Khởi đăng thiên phóng sự đặc biệt: Linh cảm (Kỳ 5)

Hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy là hơn 5.000 câu chuyện dài đầy xúc động và ly kỳ mà chẳng giấy bút nào ghi chép cho hết. Với chị Năm Nghĩa, điều đó lại càng không cần thiết. Chị bảo: “Chị đi tìm hài cốt liệt sĩ đâu phải để lên báo để kể công. Những việc chị làm đâu có thấm tháp gì so với những hy sinh to lớn của các liệt sĩ”.



Chị Năm Nghĩa bên bàn thờ các liệt sỹ - Ảnh: Hoàng Anh Sướng

Song có một điều chắc chắn rằng: Nếu không có sự linh ứng kỳ lạ của các linh hồn liệt sĩ thì chị, dẫu có đi tìm cả đời cũng chưa chắc tìm nổi vài bộ hài cốt giữa mênh mông đồi núi ngờm ngợp cỏ cây, nói chi đến hơn 5.000 bộ. Đó có phải là sự linh cảm vi diệu mà trời đất, liệt tổ liệt tông đã tin cậy trao tặng cho chị?

Tìm hài cốt con gái kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sau 35 năm thất lạc

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, (nguyên Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và bà Bùi Thị Nga, (nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh) sinh hạ được người con gái thứ hai, đặt tên là Huỳnh Lan Khanh.

Vì cả hai vợ chồng đều tham gia hoạt động cách mạng nên ngay từ khi mới lọt lòng, bé Lan Khanh đã được gửi cho bà ngoại và hai dì ruột chăm sóc. Mười tám tuổi, đang theo học lớp đệ nhị trường Gia Long (Trường Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ), Huỳnh Lan Khanh xin ngoại ra chiến khu thăm ba má. Là người say mê lý tưởng cách mạng, thiếu nữ đẹp ngời ngợi như ánh trăng rằm ấy đã ngay lập tức bị cuốn theo phong trào cách mạng nơi chiến khu. Chị đã tình nguyện xin ba má được ở lại làm văn thư cho Trung ương mặt trận. Sau, chuyển qua Đoàn văn công giải phóng.
 
Đầu năm 1968, không khí chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Mậu Thân tại Tây Ninh, căn cứ của Trung ương Cục và Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam hừng hực như lửa. Huỳnh Lan Khanh vô cùng phấn khích. Ngày 4 tháng 1 năm 1968, mặc dù chưa đến phiên, chị đã xung phong đi tải gạo thay đồng đội. Đến suối Chò, Sa Mát, Tây Ninh, đoàn công tác không may sa vào ổ phục kích của địch. Ba người cùng đoàn nhanh chân chạy thoát. Anh Lại Văn Giỏi và Nguyễn Chiến Thắng bị địch gí súng vào đầu bắn chết ngay tại chỗ. Chị Lan Khanh bị thương vào đùi, máu chảy ướt sũng ống quần. Tốp lính Mỹ ào đến, lôi chị lên máy bay trực thăng. Nhìn thấy chị đẹp ngời ngời, máu thú tính nổi lên, bọn lính Mỹ định hãm hiếp chị. Người con gái giải phóng quân đã chống trả quyết liệt để giữ trọn khí tiết. Khi máy bay vừa cất cánh lên khỏi rừng cây, chị đã lao vọt ra ngoài cánh cửa máy bay. Vài ngày sau, giặc rút, đồng đội mới tìm thấy xác chị.

Cái chết bi thương của chị đã được tái hiện qua những dòng hồi ký đẫm lệ của mẹ Bùi Thị Nga: “Ba ngày sau, đơn vị mới phát hiện xác của con bị treo lơ lửng trên ngọn cây, cách nơi phục kích khoảng 500 mét. Một vết cắt ở đùi đã được băng lại. Một bên vai bị cháy xém và con không còn một mảnh vải che thân… Ở chỗ con bị phục kích, đồng đội đã tìm thấy một mảnh áo của con bị xé rách, một đôi dép râu và cặp kính cận con vẫn đeo hàng ngày. Các đồng đội của con bảo: Con đã bị tra tấn nhục hình và đã nhảy từ trên trực thăng xuống. Thà chết chứ không chịu khai báo”.

Gạt nước mắt, đồng đội đào hố chôn chị cạnh hai anh Lại Văn Giỏi và Nguyễn Chiến Thắng với lời nhắn nhủ: “Các anh chị hãy tạm nằm yên nghỉ giữa rừng xanh Tây Ninh. Hoà bình lập lại, chúng tôi sẽ trở lại đón các anh, chị”.

Mười năm sau, khi khu Sa Mát, Tịnh Biên và cả dải biên giới Tây Nam lặng yên tiếng súng, thực hiện đúng lời hứa, đồng đội quay trở lại tìm chị thì bàng hoàng như không tin vào mắt mình. Cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn. Thời gian đã xóa nhoà tất cả.
 
