chọn của mình, nên phải vững tâm” cô Mận nghẹn ngào.

Binh minh nơi rẻo cao Thanh Quân đến muộn hơn thường lệ, ngôi trường 4 phòng học tranh, tre, nứa, lá hiện trước mặt cô. Trường có 4 nhóm lớp với khoảng 50 học sinh. Trường xuống cấp, xập xệ, cô Mận đề xuất với cấp trên, xây dựng lại ngôi trường. Vừa xây dựng trường, cô lại cùng với các giáo viên khác băng rừng, lội suối đến từng gia đình vận động đưa trẻ đến trường. Cuộc vận động gặp không ít khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ. Bà con thì nói tiếng bản địa là tiếng Thái, mỗi lần đi vận động cô Mận nhờ cô Hiệu phó đi cùng để thông dịch. Cô Mận bảo, khi bà con biết được mình là cô giáo miền xuôi tình nguyện lên đây dạy học, bà con rất vui, rất quý. Có gia đình đã đưa con đến trường ngay, nhưng có gia đình phải vận động 3, 4 lần.

co-man-3-1668686708.jpg
Cô Mận (áo dài đỏ ở giữa) đạt danh hiệu "Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh năm 2022".

Không chỉ khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ mà tại vùng sáu Thanh này vị trí địa lý, đường đi lối lại khó khăn, chủ yếu là đường mòn, lối nhỏ. Cô Mận nhớ, có lần về Tết, khi lên đèo được 2 chiếc bánh chưng, đường đi khó, đánh rơi, cô đành xuống vực mò tìm. Tìm mò không được, tủi thân, ngồi khóc. Rồi, ở vùng sáu Thanh khi hậu cũng rất khắc nghiệt, có hôm đi họp, trời mưa, đường trơn trượt, sạt lở, phải cuốc bộ, hỏng cả 2 đôi dép mà chưa ra tới huyện. Hôm thì trời bão gió, nước sông Chàng dâng lên, phải đi bằng bè chuối, bè luồng. Người và xe cứ bồng bềnh, trôi nổi trên sông nhưng cô chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc…

Năm 2009, trường học xây xong, cô Mận tổ chức ăn bán trú. Không xã hội hóa, không đóng góp mà lúc bấy giờ thì nhà nào có gạo, có trứng, có rau… thì đóng góp, thiếu đâu nhà trường lo. Một thời gian sau, bà con thấy con họ được đi học, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, khỏe, ngoan bà con bắt đầu vận động anh em, xóm giềng đưa con, cháu đến trường. Và từ đấy, ở vùng Thanh Quân hình thành việc đưa trẻ ở độ tuổi mầm non đến trường đều đặn. Một phong trào học tập diễn ra ở vùng sáu Thanh. Năm 2010 Trường mầm non Thanh Quân là ngôi trường vùng khó đầu tiên ở sáu Thanh và ngôi trường thứ 2 trên địa bàn huyện vùng cao như Xuân đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Ở vùng khó 5 năm, cô Mận nhận nhiệm vụ mới ở Trường mầm non Xuân Hòa.  Năm 2016, cô Mận lại được điều động nhận nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn tại trường mầm non Xuân Quỳ. Với quyết tâm cao, với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, năm ấy, trường mầm non Xuân Quỳ đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Từ tháng 8/2021 đến nay, cô Mận là Hiệu trưởng của trường mầm non Bãi Trành, bằng tâm huyết, khả năng của mình cô Mận vụ xây dựng trường mầm non Bãi Trành đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

Chỉ còn một vài tháng nữa, cô Mận sẽ nghỉ chế độ sau gần 40 năm cống hiến trong ngành giáo dục. Cô Mận nói, rất hạnh phúc vì đã có một thanh xuân tươi đẹp với “sứ mệnh” của một nghề cao quý…

Hồng Hạnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-nghe-giao-cua-co-man-a23953.html