Nhà Thánh làng Vân Tập - Văn chỉ cổ trên đất Minh Châu

Nếu như Nam Đàn có nhà Thánh Hoành Sơn, đình Hoành Sơn... thì Diễn Châu vẫn còn lưu giữ văn chỉ cổ nhất đất Nghệ An - nhà Thánh làng Vân Tập (xã Minh Châu).

z3879032235329-f3d42c1e93b4fe9ad2dc8f287b6c1bb5-1668398022.jpg
Nhà Thánh làng Vân Tập (xã Minh Châu, Diễn Châu, Nghệ An) - di tích lịch sử cấp Tỉnh thờ Khổng Tử và 5 vị tiên hiền đậu Hương cống (Cử nhân) và 14 vị đậu Sinh đồ (Tú tài) của làng Vân Tập xưa

Người khai khoa cho làng Vân Tập

Làng Vân Tập, xã Minh Châu (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là vùng đất “nức tiếng” khoa bảng của Nghệ An. Các thế hệ sĩ tử của làng nối tiếp nhau đậu đạt, làm rạng rỡ quê hương. Bởi thế, truyền thống Nho học như một dòng chảy bất tận xuyên suốt cả ngàn năm lịch sử. 

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) ông Nguyễn Thiện Thuật thi đỗ Hiệu sinh và trở thành người khai khoa cho làng Vân Tập. Vốn là người trọng đạo nghĩa, lại am tường địa lý, nên ông đã chọn đất, bỏ tiền và đứng ra kêu gọi nhân dân góp công, góp của xây dựng văn chỉ của làng để thờ các bậc Tiên Thánh, Tiên Sư để khuyến khích việc học hành thi cử và như một lời nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo, giữ lề thói thuần phong, mỹ tục. 

Về sự kiện này, văn bia có đoạn chép: “Văn chỉ của hội ta đã có từ lâu vậy, không biết là có từ khi nào. Đến khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 – 1719, Lê Dụ Tông) triều Lê, Nguyễn Thiện Thuật tiên sinh mở đầu văn khoa, bèn chọn đất này lập Văn chỉ". Đây là Văn chỉ cổ nhất còn lại trên địa bàn hiện nay.

z3879033110668-8c72b329349a98e5b1061fc483d9fbc7-1668397942.jpg
"Văn chỉ của hội ta đã có từ lâu vậy, không biết là có từ khi nào. Đến khoảng niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 – 1719, Lê Dụ Tông) triều Lê, Nguyễn Thiện Thuật tiên sinh mở đầu văn khoa, bèn chọn đất này lập Văn chỉ"

Kể từ khi Nhà Thánh được xây dựng, làng Vân Tập có 14 người đậu Sinh Đồ (Tú tài), 4 người đậu Hương cống (Cử nhân), 2 người đậu Tam trường (Phó Bảng)... trong đó, tiêu biểu là: Tam trường Nguyễn Trung Thứ, Giám sinh Nguyễn Trọng Mưu, Hương cống Nguyễn Trung Mậu, Cử nhân Nguyễn Trung Tỉnh...

Về Minh Châu, ta không chỉ “chiêm ngưỡng” lèn Hai Vai, nhà thờ họ Võ, nhà thờ họ Nguyễn Danh, đền Đệ Nhất, đền thờ Tiến sĩ Đàm Văn Lễ, Giác Thiện Đàn, đền thờ Tạ Công Luyện, đền Đạu, đình Trung Phường, chùa Cổ Am... mà còn đoái nhìn những giá trị được con sông Bùng bao bọc bao đời. Nhà thánh Vân Tập được chạm khắc qua nét vẽ của thời gian, hằn lên đó những giá trị lịch sử, văn hóa, được con cháu đời đời “tạc dạ” và ghi lòng. 

Nhà Thánh Vân Tập thờ Khổng Tử và 5 vị tiên hiền đậu Hương cống (Cử nhân) và 14 vị đậu Sinh đồ (Tú tài) của làng Vân Tập xưa. Việc phối thờ những người đỗ đạt ở Nhà Thánh, trong đó có những người đỗ đầu của làng và khắc tên trên bia đá là sự tôn vinh “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. 

Nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa làng Vân Tập xưa

Nhắc đến nhà Thánh Vân Tập là nhắc đến Hội Tư Văn. Đây là hội những người đi học chữ Thánh hiền, họ là những tri thức trong xã hội đương thời. Các việc tế lễ trong làng cũng đều do hội đảm nhiệm. Hội viên của Hội Tư văn rất được dân làng kính trọng. Vì vậy, được là thành viên của Hội Tư văn là cả một vinh dự lớn. Nếu làm quan võ mà không biết chữ thì cũng không được vào hội. Khác với những phường, hội khác, Hội Tư văn làng Vân Tập có quy chế, quy ước chặt chẽ, việc sinh hoạt của hội được duy trì thường xuyên.

Đặc biệt hơn, Hội Tư văn ở làng Vân Tập có ruộng học riêng. Ruộng học một phần được làng cấp cho, một phần do hội bỏ tiền ra mua, một phần khác do những người hảo tâm cúng cho hội... Ngoài ra, ruộng học còn được sử dụng để chu cấp cho học trò nghèo học giỏi và biếu tặng các vị khoa mục đậu đạt cao để khuyến khích sự học của con em trong làng Vân Tập.

Nhà Thánh Vân Tập hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều văn bia ghi lại sinh hoạt tín ngưỡng của làng. Đây có thể xem là những hiện vật có giá trị nhất. Trong đó, phải kể tới văn bia 4 mặt được thi công mùa Xuân Quý Hợi (năm 1863), niên hiệu Tự Đức thứ 16. Văn bia do Thám hoa Nguyễn Đức Đạt soạn văn, Phó bảng Nguyễn Trung Tỉnh viết chữ và Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hạnh điêu khắc. 

van-bia-van-tap-van-chi-bi-ky4853316-712021-1668398333.jpg
Nhà Thánh làng Vân Tập hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều văn bia ghi lại sinh hoạt tín ngưỡng của làng. Ảnh: Trí Cường

Bia 4 góc khắc gờ nổi sống khế tạo thành khung diềm được khắc các họa tiết hoa văn, dây lá, hoa thị, hoa văn hình học, hổ phù. Bốn mặt bia khắc chữ Hán nét khắc tinh tế, sắc sảo. Mặt trước ghi quá trình xây dựng văn bia, mặt sau ghi danh các vị đậu hiệu sinh, sinh đồ qua các triều đại; mặt trái: Các vị tiên sinh đậu giải thi hương qua các triều đại, mặt phải ghi tên tuổi của các vị đậu đại khoa qua các triều đại, những người đậu Hương cống, mặt sau ghi danh những người đậu Tú tài. 

Văn bia 2 mặt được làm bằng đá xanh vào ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1878) niên hiệu Tự Đức thứ 31, do Cụ Phó bảng Nguyễn Trung Tỉnh soạn văn, ông Cao Thức Như phác thảo, ông Nguyễn Trung Tuấn viết chữ và ông Nguyễn Văn Quán điêu khắc. 

Mặt trước ghi việc tế lễ, mặt sau ghi lại ruộng đất và những người công đức ruộng cho nhà Thánh. Trải qua hàng trăm năm, nhưng những hiện vật này vẫn giữ được cơ bản các yếu tố gốc. Chứng tỏ ý thức gìn giữ di sản văn hóa của cha ông trên mảnh đất này luôn được chú trọng, quan tâm từ đời này sang đời khác.

z3879032234656-080b681471a235303fdf2c24020065ea-1668398438.jpg
Ngày 13/11/2022, UBND xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thánh làng Vân Tập

Việc tế lễ tại nhà Thánh không mang tính huyền diệu, hướng người ta đến thế giới tâm linh, phụ thuộc vào thần quyền như ở đền, miếu mà nó mang tính chất tưởng niệm, giáo dục. Bởi vậy, Nhà Thánh Vân Tập không có việc cầu tài, cầu lộc mà chỉ có cầu học. Người ta cầu đạo của thánh hiền trước hết để làm cho con người có đạo đức, nhân cách, sau đó đem cái kiến thức của mình có được để phục vụ cộng đồng.

Nhà thánh xưa có bố cục kiểu chữ Khẩu, gồm 1 tòa nhà hình chữ “Nhất” được làm bằng chất liệu gỗ lim, chạm trổ hoa văn họa tiết đơn giản, mái lợp ngói vảy. Khuôn viên di tích được bố trí hài hòa, ăn nhập với không gian kiến trúc của làng.

Với những giá trị khoa học, lịch sử còn lưu giữ, Nhà thánh làng Vân Tập đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2021. Ngày 13/11/2022, UBND xã Minh Châu (huyện Diễn Châu) tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thánh làng Vân Tập. 

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nha-thanh-lang-van-tap-van-chi-co-tren-dat-minh-chau-a23898.html