Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.
Đến dự buổi lễ có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan Chèo toàn quốc 2022; NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Về phía tỉnh Hà Nam, có bà Lê Thị Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam; ông Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam, Phó Ban chỉ đạo liên hoan và đông đảo các nghệ sĩ đến từ 16 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, thêm một lần nữa, chúng ta thấy Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát mang đậm đà tính dân tộc với sự kế hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố như hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Trải qua thời gian nghệ thuật Chèo đã được nâng lên một mức mang tính giá trị đời sống hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Nghệ thuật Chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần và trở thành một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 cũng là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng về chấn hưng, phát triển văn hóa con người Việt Nam .
Theo Thứ trưởng, tại Liên hoan lần này, có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo.
"Tôi ghi nhận, biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã có sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các vở diễn của mình; biểu dương các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên đã khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch Covid-19 để đem đến Liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao. Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội nghề nghiệp chuyên ngành hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng. Thông qua Liên hoan lần này, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chú trọng hơn nữa, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng nên những vở diễn đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật đáp ứng sự trông đợi của bạn nghề và khán giả" - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Tại lễ bế mạc, PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan cũng đã có báo cáo tổng kết Liên hoan. Cụ thể, theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, thông qua hơn 2 tuần thi tài, với 27 vở diễn của 16 đơn vị chúng ta đã nhận thấy dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy, thì những sáng tạo trên sân khấu Nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam, vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Chèo truyền thống, với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Ở đó, nội dung đã vang lên những bài ca tình đời, tình người sâu sắc, làm người xem được lớn hơn bản thân mình vốn có, được vươn cao hơn trong đời sống, để hướng tới xây dựng cho mình những phẩm chất trung thực, liêm chính, hiến dâng tài năng cho Tổ quốc, non sông, hòa bình, hạnh phúc, giầu đẹp và kiên quyết phê phán những tư tưởng ích kỉ nhỏ nhen, hèn kém, hại người…Do đó, có thể khẳng định rằng 27 vở diễn của Liên hoan là 27 bài ca về chân, thiện, mỹ của làng Chèo.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra những hạn chế của Liên hoan như: còn chưa có nhiều tác giả mới, chưa nhiều tác phẩm có "tích hay, trò lạ", có hình thức mới mẻ, đột phá, mà phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, diễn cũ, trang trí, phục trang cũ, không ít vở chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, thiếu mới mẻ và phù hợp đương thời.
Cũng theo báo cáo tổng kết, đối với đạo diễn, tuy là có nghề, có kinh nghiệm nhưng không ít trong số họ lặp lại chính mình, làm cũ chính mình trong trang trí, trong ca, trong múa… Đặc biệt nhiều nhân vật phụ lấn át nhân vật chính, tính kịch át tính trữ tình hoặc trữ tình lấn át tính kịch, tạo cho vỡ mang phong cách "kịch cắm ca"… Đối với nghệ sỹ biểu diễn, không ít diễn viên hát phô, hát chênh nhịp, hát sến, quên lời, nói ngọng, rơi đạo cụ trên sân khấu không biết xử lý ra sao, hoặc lúc mất tiếng...
Hiện thực cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế vẫn chưa vào Chèo và Chèo vẫn chưa thể hiện được xung đột trung tâm, nhân vật trung tâm, hành động trung tâm của thời đại "chuyển dịch giá trị" vào sáng tạo của nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải chăng đã đứng ngoài cuộc và đang thờ ơ với cuộc sống "chuyển dịch giá trị đương thời".
Tại buổi lễ, BTC đã trao 1 giải xuất sắc, 6 Huy chương vàng, 6 Huy chương bạc, 4 Huy chương đồng cho các vở diễn xuất sắc. Trong đó, vở diễn xuất sắc được trao cho vở "Đất liền và Biển cả" Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương vàng được trao cho các vở "Linh từ Quốc mẫu" Nhà hát Chèo Hà Nội; "Vang bóng một thời" (Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân) Đoàn Chèo Hải Phòng; "Khóc giữa trời xanh" Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; "Nguyễn Đình Nghị" Nhà hát Chèo Hưng Yên; "Mật chỉ giữa hoàng cung" Nhà hát Chèo Quân đội; "Thiên duyên huyền tích" Nhà hát Chèo Thái Bình.
Ngoài ra, BTC cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm tác giả Nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương với vở "Đất liền và biển cả" Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở "Linh từ Quốc mẫu" Nhà hát Chèo Hà Nội; Nhạc sĩ Vũ Thiềng vở "Đất liền và biển cả" Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Biên đạo múa ThS Hoài Anh "Vang bóng một thời" Đoàn Chèo Hải Phòng.
Theo bvhttdl.gov.vn