Tầm nhìn và khả năng chỉ đạo thực tiễn đã làm đậm nét phong cách Võ Văn Kiệt. Trước những hoàn cảnh hiểm nghèo, trước đòi hỏi phải vượt qua, phải vươn lên phía trước, đồng chí đã cố công tìm tòi, khai phá từ thực tiễn sinh động, không thúc thủ, không cam chịu. Công lao của đồng chí đối với đất nước, nhân dân thì vô cùng to lớn và có ý nghĩa nhất là ở những thời điểm phải đánh và phải thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong thời kỳ hòa bình xây dựng. TPHCM tự hào có đồng chí Bí thư Thành ủy có khả năng quy tụ lực lượng, tài năng, tấm lòng để vượt qua thời kỳ cam go, thử thách – “Đêm trước của đổi mới”.
Khi nói về bài học của những năm đầu giài phóng, đồng chí Võ Văn Kiệt cũng đã không ngần ngại cho rằng: Bài học lớn nhất là giáo điều rập khuôn, áp dụng cơ chế không phù hợp với thực tiễn, làm kinh tế theo ý chí chủ quan, chọn con đường tưởng gần và nhanh nhưng lại nhiều va vấp. Cần nhìn thẳng sự thật và tạo ra bước ngoặt mới. Phải dám sáng tạo, không thụ động và không tự hài lòng. Sợ trách nhiệm cũng đồng nghĩa với an phận và thủ tiêu năng động.
Cái giá phải trả cho việc kéo dài cơ chế bao cấp, với cách nghĩ cách làm chủ quan, duy ý chí đã làm cho sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, có lúc ngưng trệ, 70% công nhân tạm ngừng việc, tổ chức hợp tác xã trong nông nghiệp thì nhiều nơi tiến hành không đảm bào nguyên tắc tự nguyện, hoạt động phân phối lưu thông thì bị “ngăn sông cấm chợ” – “mua như giựt, bán như cho”, lãnh đạo TPHCM phải liên tục chạy ăn cho 3,5 triệu dân quả là khốn khó (có khi gạo dự trữ chỉ còn một tuần). Để tìm cách tháo gỡ, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư, các đồng chí lãnh đạo đã chia nhau về cơ sở, về các nhà máy, xí nghiệp để nghe công nhân, để học dân. Nhờ sâu sát, những chỉ đạo từ thực tiễn được nhen lên ngày càng nhiều từ nhà máy dệt Việt Thắng, dệt Thành Công, bột giặt Miền Nam, nhà máy Caric, Silico... Từ đó, trong sản xuất công nghiệp, các cơ sở được mở rộng quyền sản xuất kinh doanh, tự cân đối, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch nhà nước giao, vừa tận dụng năng lực sản xuất tạo thêm sản phẩm cho xã hội và thu nhập cho công nhân, kế hoạch 3 phần đã kết hợp hài hòa được 3 lợi ích. Cùng với sản xuất “bung ra” là việc cô Ba Thi được “xé rào” về miền Tây mua lúa gạo với giá cao hơn của Ban Vật giá Chính phủ, lương thực cho con người dần dần được giải quyết, còn nguyên liệu cho sản xuất thì tìm cách trao đổi hàng hoá để có ngoại tệ nhập khẩu. Từ đó việc tổ chức xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều lên. Đối với ngoại thành thì triển khai các công trình thủy lợi, phát triển “vành đai xanh”, những vùng rau chuyên canh… Với mọi cố gắng, bức tranh của nền kinh tế ngày càng có thêm nhiều điểm sáng.
Đồng chí Võ Văn Kiệt là người biết lắng nghe và dám quyết. Trước khi chưa quyết định thì phải nghe kỹ – nghe ngược, nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý... nghe cơ sở, nghe góp ý của dân. Đồng chí cho rằng nghe xốn lỗ tai cũng được. Nhưng khi ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi. Lúc làm Bí thư Thành ủy, đồng chí đã không sợ mất chức khi kiên quyết cho mua lúa giá cao - hơn 8 đồng/kg. Đến khi làm Thủ tướng, nhiều công trình như đường dây 500KV, đường Trường Sơn công nghiệp hóa,… cũng là những công trình mà đồng chí đã lắng nghe và dám quyết vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Nếu cho rằng khả năng quy tụ là thách thức lớn về năng lực quản lý, lãnh đạo thì đồng chí Bí thư Võ Văn Kiệt đã vượt lên thách thức ấy bằng tài năng, đức độ, bằng tấm lòng, bằng tất cả sự bao dung. Người lãnh đạo ấy đã không đứng quá cao và quá xa mà như đứng rất gần với tất cả mọi người. Đến với cán bộ, với người dân không chỉ thông qua tổ chức, đoàn thể mà còn là sự giúp đỡ trực tiếp, chân tình với từng người, cả với những người lầm lỡ.
