Có hay không việc “chạy” trong xét tặng danh hiệu nghệ sĩ? (Kỳ 2): Nể phục nhau về chuyên môn chỉ là một vế...

NSND Bùi Đắc Sừ, thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lĩnh vực Sân khấu lần thứ 8 – năm 2015 đã có cuộc trao đổi dưới đây với P.V


Thưa ông, rõ ràng có sự lầm lẫn về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND vì cho rằng 2 HCB có thể tính là 1 HCV quốc gia?

- Đúng như vậy, một số nghệ sĩ và hội đồng cơ sở đã không nghiên cứu kỹ những quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ sĩ dẫn đến những hiểu lầm vô cùng đáng tiếc không chỉ trong giới nghệ thuật mà còn tác động tới dư luận xã hội khi sự “lầm lẫn” ấy được đưa lên các phương tiện truyền thông.

Nghị định đã quy định rất rõ là phải có ít nhất 2 HCV quốc gia để xét tặng danh hiệu, còn việc có bao nhiêu HCB không tính. Vàng đối với NSND phải là “vàng mười” chứ không phải là vàng nhờ cộng gộp 2 HCB. Nó thể hiện sự khác biệt giữa hai danh hiệu NSƯT và NSND, hay nói như cách của Báo Văn Hóa là thể hiện “đẳng cấp” khác nhau.

Được biết, Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu không chỉ dựa theo tiêu chí huy chương mà còn cả những tiêu chí khác được quy định trong Nghị định. Chính vì vậy mà đã có những thắc mắc vì có nghệ sĩ đủ số lượng huy chương nhưng vẫn không được đề nghị xét tặng và ngược lại có người không đủ số lượng giải thưởng vẫn được đề nghị xét tặng?

- Khi xét tặng, Hội đồng gặp một số trường hợp phát sinh và chúng tôi phải cùng ngồi lại trao đổi cụ thể từng trường hợp. Có trường hợp NSƯT thiếu 1/2 HCB nhưng lại có thừa 1/2 HCV hay ngược lại thiếu 1/2 HCV và thừa 1/2 HCB, lúc đó Hội đồng sẽ phải tính ở góc nhìn của cả 4 tiêu chí để đưa ra kết luận.

Có nghệ sĩ là NSƯT đủ số lượng HCV để xét tặng danh hiệu NSND nhưng vì tuổi nghề còn quá trẻ và qua trao đổi với cấp cơ sở, hội đồng đã thống nhất để lại đợt sau để nghệ sĩ đó tiếp tục cố gắng, nỗ lực sáng tạo và làm dày thêm bảng thành tích. Khi biết quyết định của hội đồng, nghệ sĩ này vẫn vui vẻ không “kiện cáo” gì.

Ngược lại, có những trường hợp như NSƯT Diễm Lộc, NSƯT Thanh Trầm mặc dù không có đủ, thậm chí không có cả giải thưởng theo quy định nhưng hội đồng vẫn đề nghị xét đặc cách bởi họ đều là những nghệ sĩ tuổi tác đã cao, về hưu nhưng vẫn tham gia biểu diễn, đóng phim, giảng dạy, vẫn cống hiến liên tục cho sự nghiệp sân khấu…

Có ý kiến thắc mắc đối với một số nghệ sĩ có đủ số lượng huy chương để xét tặng nhưng lại không được đề nghị bởi các tiêu chí khác, đặc biệt là tiêu chí: “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề...". Ông nghĩ sao khi mình cũng là người phải cầm cân nảy mực trong trường hợp này?

- Đánh giá tư cách, phẩm chất đạo đức tuỳ thuộc vào nhận thức riêng của mỗi người, có những trường hợp có thể dẫn giải nhưng có trường hợp khó nói cụ thể được. Ví dụ trường hợp cụ thể như chửi bới, lăng mạ một cá nhân nào đó hoặc như gặp gỡ đồng nghiệp mất lịch sự không chào, hay nói xấu người này hay người khác hoặc có lối sống cá nhân buông thả…

Những biểu hiện đó có thể không bị kỷ luật nhưng rõ ràng đã là một nghệ sĩ có danh hiệu thì không thể chấp nhận được. Có một số trường hợp như đạo diễn, biên đạo múa mà đồng nghiệp không ủng hộ bởi cái cách thể hiện và ứng xử thiếu tôn trọng khi dàn dựng chương trình như chửi mắng, thóa mạ nghệ sĩ không tiếc lời…

Chúng ta có thể nể phục tài đạo diễn, biên đạo hay diễn xuất nhưng về góc độ ứng xử mà thiếu văn hóa, thậm chí thô tục thì cũng khó có thể “qua được” nếu các thành viên Hội đồng đưa ra và có dẫn chứng cụ thể. Các bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của nhiều thành viên các hội đồng khác đã lý giải công khai về nhiều trường hợp cụ thể rơi vào trường hợp này trên một số tờ báo gần đây.

