Rừng Tánh Linh có quá nhiều hài cốt. Có những hài cốt vẫn còn mắc trên võng, treo trên thân cây. Đó là những đồng chí chết do sốt rét rừng hay bị thương. Bao nhiêu năm, dây rừng ôm trùm kín. Lấy dao cắt hết dây, võng, xương cốt vẫn còn nguyên. Lại có nhiều hài cốt chôn tạm bợ dưới đất nông. Bao nhiêu năm mưa rừng xói lở. Nhiều chỗ ni - lông nổi hết lên. Chị Năm Nghĩa chỉ việc vén lá rừng là nhặt xương. Lại có những hố chôn tập thể lên đến mấy trăm người. Ngồi nhặt cả tháng mà vẫn chưa hết. (Chuyện sẽ kể ở phần sau – tác giả). Ngày, chị cố gắng thu nhặt thật nhiều xương. Tối, chị nhóm lửa, múc nước suối, hái lá rừng, nấu nồi nước thơm rồi nhẹ nhàng lau rửa từng lóng xương, từng chiếc răng, hộp sọ, xếp ngay ngắn vào từng vuông vải đỏ, bó lại. Chị vừa làm vừa khóc. Chị khóc cho sự hy sinh quá lớn của các anh.
Chị biết, các anh hầu hết còn trẻ. Có người vừa cưới vợ hôm trước, hôm sau đã lên đường ra trận, rồi vĩnh viễn không về, chưa kịp có với nhau một mụn con. Có người còn chưa một lần biết yêu, được yêu. Bao nhiêu năm vùi xác thân lạnh lẽo nơi đây. Không một ai viếng thăm, không một nén hương tàn. Chắc các anh cô độc lắm… Chị cũng khóc cho thân phận mình. Mẹ già còn đó, nương tựa vào ai. Con còn trẻ dại, tương lai mịt mù. Từ ngày chị đi mẹ con chưa một lần hội ngộ. Mái nhà tranh chắc cũng tiêu điều, hoang lạnh lắm. Liệu chúng có oán chị không? Hận chị không? Mà đường đi của chị còn thăm thẳm, đâu biết ngày về?
Chị ở rừng chừng 3 tháng thì mỳ hết, gạo hết mà hài cốt vẫn còn quá nhiều. Chị vừa khóc vừa bảo: “Các anh ơi! Các anh ở lại, em về tải gạo rồi em lại vào”. Nhưng các liệt sĩ cứ níu lại, sợ chị về rồi không bao giờ quay trở lại nữa. Thế là chị đi đào củ mài. Xuống suối bắt con cua, con ốc. Nhưng mãi rồi cũng hết. Buổi trưa, đói hoa mắt, chị bảo: “Anh ơi! Lần này thì hết cái ăn thật rồi. Làm thế nào bây giờ?”. Các liệt sĩ bảo: “Vậy thì mình ăn cháo hoa đi”. Chị thắc mắc: “Gạo không còn một hạt thì nấu cháo làm sao?”. Các liệt sĩ cười: “Lấy nước suối, nấu lên uống. Cháo hoa đấy”. Chị làm đúng như thế. Nấu sôi nước suối, rót ra bát ăn cơm. “Thôi. Hôm nay anh em mình ăn cháo hoa thật rồi. Các bác ăn trước đi, rồi em ăn. Cháo nóng đấy nhé. Các anh nhớ húp vòng quanh”.
Buổi trưa rừng hoang yên tĩnh. Chị nghe rõ tiếng người húp sì sụp. Đến lượt chị bê bát nước lên thì màu nhiệm vô cùng. Chị ngửi thấy đúng thơm mùi gạo chứ không phải nước sôi. Nhờ những bát cháo hoa kỳ diệu ấy mà chị ở rừng thêm được 15 ngày nữa.
Vì hài cốt nhiều, lại ở nhiều cánh rừng khác nhau nên chị phải chia làm nhiều trạm chứa hài cốt. Sau cùng, tập kết ở một trạm trung tâm. Việc vận chuyển hài cốt khó khăn vô cùng. Thứ nhất là do đường rừng núi hiểm trở. Thứ nhì, người dân tộc họ cấm không cho mang hài cốt qua bản. “Mày không được đưa ma qua bản tao. Ma nó ở lại quấy rầy”. Chị phải mày mò đi tìm đường ngang lối tắt. Ba lô sau lưng là 12 bộ hài cốt. Làm cái bọc vải đèo tòng teng trước cổ 8 bộ. Còn đâu bó hai bọc to đoành, mỗi bọc 20 bộ rồi chặt khúc cây rừng, chị gánh. Thế là, 60 bộ hài cốt cứ kẽo kẹt theo mỗi bước chân nhún nhảy trên thân hình gầy guộc của chị vượt qua bao đèo dốc. Gặp con suối lớn, nước ngập tới ngực, tới cổ, chị phải nâng từng bọc lên đầu để lội qua, tuyệt không để các anh bị ướt. Có lần, một thân một mình ở trong rừng sâu lâu quá, đến lúc ra ngoài bìa rừng, nhìn thấy người, chị cứ ngơ ngơ ngác ngác như người… rừng. Cũng lắm khi chị đứng dụi mắt đến đỏ ngầu để tự ý thức xem mình là người trần hay là người từ cõi… âm.
Kỳ 5: Linh cảm
Hoàng Anh Sướng