Chùa Ngọc Kiên - di tích lịch sử cấp quốc gia – Nguồn: petrotimes.vn
Cổ Đông là một địa danh thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) gồm có mười bốn thôn. Trong tâm thức của nhiều người, nói đến Cổ Đông người ta thường liên tưởng địa danh "Kẻ Ken" tức là thôn Ngọc Kiên. Địa danh này có một ngôi chùa cổ linh thiêng mà nhiều người biết đến đó chính là chùa Ngọc Kiên. Chùa Ngọc Kiên nằm ở giữa Thôn Ngọc Kiên – xã Cổ Đông – thị xã Sơn Tây – thành phố Hà Nội. Chùa còn được gọi là Chùa Trung Kiên Tự, được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 2500m2, trên thể đất cao ráo và nhìn hướng Tây đó là hướng phật pháp. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 51//2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch ngày 17/7/2008.
Sự tích và truyền thuyết chùa Ngọc Kiên được xây dựng từ thời nhà Mạc. Các bộ phận kiến trúc gỗ của chùa đa phần được bào trơn, đóng bén, nghệ thuật điêu khắc trong chùa chủ yếu tập trung vào hệ thống tượng tròn trên Phật điện được làm từ gỗ và đất luyện có niên đại khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Ngoài hệ thống tượng thờ, chùa Ngọc Kiên còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá như bia đá "Hậu Phật bi ký" niên đại Thành Thái Bát niên (1896), “khánh đồng” niên đại Cảnh Hưng (1783), “chuông đồng” niên đại Chính Hòa (1678)... Năm 1903, chùa Ngọc Kiên được tu tạo nhưng từ đó đến nay chưa được trùng tu, sửa chữa nên bị hư hỏng nghiêm trọng.
Hiện nay cổng dẫn vào di tích phải chống đỡ bằng các thanh gỗ, nền gạch bị lún, vỡ, tường nứt và đầy rêu mốc có thể sập bất cứ lúc nào. Bên trong chùa, tòa tam bảo trống hơ hoác vì khoảng trống do ngói vỡ, chẳng khác gì ngôi nhà hoang, mỗi khi trời mưa, trong chùa nước dột như ngoài sân. Riêng tòa tam bảo bị mối xông, đùn lên những đống đất lớn nên không thể đặt tượng được. Đến cuối năm 2012, nhà chùa và nhân dân Ngọc Kiên đã phải di chuyển toàn bộ tượng thờ, chuông, khánh và các hiện vật giá trị sang khu vực nhà khách, kê tạm vài bộ bàn ghế để đặt tượng. Trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào nên nhà sư trụ trì đã phải đóng cửa chùa để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và khách thập phương.
Theo Di Sản Xanh