Là người trong cuộc, ông bình luận gì về thông tin có người phải cảm ơn mỗi thành viên hội đồng cỡ từ 10 đến 20 triệu đồng?

- Hãy nhẩm tính nếu để trót lọt tới 4 cấp hội đồng với gần 70 thành viên thì liệu cá nhân nào có đủ sức để mua được ngần ấy thành viên trong các hội đồng? Tôi đã thấy có thành viên trong hội đồng kiên quyết từ chối không xét các tiêu chuẩn khác nếu cá nhân nghệ sĩ được đề nghị không đủ số lượng huy chương.

Họ cho rằng làm như vậy là trái với quy định và sẽ khiến dư luận xã hội coi thường mình. Cá nhân tôi đứng ra bảo vệ nghệ sĩ này nhưng một số thành viên của hội đồng cũng có những lý lẽ để không đưa nghệ sĩ ấy vào danh sách và dĩ nhiên ý kiến thiểu số như của tôi cũng không có giá trị gì nữa khi số phiếu để đạt phải là 90%.

Xin cảm ơn ông!

“Hội đồng đang thực thi pháp luật vì thế nếu có sai phạm thì phải làm rõ”

Lẽ ra việc phong tặng phải là sự vui vẻ, tôn trọng thì vô hình trung những chuyện lùm xùm và những nhận định thiếu căn cứ đã khiến giới nghệ thuật trở thành “trò lố” đối với xã hội. Tôi cho rằng cũng có thể có sự ưu ái một số trường hợp mang tính cá nhân khi họ có cách tiếp cận hoặc gây chú ý với một vài thành viên trong hội đồng, tuy nhiên đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ đối với đại bộ phận các nghệ sĩ trong diện xét tặng danh hiệu. Bên ngoài xã hội tại nhiều hội nghị người ta cũng đề cập đến chuyện chạy chức, chạy quyền thì đối với nghệ thuật việc tranh thủ, nhờ vả qua quen biết thân tình hay sau đó có cảm ơn cũng là chuyện dễ xảy ra. Tôi rất đồng tình với ý kiến của NSND Lê Tiến Thọ trên Báo Văn Hóa số 2657 ra ngày 24.7.2015 và nhấn mạnh rằng hội đồng các cấp xét tặng danh hiệu đang thực thi theo các quy định của pháp luật, nếu có những biểu hiện sai phạm thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ. (NSND Hoàng Khiềm, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng VN)

"Nếu phải đi cảm ơn thì họ lấy đâu ra tiền?"

Trong đợt xét tặng danh hiệu lần này đoàn chúng tôi có một trường hợp sinh năm 1975 đã đủ số huy chương để xét tặng danh hiệu NSND. Hội đồng cấp Bộ sau khi xem xét và trao đổi với lãnh đạo đoàn đã thống nhất gác lại trường hợp này để nghệ sĩ ấy tiếp tục phấn đấu, có sức lan tỏa hơn trong nghề nghiệp. Chúng tôi cũng rất mong dư luận cần nhìn nhận rõ hơn về sức lan tỏa, cống hiến của nghệ sĩ. Không phải chỉ những nghệ sĩ xuất hiện thường xuyên trong các chương trình Chuông vàng vọng cổ, các game show truyền hình là tài năng… mà còn có những nghệ sĩ đang ngày đêm gắn bó với các đơn vị, không nề hà những chuyến lưu diễn xa xôi vất vả ở vùng sâu, vùng xa hoặc những nhạc công ngồi “chai” trên ghế dưới sân khấu hàng chục năm trời… Những con người này cũng rất tài năng, có điều họ không được nhiều người biết đến nhờ công nghệ lăng xê và nếu so sánh với những người thường xuyên có điều kiện xuất hiện trên truyền thông thì họ thiệt thòi lắm! Chính vì thế mới cần đến Hội đồng, cần đến các quy định… Nếu phải đi “cảm ơn” như dư luận nói thì tôi nghĩ họ lấy đâu ra tiền? (NSND Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn NT Cải lương Đồng Nai).
 
Theo Nhóm PV (Báo Văn Hóa)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/co-hay-khong-viec-chay-trong-xet-tang-danh-hieu-nghe-si-ky-2-ne-phuc-nhau-ve-chuyen-mon-chi-la-mot-ve-a2372.html