Nâng niu và tin yêu biết mấy khi nói với các em thiếu nhi rằng: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em”.
Cởi mở và chân tình biết mấy khi nói với các bạn trẻ còn có mặc cảm rằng: “Không ai lựa cửa để sinh ra”.
Trân trọng và như muốn trao gửi bao điều tin cậy cho lớp người kế thừa: “Kính chào thế hệ thứ tư”.
Rõ ràng và thân thương quá đổi khi nói với đội ngũ trí thức: “…Yêu nước là đứng hẳn về phía dân tộc và nhân dân, đứng hẳn về phía tương lai, vì thực chất cao quý của trí thức loài người, vì một quan niệm mới về tài năng và trí tuệ, giải quyết đúng đắn nhất đối với quan hệ giữa cá nhân mình và tập thể”.
Được gần với đồng chí, nhiều văn nghệ sĩ như được động viên, như tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác, sáng tạo. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng hình ảnh “ông Sáu Dân” trong rừng đước làm nảy ý bài hát “Một đời người – một rừng cây”. Các nghệ sĩ cũng hưởng ứng lời kêu gọi – hiến dâng nhiệt tình lớn, trách nhiệm cao, vì tình yêu đất nước, vì niềm vui con người, vì mùa xuân của nghệ thuật, làm nên những “Tiếng cười sân khấu”…
Ở vào thời điểm khó khăn, nhưng bấy giờ TPHCM luôn có phong trào quần chúng. Phong trào “Bàn tay vàng” của công nhân trong sản xuất. Phong trào thanh niên tình nguyện đi thanh niên xung phong, tình nguyện đi bảo vệ biên giới… Phong trào “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi. Các phong trào ở khu dân cư: “Ánh sáng văn hóa”, “lớp học tình thương”,… Các phong trào đã đi vào cuộc sống, cuốn hút sức trẻ, sức dân. Mọi người làm việc không đòi hỏi thiệt hơn và rất tự giác.
Dù rất bận, nhưng chỗ này, chỗ kia đều thấy có bóng dáng của lãnh đạo. Hơi thở cuộc sống như luôn hòa quyện với tâm huyết người lãnh đạo. Và đến lượt mình, người lãnh đạo luôn có sự chia sẻ, luôn có sự vẫy gọi. Có lúc đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói chuyện với hàng vạn thanh niên ở vườn Tao Đàn, đã gặp gỡ và nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, đã biểu dương kịp thời những nhân tố mới. Mọi cố gắng như muốn khơi dậy, muốn làm cho mọi người cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung mà cùng nhau xây dựng và bảo vệ thành phố, đất nước thân yêu. Một khi dân tin vào người lãnh đạo, vào tổ chức cách mạng thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Đồng chí cho rằng nếu quy tụ được sức người thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể quy tụ, con người mà không quy tụ, thì nguồn lực khác cũng rơi rụng.
Trong công tác cán bộ, theo đồng chí, là qua thực tế công tác mà đo lường khả năng, phẩm chất cán bộ, bằng phương pháp trực tiếp làm việc với cán bộ cấp mình quản lý. Với phong cách sâu sát, quan tâm đến con người, đến khả năng cán bộ, những rào cản hẹp hòi, thành kiến, đố kỵ, cục bộ địa phương, máy móc về cơ cấu... có thể vượt qua. Và nhiều cán bộ đã được tin cậy, giao việc. Từ thực tiễn, từ phong trào, từ sự chăm lo dìu dắt, đội ngũ cán bộ - nhất là cán bộ trẻ thời ấy đã trưởng thành rất nhiều và rất nhanh trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng cũng vậy, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn, Đại hội Đảng tiến hành với những nội dung văn kiện được tổ chức, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân.
Đại hội VI toàn quốc của Đảng đánh dấu một bước đột phá trong tư duy lý luận, đúc kết những bài học, phong trào hành động cách mạng của quần chúng có công đóng góp to lớn, xuất sắc của các đồng chí lãnh đạo, trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt - một trong những kiến trúc sư hàng đầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt là nhớ về một nhà lãnh đạo tài năng, đầy bản lĩnh và nhân cách, luôn dấn thân và kiến tạo, một trong những nhà lãnh đạo làm nên những dấu ấn, những đổi thay, không chỉ để nhớ, để tri ân, mà còn để học tập và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt – một trong những Bí thư Thành ủy – một trong những học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu, chúng ta cảm thấy phải luôn nâng cao tầm nhìn và trách nhiệm, phải luôn gần dân, sát với thực tiễn sinh động, có những quyết sách đúng và hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vo-van-kiet-bi-thu-thanh-uy-tp-ho-chi-minh-day-ban-linh-tai-nang-va-bao-dung-a23949.html