Mẹ Bùi Thị Nga đau đớn kể lại: “Sau hoà bình, má đã chín lần vượt núi rừng đi tìm mộ con nhưng khói lửa chiến tranh và thời gian khắc nghiệt đã xoá mờ mọi dấu vết. Lan Khanh của má chỉ còn lờ mờ trong ký ức của đồng đội về một nữ chiến sĩ kiên cường. Đôi lúc má lẩn thẩn tự hỏi: Không biết ngày con còn sống, có khi nào con trách ba má vì đi làm cách mạng nên xa con sớm không? Con hai tháng tuổi má đã phải gửi con cho ngoại mà lòng đau như cắt… Năm 1964, trong nhà giam của giặc, má sững sờ nhìn cô thiếu nữ nhỏ tuổi non tơ vào thăm má trong tù. Lan Khanh của má đó sao? Đứa con bé bỏng năm nào nay đã là cô nữ sinh duyên dáng. Điều má vui mừng là con đã trưởng thành và đã đi theo bước chân ba má. Ra tù, má muốn con ra miền Bắc đi học nhưng con khăng khăng bảo anh trai của con đang vượt Trường Sơn từ Bắc và Nam chiến đấu thì con lẽ nào… Thế rồi cả ba, má và con cùng ở chiến khu nhưng mỗi người lại ở một nơi. Má lo con là nữ sinh gầy yếu, lại bị cận thị nặng, dòm xuống giếng còn bị chóng mặt, hẳn sẽ trở thành gánh nặng cho đơn vị. Thế mà chỉ hai năm sau thôi, qua bạn bè, má biết Lan Khanh của má đã biết đánh máy, xách nước, làm chị nuôi, bửa củi, gặt lúa, trồng khoai và lại rất nguyên tắc. Má nhớ cái hôm má qua thăm, dù đang làm chị nuôi, nhưng con tuyệt đối không lấy thức ăn của tập thể cho má mà lại đi hái rau để luộc cho má ăn. Ăn ngọn rau con hái mà lòng má tràn trề hạnh phúc. Nhưng má nào có biết, đó là hạnh phúc cuối cùng”.

Để khoả lấp nỗi đau, tháng nào má cũng đến nghĩa trang liệt sĩ thành phố, nơi có bia mộ giả của Lan Khanh để thắp hương cầu nguyện cho con gái yêu của má thanh thản nơi chín suối mãi mãi tuổi hai muơi. Và rồi, trước khi mất, lời trăn trối cuối cùng của má Bùi Thị Nga vẫn là lời cầu xin đến buốt lòng với hai người em gái và các con: “Phải tìm được bằng được hài cốt Lan Khanh về cho má”.

Thấu hiểu tận cùng nỗi đau của má, các con Huỳnh Tuấn Hùng, Huỳnh Xuân Thảo, Tuấn, Quốc, Dũng… lại bao lần ngược lên Sa Mát, Tây Ninh. Và rồi tình cờ, một ngày, họ gặp chị Năm Nghĩa đang lụi cụi đào tìm hài cốt liệt sĩ trong rừng. Họ xúc động kể lại toàn bộ câu chuyện và ngại ngùng nhờ chị Năm Nghĩa tìm giúp. Chị Năm Nghĩa gật đầu tắp lự.
 
Vào một ngày cuối tháng 2 năm 2002, chị dẫn đoàn lên Sa Mát. Cùng đi với gia đình Lan Khanh còn có 4 đồng đội xưa của liệt sĩ và anh Ba Minh, một người bạn học rất thân của cô. Chị Năm Nghĩa đi trước. Tới một vạt cỏ xanh mướt, chị bỗng khựng lại, người khẽ chao đảo, mặt đỏ lựng như người say nắng rồi chợt cất lên tiếng hát cao vút, trong vắt: “Hò khoan chị em chúng mình, đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo…”. Sau một phút bàng hoàng, mọi người trong đoàn thốt lên: “Lan Khanh”. Khi xưa, Lan Khanh rất hay hát bài hát này. Người thân oà khóc.
 
Hát xong, chị Năm Nghĩa ngã sấp, hai tay chống xuống đất như người bị ngất. Một lát sau, chị đứng dậy, giơ tay chỉ: “Đây là tư thế Lan Khanh nằm dưới mộ. Đào đi. Nhẹ tay thôi. Hai bên còn có hai đồng chí nữa”. Mấy đồng chí từng chôn cất Lan Khanh vui sướng xác nhận, giọng líu ríu: “Đúng. Đúng”. Chừng một tiếng sau, ba bộ hài cốt nằm song song được cất bốc. Khay hoa quả, mấy nén nhang thơm được thắp lên, chị Năm Nghĩa quỳ gối, thành tâm cầu xin thần núi, thần sông phù hộ độ trì cho các linh hồn liệt sĩ được trở về với gia đình, quê hương.
 
Kỳ 6: Chiếc đầu lâu cắm bút, con dao găm và bà mẹ già mỏi mắt chờ con
 
Hoàng Anh Sướng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khoi-dang-thien-phong-su-dac-biet-linh-cam-ky-5-a2383.html